Thủ tướng công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc nhằm mục tiêu gì?

Thứ năm, 02/04/2020 07:00

Ngày 1-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Quyết định nêu rõ: Công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam. Tên dịch bệnh: Covid-19. Thời gian xảy ra dịch từ ngày 23-1-2020 với tính chất, mức độ nguy hiểm là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu, lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Quyết định công bố dịch bệnh trên cả nước của Thủ tướng làm tăng thêm tinh thần, trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành. Trong ảnh: Lực lượng cảnh sát biển hỗ trợ ngư dân phòng chống dịch Covid-19.

Ba mục tiêu chính

Theo Quyết định số 447, các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm: Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; Khai báo, báo cáo dịch; Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; Tổ chức cách ly y tế; Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; Các biện pháp bảo vệ cá nhân; Kiểm soát ra vào vùng có dịch; Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch; Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch; Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh gồm: Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện; bệnh viện dã chiến sẵn sàng khi được huy động.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1-4.

Làm rõ hơn nội dung Quyết định của Thủ tướng để người dân hiểu đúng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Thực tế, Việt Nam đã bắt đầu bước vào công cuộc chống dịch Covid-19 ngay từ cuối tháng 1-2020. Có một thực tế là ngay từ ban đầu, mặc dù chỉ có một vài điểm có người mắc bệnh nhưng các tỉnh, thành phố của cả nước đã bắt đầu khởi động công tác chống dịch. Đến thời điểm này, sau hơn 2 tháng kể từ ngày có ca mắc bệnh đầu tiên, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã tham gia chống dịch. Nước ta đã bước vào giai đoạn thứ 3 của cuộc chiến chống dịch.

Phó Thủ tướng khẳng định: Trên thực tế, rất nhiều địa phương dù chưa có người mắc nhưng chính quyền, nhân dân địa phương đó đã tham gia chống dịch với tinh thần cả hệ thống và toàn dân chống dịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc Thủ tướng ký Quyết định công bố dịch trên toàn quốc gồm ba mục tiêu chính:

Thứ nhất, để toàn hệ thống đồng lòng; làm tăng thêm tinh thần, trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.

Thứ hai, để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành Y tế, để thực sự mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch.

Thứ ba, khi Thủ tướng ký Quyết định công bố dịch bệnh trên cả nước có nghĩa tất cả các lực lượng tham gia chống dịch trên cả nước: Y tế, Công an, Quốc phòng và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch. Điều đặc biệt của Quyết định này là mặc dù ký ngày 1-4 nhưng Thủ tướng đã cho áp dụng chính sách đối với các lực lượng tham gia chống dịch - những người ở tuyến đầu - được hưởng từ 28-1-2020. Đây là sự động viên, khích lệ lớn của Thủ tướng Chính phủ, cũng là của Đảng, Nhà nước đối với các đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành, các cấp trong cả nước.

Số ca mắc ở Việt Nam tăng chậm

Chiều 1-4, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo. Nhìn lại cuộc chiến chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhận định: trong giai đoạn 1, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 22-1; tới ngày 11-2-2020 có 16 ca và toàn bộ 16 ca này đã được chữa khỏi. Giai đoạn 2 được tính từ ngày 6-3, khi phát hiện ca bệnh thứ 17 dương tính với SARS-CoV-2. Tới ngày 19-3, cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy, thời gian từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày dài hơn so với mức trung bình trên thế giới là 30 ngày. Nếu trừ đi 16 ca giai đoạn 1, ngày 21-3-2020, Việt Nam có 100 ca mắc bệnh mới. Từ mốc 100 ca đến 1.000 ca, thời gian trung bình trên thế giới là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày. Tại Việt Nam, kể từ mốc 100 người mắc Covid-19, sau 7 ngày có 171 ca; sau 9 ngày có 203 ca. Như vậy, có thể nói, số ca mắc ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều vì đã có những giải pháp sớm, chủ động, kịp thời, hiệu quả. Hiện tại, Việt Nam còn hai ổ dịch đang được theo dõi sát sao là quán Bar Buddha ở thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai. Về cơ bản, hai ổ dịch này đã xác định được nguồn lây chính và đang tiến hành thống kê, rà soát các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, mỗi ca dương tính với virus SARS-CoV-2 chưa xác định rõ được nguồn lây đều được coi là một ổ dịch tiềm năng.

Mọi trường hợp nhiễm Covid-19 đều được chăm sóc y tế

Về vấn đề điều trị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, chúng ta đã có những thành công nhất định. Tình hình các bệnh nhân nặng đang tiến triển tốt. “Điều rất mừng là mặc dù tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 trên thế giới đang gia tăng nhưng đến nay chúng ta chưa có trường hợp nào tử vong. Đây là thành tựu rất lớn của ngành y tế. Bốn bệnh nhân nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chúng ta đã cai máy thở cho 3 người, chuẩn bị cai ECMO (kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo) cho 1 người”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin. Ngành y tế đang tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm một số loại thuốc, đồng thời cập nhật phác đồ điều trị của thế giới.

Về chuẩn bị phương án điều trị trong tình huống dịch lan rộng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, hệ thống y tế của Việt Nam khác với các nước, là có trạm y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh, Trung ương. Theo đó, mọi bệnh nhân Covid-19 đều được chăm sóc y tế. Nếu dịch lan rộng tại một địa phương, chúng ta sẵn sàng điều động các nguồn lực lượng ở địa phương khác để tập trung dập dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Cần thực hiện nghiêm nguyên tắc bệnh nhân ở tuyến nào, điều trị ở tuyến đó. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã tính toán phương án giảm tải cho đô thị lớn; chuẩn bị các nguồn lực ứng phó với dịch bệnh trong trường hợp bệnh nhân tăng đột biến.

l Tối 1-4, Bộ Y tế đã công bố có thêm 6 ca mắc Covid-19 mới. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tới 19 giờ ngày 1-4-2020, Việt Nam đã ghi nhận thêm 6 ca mắc mới, trong đó hai người là nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Sinh, một người tới khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai và ba người từ nước ngoài trở về được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh. Cũng tính đến 19 giờ ngày 1-4, số bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh ở Việt Nam là 63 người. 54 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và 43 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 2.

QUỲNH NHƯ – TTXVN

GẦN 700 TỶ ĐỒNG ỦNG HỘ VÀ ĐĂNG KÝ ỦNG HỘ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Ngày 1-4, thông tin về số tiền, hiện vật được các tập thể, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 qua hai tuần hưởng ứng phát động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, đến nay, tổng giá trị ủng hộ và đăng ký ủng hộ đã đạt trên 683 tỷ đồng, trong đó, số tiền ủng hộ qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia đầu số 1407 là 107 tỷ đồng. Số tiền này đang tăng lên từng giờ. Cùng ngày, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Dũng tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ Văn phòng Trung ương Đảng số tiền 420 triệu đồng, Văn phòng Chính phủ số tiền 325 triệu đồng, Văn phòng Quốc hội số tiền 400 triệu đồng, Văn phòng Chủ tịch nước số tiền 30 triệu đồng.

P.V