Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp khẩn, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung ứng phó bão cao hơn một cấp

Thứ ba, 27/09/2022 10:00
7 giờ sáng 27-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (Noru). Ban chỉ đạo tiền phương được đặt tại thành phố Đà Nẵng, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm trưởng ban.
Cập nhật hướng đi của bão Noru đến sáng 27-9
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành -Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 4 sáng 27-9

Được dự báo là địa phương sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh tham gia cuộc họp cùng Phó trưởng ban Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh tham gia cuộc họp cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Theo yêu cầu cùa Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện các các địa phường, đặc biệt là cấp phường nằm trong vùng xung yếu của các tỉnh thành phố miền Trung đã bão cáo tình hình công tác chuẩn bị ứng phó bão. Đặc biệt là phương án đảm bảo an toàn cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sau khi kiểm tra, ông nhận định các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã nghiêm túc triển khai công tác phòng chống bão. Đến hiện tại có thể tương đối yên tâm với công tác bảo đảm an toàn hồ đập.

Nhiều trường học ở Đà Nẵng được trưng dụng làm nơi tiếp đón người dân vùng xung yếu sơ tán đến ở để đảm bảo an toàn

Ông Hoan đề nghị Chính phủ và các địa phương thực hiện phương châm “không hối tiếc” khi ứng phó cơn bão này bởi mọi sự thiệt hại về tính mạng và tài sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cùng với đó, hết sức quan tâm, phát hiện, kịp thời xử lý các nguy cơ sạt lở đất, các vấn đề vận hành liên hồ chứa, hồ thủy lợi, đập thủy điện…, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống, không để địa điểm nào bị cô lập do mất thông tin liên lạc.

Công an thành phố Đà Nẵng giúp người dân chằng chống nhà cửa, chuẩn hị ứng phó bão

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cơn bão này diễn biến phức tạp, cường độ mạnh, di chuyển nhanh. Vì vậy Chính phủ và các địa phương thống nhất phòng cao hơn một cấp, nếu không xảy ra thì tốt, nếu xảy ra thì mình hoàn toàn chủ động.

"Nhân dân ở xã phường, nên cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới cấp xã phường. Phải có phương án giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản, di sản, điều kiện, sinh kế của người dân; phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ bởi "phòng hơn chống"", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đọa, yêu cầu các địa phương đặc biệt lưu ý các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu như khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú, kêu gọi ngư dân không đánh bắt trong những ngày này; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ học sinh, khách du lịch; bảo vệ di sản, nhất là phố cổ Hội An; ứng phó với áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão, nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…

“Mục tiêu thống nhất của chúng ta là bằng mọi giải phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Sự an toàn của người dân phải đặt lên hàng đầu. Cương quyết di dời người dân khi đánh giá tình hình không đảm bảo. Dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không được để bị động, bất ngờ cũng không quá hốt hoảng mất bình tĩnh. Thời gian không còn nhiều, các bộ ngành, địa phương rà soát lại công tác chuẩn bị, ứng phó để toàn toàn chủ động khi bão đổ bộ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo

Theo cập nhật mới nhất, bão số 4 đang quần thảo ở quần đảo Hoàng Sa và có sức gió giật cấp 16, dự báo tiếp tục mạnh lên. Từ chiều nay bão bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ.

Cập nhật hướng đi của bão Noru đến sáng 27-9

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 4h sáng nay (27-9), vị trí tâm bão số 4 trên vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 16 (tăng 1 cấp so với hôm qua). Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 300km, Quảng Nam khoảng 250km, Quảng Ngãi khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật cấp 17.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 4h ngày 28/9, vị trí tâm bão trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị-Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 16.

Công Khanh