Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng một cách sâu rộng, toàn diện, ngày càng thực chất, hiệu quả. Sau hơn 35 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên 4.100 USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 371 tỷ USD năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã nằm trong danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; đã ký kết khoảng 100 hiệp định thương mại song phương và đa phương, hơn 60 hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư.
Chia sẻ về những thành công của Việt Nam theo đề nghị của Tổng giám đốc WTO, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam có đường lối đúng đắn về phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xuyên suốt trong quá trình đó, Việt Nam lấy nguồn lực bên trong là chiến lược, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Cùng với đó, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Thủ tướng khẳng định, là một thành viên có trách nhiệm của WTO, Việt Nam chủ trương phát huy vai trò chủ động, tích cực tại các khuôn khổ hợp tác của WTO, nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết và đóng góp tích cực trên tinh thần xây dựng đối với các vấn đề quan tâm chung tại WTO.
Tổng Giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala chúc mừng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; cho rằng thành công của Việt Nam đã truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho nhiều nước trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại phục vụ phát triển đất nước. Đặc biệt, thời gian qua, trong khi kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức khá cao do Việt Nam có các định hướng lớn, song điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala nhất trí với các quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong việc cải tổ WTO cũng như việc tăng cường hợp tác giữa WTO với Việt Nam; mong muốn hợp tác với Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế bao trùm; tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống cho các đối tượng yếu thế, phụ nữ, trẻ em để không ai bị bỏ lại phía sau.
Phạm Tiếp