Thủ quỹ tham ô tiền tỷ kéo kế toán cùng lãnh án tù

Thứ bảy, 31/08/2024 07:38

Ngày 30-8, TAND tỉnh Quảng Trị xét xử đối với 2 bị cáo: Phan Thị Anh (1987, nguyên thủ quỹ Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Đông Hà, Quảng Trị) về các tội: “Tham ô tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; Nguyễn Thị Thúy Kiều (1975, nguyên kế toán nghiệp vụ Chi cục THADS TP Đông Hà) về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Kiều đứng ở bục khai báo, phía sau là bị cáo Anh.
Bị cáo Kiều đứng ở bục khai báo, phía sau là bị cáo Anh.

Theo cáo trạng, Anh là thủ quỹ, kiêm văn thư, thủ kho của Chi cục THADS TP Đông Hà, được phân công nhiệm vụ thu, chi và quản lý tiền mặt nghiệp vụ thi hành án của cơ quan. Tháng 11-2022, kế toán Chi cục là Nguyễn Thị Thúy Kiều kiểm tra Liên 2 “Giấy nộp tiền” ngày 28-10-2022 do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Quảng Trị phát hành thì phát hiện Anh đã nộp tiền vào ngân hàng không đúng theo các phiếu chi của Chi cục đã lập. Qua kiểm tra, đối chiếu với Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị, phát hiện Anh nhiều lần không nộp hoặc nộp không đủ tiền vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý tại kho bạc. Ngày 8-11-2022, kế toán Kiều và lãnh đạo Chi cục tố cáo toàn bộ hành vi phạm tội của Anh tại Công an tỉnh Quảng Trị. Ngày 6-2-2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị chuyển vụ việc cho Cơ quan điều tra VKSND Tối cao để điều tra theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra, xác định được, Anh nhiều lần lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đạt tiền trong quỹ tiền mặt nghiệp vụ thi hành án nhằm sử dụng cá nhân. Đến khi Chi cục lập phiếu chi yêu cầu Anh xuất quỹ tiền mặt nộp vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc thì Anh không còn đủ tiền để nộp hoặc nộp không đủ số tiền theo từng phiếu chi. Để việc chiếm đoạt tiền không bị phát hiện, Anh mang 2 chứng từ có in dấu thật của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị đi thuê làm giả 2 con dấu (có chữ “KHO BẠC NHÀ NƯỚC QUẢNG TRỊ/ĐÃ THU TIỀN”; “KHO BẠC NHÀ NƯỚC * KHO BẠC NHÀ NƯỚC QUẢNG TRỊ* KẾ TOÁN”) nhằm sử dụng làm giả các chứng từ kế toán của Kho bạc, hợp thức các chứng từ nộp lưu cho kế toán Chi cục và Kho bạc Nhà nước.

Sau đó, mỗi lần Chi cục THADS TP Đông Hà yêu cầu xuất tiền quỹ nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc mà không còn tiền nộp thì Anh làm giả “Giấy nộp tiền vào tài khoản”; “Lệnh thanh toán đến”; “Bản xác nhận số dư tài khoản tiền gửi lại KBNN"; tẩy xóa, sửa chữa ghi không đúng số tiền thực nộp trên Liên 2 “Giấy nộp tiền" của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Quảng Trị.

Theo đó, từ năm 2019 đến 2021, Anh đã làm giả 17 “Giấy nộp tiền vào tài khoản” của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị. Từ năm 2021, do Kho bạc Nhà nước không trực tiếp thu tiền mặt, chuyển thanh toán song phương điện tử, nên Anh phải nộp tiền vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý tại Kho bạc thông qua Ngân hàng TMCP Công thương – Chi nhánh Quảng Trị và được ngân hàng cấp Liên 2 “Giấy nộp tiền” (bản giấy than) thì Anh tẩy xóa, sửa chữa phần ghi số tiền thực nộp, sau đó dùng giấy than ghi giả số tiền đã nộp rồi mang Liên 2 “Giấy nộp tiền” đã được sửa chữa nộp cho kế toán. Tổng cộng, Anh đã làm giả 7 “Giấy nộp tiền” của ngân hàng.

Anh cũng dùng dấu giả, làm giả 4 “Lệnh thanh toán đến” của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị. Để che giấu việc không nộp đủ tiền vào Kho bạc, từ tháng 2 – 2019 đến khi phát hiện, Anh cũng làm giả phần xác nhận của Kho bạc trên 43 “Bản xác nhận số dư tài khoản gửi tại KBNN” nộp cho kế toán Chi cục. Ngoài ra, Anh cũng làm giả chứng từ che giấu Kho bạc Nhà nước. Cụ thể, để che giấu hành vi của mình với Kho bạc Nhà nước trong việc đã nộp vào số tiền ít hơn số tiền ghi trên phiếu chi, định kỳ vào đầu tháng, khi được kế toán nghiệp vụ Chi cục giao mang “Bản xác nhận số dư tài khoản tiền gửi tại KBNN” nộp cho Kho bạc để đối chiếu thì Anh không nộp mà làm giả bản xác nhận khác. Do không biết chứng từ đã bị làm giả nên cán bộ Kho bạc đã xác nhận không có chênh lệch và hoàn trả lại, Anh không nộp chứng từ này cho kế toán nghiệp vụ với tổng cộng 42 bản. Với hành vi sử dụng con dấu giả, làm giả tài liệu cơ quan tổ chức không bị phát hiện, từ tháng 2-2019 đến tháng 10-2022, Anh đã trót lọt thực hiện 26 lần chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng trong quỹ tiền mặt nghiệp vụ thi hành án.

Đối với bị cáo Kiều, trong thời gian từ tháng 4-2029 đến tháng 10-2022, Kiều đã lập 22 phiếu chi giao cho Anh xuất tiền mặt trong quỹ nộp vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng nhưng Anh chỉ nộp tổng cộng hơn 752 triệu đồng, chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng. Anh đã làm giảm 13 “Giấy nộp tiền vào tài khoản” của Kho bạc Nhà nước và sửa chữa phần ghi trên 7 Liên 2 “Giấy nộp tiền” của ngân hàng. Khi nhận chứng từ do Anh nộp, Kiều với trách nhiệm kế toán phải kiểm tra, đối chiếu nội dung, chữ ký, con dấu đóng trên các tài liệu để theo dõi, giám sát việc thủ quỹ nộp tiền nhưng đã không thực hiện nên phát hiện được các chứng từ là giả. Hằng tháng, với trách nhiệm là kế toán nghiệp vụ, Kiều phải trực tiếp mang “Bản xác nhận số dư tài khoản tiền gửi tại KBNN” nộp và đối chiếu với Kho bạc nhưng đã không thực hiện mà tự ý giao cho Anh thực hiện. Hành vi thiếu trách nhiệm, làm trái nhiệm vụ của Kiều đã tạo cơ hội cho Anh lợi dụng nhiều lần thực hiện việc chiếm đoạt tiền và làm giả 81 “Bản xác nhận số dư khoản tiền gửi tại KBNN” (40 bản giả chữ ký kế toán trưởng, chủ tài khoản Chi cục; 41 bản giả chữ ký của cán bộ Kho bạc Nhà nước tỉnh) để chiếm đoạt tiền.

Khép lại phiên xét xử, Tòa tuyên phạt bị cáo Anh tổng cộng 19 năm tù về tội: “Tham ô tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; tuyên phạt bị cáo Kiều 3 năm tù treo về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

BẢO HÀ