Gương mặt thủ khoa năm 2013:

Thủ khoa Đại học Bách Khoa Đà Nẵng: Học để thoát nghèo

Thứ ba, 30/07/2013 11:48

(Cadn.com.vn) - Mấy ngày nay, căn nhà nhỏ đơn sơ của tân thủ khoa Trường ĐHBK Đà Nẵng Trần Nhật Hoàng (lớp 12 chuyên Toán Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) trong con hẻm nhỏ ở P. Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng) tràn ngập niềm vui. Tin con trai đầu lòng đỗ thủ khoa khiến vợ chồng anh Trần Đăng Sinh vui không thể tả. Vậy mà, khi tiếp xúc với tôi, Hoàng vẫn trăn trở là vẫn chưa đạt được điểm cao như các tân thủ khoa ở hai đầu đất nước. Em mong, “món nợ” này sẽ được thế hệ HS chuyên

Trần Nhật Hoàng

Lê Quý Đôn sau em phấn đấu đạt được...

Trước năm 2002, gia đình anh Sinh ở xã Quảng Tân, Quảng Trạch (Quảng Bình), làm nghề nông, đời sống rất chật vật. Được sự tư vấn, giúp đỡ của vợ chồng anh vợ ở Đà Nẵng, anh Sinh một mình vào thuê nhà trọ tại P.Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu làm lao động phổ thông. Nhờ có sức khỏe, chăm chỉ, cần cù, 2 năm sau anh Sinh mua được mảnh đất nhỏ tại phường, sau đó đưa vợ và đứa con nhỏ hai tuổi vào, còn Hoàng (đang học lớp 1) thì gửi ông bà nội, ngoại chăm sóc. Sau đó, được người thân giúp đỡ, vợ chồng anh Sinh cất được ngôi nhà cấp 4 rồi đưa Hoàng vào xin học lớp 3 tại Trường Thực hành Sư phạm...

Kể đến đây, anh Sinh ngậm ngùi: “Nói thiệt với cô, nhà xây từ năm 2002, 2003 đến nay đã trả hết nợ đâu. Cũng may là toàn người thân cho mượn cả, nếu không không biết đến khi nào vợ chồng tui mới có nhà ở”... Chị Nguyễn Thị Tuyết tiếp lời chồng: “Nhà nghèo, nên khi vào đây, vợ chồng tui chỉ biết khuyên con ráng học cho giỏi để... thoát nghèo. Được cái, thằng bé rất tinh ý, biết thương cha mẹ, học hành chăm chỉ nên vợ chồng tui không phải lo...”. Năm 2006, chị Tuyết nhờ người quen xin vào làm tạp vụ tại Trường ĐHSP Đà Nẵng...

Hoàng gây ấn tượng với người tiếp xúc bởi khiếu ăn nói và có khả năng phản biện  tốt. Hoàng nói: “Hồi mới vô đây em rất khó hòa đồng với các bạn bởi giọng nói Quảng Bình “đặc sệt”. Vậy là em ráng tập nói giọng Đà Nẵng để các bạn dễ nghe”. Hoàng cũng bộc bạch: từ đầu năm lớp 9, được học thêm môn Toán do thầy Nguyễn Quốc Việt (đã mất)- nguyên GV dạy Toán, Lý Trường THCS Hòa Khánh (cũ), nay là trường Lương Thế Vinh, niềm đam mê Toán trong em “bùng cháy”. Nhưng rồi vì một chút không may mắn, Hoàng không có chân trong đội tuyển Toán của trường mà lại vào đội tuyển Địa.

Trần Nhật Hoàng cùng bố mẹ.

Tại kỳ thi chọn HSG lớp 9, em đã đoạt giải nhì môn Địa cấp thành phố. Nói về cơ duyên này, Hoàng biết ơn thầy dạy Địa của em khi ấy: “Năm đó, đội tuyển Toán đủ người mà đội tuyển Địa lại thiếu. Thầy dạy Địa thấy em học môn này cũng được nên khuyên em vào đội tuyển để nếu có giải thì khi dự thi vào trường chuyên Lê Quý Đôn sẽ có nhiều cơ hội hơn. Nghe lời thầy, em vào đội tuyển và được bồi dưỡng cấp tốc chỉ hơn 1 tuần, vậy mà không ngờ đạt giải. Khi đăng ký dự thi lớp 10 chuyên Toán, môn chuyên Toán em được 10 điểm. Có người thắc mắc không hiểu vì sao em đạt giải nhì Địa mà lại dự thi chuyên Toán... là vậy đó cô”.

Hoàng “bật mí” phương pháp học: Ở lớp chăm chú nghe thầy cô giảng bài, về nhà ôn lại bài và làm nhiều bài tập. Chỗ nào không hiểu thì hỏi thầy cô, bè bạn. Ngoài các công thức của Toán, Lý, Hóa, các dạng bài tập, em còn ghi chép những điều cần đáng ghi nhớ, bổ ích, các kiến thức xã hội vào sổ tay. Có khi vội, em ghi luôn trên bàn học để nhớ. Em nói: người thầy ảnh hưởng em nhiều nhất là thầy giáo dạy Toán Nguyễn Cung Nghi. “Ban đầu, em thấy sợ vì nhìn vẻ ngoài hơi lạnh lùng, nghiêm khắc của thầy. Nhưng càng học, em càng quý trọng, yêu mến bởi sự tận tình, sâu sắc của thầy cả trong cách dạy và chỉ bảo cuộc sống. Thầy cho em cách nhìn khác về môn Toán, chỉ cho em thấy hướng đi, vai trò ứng dụng của toán học trong thực tiễn... Hoàng nói ước mơ của em là trở thành một kỹ sư tin học giỏi để sau này có công việc ổn định, giúp đỡ gia đình và trả ơn thầy cô, cha mẹ...

P.T