THÔNG TẤN XÃ GIẢI PHÓNG: Xứng danh anh hùng (Bài 1: Thông tấn xã giải phóng ra đời)

Thứ hai, 12/10/2020 17:45

Sau Hiệp định Genève được ký kết vào năm 1954, đất nước tạm thời chia làm hai miền, chờ tổng tuyển cử. Tuy nhiên chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự giúp đỡ và có sự chỉ đạo của Mỹ, ra sức phá hoại Hiệp định Genève, từ chối hiệp thương với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất Việt Nam trong thời hạn 2 năm theo điều khoản của Hiệp định. Nhằm duy trì chế độ bù nhìn, phản động của mình, Mỹ - Diệm ra sức đàn áp những người yêu nước và phong trào cách mạng ở miền Nam. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình miền Nam và từ những yêu cầu tất yếu của cách mạng trong tình hình mới, năm 1960 cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Để khẳng định sự chính danh và tăng cường thống nhất sự lãnh đạo cách mạng trong toàn miền, việc ra đời Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) miền Nam Việt Nam là yêu cầu cấp bách.

Hình ảnh giải phóng Đà Nẵng do phóng viên TTXGP chụp.

Suốt thời gian này cho đến năm 1957, tuy chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố gắt gao, nhưng việc in và phát hành bản tin VNA5 của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) ở Nam bộ và bản tin Tin tức miền Nam vẫn không bị gián đoạn... Các hoạt động của VNTTX ở Nam bộ trong suốt những năm 1950 trước khi MTDTGP miền Nam Việt Nam ra đời là các bước chuẩn bị cho việc thành lập Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) vào ngày 12-10-1960 sau này.

Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo việc cần thiết thành lập TTXGP trước khi chính thức thành lập MTDTGP miền Nam Việt Nam. Theo lời kể của đồng chí Lành (Tố Hữu) và đồng chí Lê Văn Lương về lời chỉ đạo của Bác năm 1959 đề cập tới việc cần thiết thành lập TTXGP trước khi thành lập MTDTGP miền Nam. Bác còn nói với các đồng chí: "Đài Phát thanh Giải phóng thì bước đầu có thể chưa cần đặt ở chiến trường nhưng Thông tấn xã Giải phóng thì phải có mặt tại từng địa bàn chiến đấu".

Lãnh đạo Liên khu V tiếp nhận nghị quyết của T.Ư và lời dặn dò của Bác đã điều động đồng chí Võ Thế Ái vào chiến trường. Đồng chí Võ Thế Ái khi đó là phóng viên của VNTTX ở Hà Nội đã trở về miền Nam ngay từ năm 1959. Võ Thế Ái vốn quê ở Đà Nẵng, lại từng làm thông tin báo chí ở khu V trong thời kháng chiến chống Pháp nên lãnh đạo khu V quyết định chọn đồng chí về lại miền Nam.

Ở khu V, thời gian này, VNTTX Liên khu V và VNTTX Nam Trung bộ qua nhiều lần di chuyển địa điểm nhưng vẫn luôn ở bên cạnh Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V tại khu căn cứ Nước Oa, H. Trà My  (nay là Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), rồi sau đó chuyển đến khu căn cứ Phước Trà, H. Phước Sơn (nay là xã Sông Trà, H. Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam).

Sau chiến thắng Tua Hai (Tây Ninh) vào tháng 1-1960, cơ quan Xứ ủy Nam bộ dời về căn cứ Dương Minh Châu, bấy giờ đã có vùng giải phóng. Tại đây, Phòng Thông tấn xã Nam bộ không chỉ nhận mà còn phát tin. Bộ phận kỹ thuật sử dụng máy phát điện quay tay để tạo ra nguồn điện phát sóng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, chuẩn bị cho việc tuyên bố thành lập MTDTGP miền Nam Việt Nam, ngày 22-4-1960, Xứ ủy Nam bộ ra Chỉ thị số 18-TVA về tổ chức một bộ phận cán bộ chính trị và cán bộ kỹ thuật để thành lập một cơ quan thông tin chính thức ở miền Nam. Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ giao cho các đồng chí Tân Đức, Đỗ Văn Ba thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Nhiệm vụ mới không chỉ bao gồm việc cung cấp tin cho lãnh đạo mà còn liên lạc với các địa phương, tổng hợp tình hình, biên soạn tin tức và phát theo chiều ngược lại ra Hà Nội, để kịp thời thông tin về cuộc đấu tranh cho hòa bình thống nhất nước nhà và kịp thời đấu tranh, tố cáo tội ác của Mỹ - Diệm.

Sau một thời gian ngắn chuẩn bị lực lượng và phương tiện, đúng 19 giờ ngày 12-10-1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), chiếc máy phát sóng 15W đã phát đi bản tin đầu tiên của TTXGP. Bản tin tiếng Việt có tiêu đề Giải phóng xã (GPX), bản tin phát đối ngoại với hô hiệu tiếng Anh là Liberation Press Agency (LPA) phát trên sóng điện 31 mét. Dưới tiêu đề có ghi Cơ quan thông tấn của MTDTGP miền Nam "Tiếng nói chính thức của những người yêu nước miền Nam Việt Nam". Ở khu V, thời điểm này, TTXGP khu vực Trung Trung bộ cũng được hình thành trên cơ sở của các bộ phận: Việt Nam TTX Liên khu V và Việt Nam TTX Nam Trung bộ (đã hình thành trước đó). Sau này, ngày 12-10-1960 được lấy là ngày truyền thống của TTXGP và của các đơn vị kế thừa ngày nay: Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam (B2) và Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên (B1).

Hơn 2 tháng sau đó, ngày 20-12-1960, MTDTGP miền Nam Việt Nam được thành lập. TTXGP đã phát đi thông báo về việc MTDTGP miền Nam Việt Nam ra đời và nhanh chóng chuyển toàn bộ văn kiện của Mặt trận ra VNTTX, từ đó phát đi cho các báo trong nước và thế giới, thông báo về một tổ chức chính trị vừa được thành lập, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam, tập hợp, cổ vũ mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân miền Nam yêu nước chống đế quốc Mỹ và tay sai. Từ đó, TTXGP được coi là cơ quan ngôn luận chính thức của MTDTGP miền Nam Việt Nam. Đến năm 1961, T.Ư Cục miền Nam và Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTDTGP miền Nam Việt Nam có quyết định chính thức thành lập TTXGP. Trong lời ra mắt, TTXGP trịnh trọng thông báo với nhân dân Việt Nam và bè bạn trên thế giới: "TTXGP là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam...  TTXGP cũng sẽ cung cấp một số tài liệu về tình hình địch và ta để vạch trần âm mưu, ý đồ của địch cũng như để làm sáng tỏ đường lối, chính sách của cách mạng".

... Sau một thời gian, bộ máy TTXGP đã phát triển vượt bậc: gồm bộ phận Tổng xã ở chiến khu Tây Ninh (R) và hệ thống thông tấn báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Đảng ở khắp các khu, tỉnh miền Nam, từ Quảng Trị, khu V, đến Cà Mau và Cục Chính trị quân giải phóng miền; đồng thời thường xuyên tổ chức lực lượng phóng viên tin - ảnh, điện đài đi tiền phương theo các mũi tiến công của bộ đội trên các mặt trận và các chiến trường trọng điểm.

Từ khi chính thức ra đời, TTXGP luôn đi tiên phong trong công tác thông tin, tuyên truyền; trở thành cơ quan chủ lực trong khối thông tấn báo chí cách mạng ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và giai đoạn đầu thống nhất đất nước. Với tư cách là cơ quan phát ngôn chính thức của MTDTGP miền Nam Việt Nam và sau đó là của cả Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, TTXGP đã thông tin "đúng sự thật, đúng sự lãnh đạo của Đảng", trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén, mạnh mẽ, góp phần cực kỳ quan trọng làm nên những chiến công chói lọi của dân tộc ta đi tới ngày thống nhất đất nước.

(còn nữa)

Ngô Anh Văn

(Sưu tầm và biên soạn theo tư liệu của TTXVN)