Thủ tướng phát biểu tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Đông Á
Ấn Độ coi ASEAN là trụ cột trung tâm trong chính sách Hành động phía Đông
Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 20 đề cao quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thiết lập năm 2022, coi đây là dấu mốc trong lịch sử quan hệ song phương. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định ASEAN là trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông và là trọng tâm trong Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ. ASEAN và Ấn Độ nhất trí tập trung ưu tiên hợp tác biển bền vững, kinh tế biển xanh, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao năng lực y tế, thúc đẩy kết nối, ứng dụng khoa học-công nghệ, Chuyển đổi Số, đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Ấn Độ công bố thành lập Quỹ ASEAN-Ấn Độ vì Tương lai Số. Hội nghị đã thông qua các tuyên bố chung về hợp tác biển và tăng cường an ninh lương thực trong thời kỳ khủng hoảng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng, với nỗ lực của hai bên, Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Ấn Độ đầy tiềm năng và hứa hẹn phát triển bứt phá trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị tăng cường hơn nữa kết nối về kinh tế và thương mại, triển khai hiệu quả AIFTA, phát huy các thế mạnh bổ trợ cho nhau, đẩy mạnh giao thương, đầu tư, kết nối, bảo đảm chuỗi sản xuất và cung ứng, tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa tiếp cận thị trường của nhau. Nhấn mạnh kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên dành nguồn lực thích đáng hơn để sớm hoàn tất các dự án đường cao tốc kết nối Ấn Độ với ASEAN, mong muốn mở rộng tới Việt Nam và lan tỏa khắp ASEAN, cả về đường bộ, hàng hải và hàng không. Đồng thời, cần đẩy nhanh kết nối và hợp tác. Trên tinh thần "Không bỏ ai ở lại phía sau," Thủ tướng đề nghị Ấn Độ đẩy mạnh triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN và phát triển tiểu vùng Mekong, bao gồm thông qua hợp tác Mekong-Sông Hằng, nhằm làm sâu sắc hơn nữa kết nối trong thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững giữa ASEAN và Ấn Độ.
EAS là diễn đàn của đối thoại, định hướng chiến lược vì hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 18, lãnh đạo các nước EAS (gồm ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Mỹ) đánh giá cao vai trò và giá trị chiến lược của EAS với tư cách là diễn đàn của các lãnh đạo đối thoại, định hướng chiến lược vì hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực. Các đối tác cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Các nước nhất trí EAS cần củng cố các nền tảng đã có, phát huy hơn nữa vai trò và nâng cao khả năng thích ứng trước những diễn biến nhanh chóng, thách thức mới nảy sinh trong bối cảnh mới. Các nước cam kết phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động EAS giai đoạn 2024-2028 vừa được thông qua, ưu tiên thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, hợp tác biển, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời mở rộng các lĩnh vực mới, đầy tiềm năng như Chuyển đổi Số, Kinh tế Xanh, Kinh tế Tuần hoàn, Ứng phó Biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm vóc và giá trị chiến lược của EAS là nơi các lãnh đạo đối thoại, định hướng vì hòa bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, cùng nhau đẩy mạnh hợp tác, hóa giải xung đột, nâng cao nhận thức để tiến lại gần nhau hơn. Để EAS thực sự phát huy vai trò quan trọng đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba nhóm giải pháp trọng tâm. Một là, định hình cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật pháp quốc tế. Hai là, tạo dựng động lực mới cho tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Ba là, hướng tới tương lai, cần xác định hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển là mục tiêu; đối thoại, hợp tác là công cụ.
Tại các hội nghị, lãnh đạo các nước đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực như Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên, xung đột tại Ukraine… Lãnh đạo các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực là điều kiện tiên quyết, phục vụ nỗ lực tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững hiện nay. Các đối tác khẳng định ủng hộ các nỗ lực, cách tiếp cận cân bằng, khách quan và lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề này.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Philippines bày tỏ vui mừng trước đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam-Philippines trên mọi lĩnh vực, khẳng định tầm quan trọng của Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Philippines đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; nhất trí tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng cần phát huy hơn nữa tính kết nối và bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế; chú trọng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác còn nhiều tiềm năng, nghiên cứu mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới.
Chiều 7-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Bangladesh có nền tảng lịch sử tương đồng, cùng trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh giành độc lập và sự tin cậy chính trị, tình cảm hữu nghị được vun đắp qua nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước. Tổng thống Bangladesh đánh giá hợp tác thương mại-đầu tư thời gian qua phát triển ấn tượng, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 4 lần trong vòng 10 năm; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư sang Bangladesh; khẳng định tạo điều kiện để Việt Nam mở rộng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh; phối hợp chặt chẽ bảo đảm an ninh lương thực; trong đó triển khai tốt Bản ghi nhớ về Thương mại Gạo giai đoạn 2022-2027.
Theo TTXVN
Chủ tịch ASEAN nhấn mạnh việc tăng cường lòng tin, sự tin cậy lẫn nhau Ngày 7-9, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 đã ra Tuyên bố của Chủ tịch, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Tuyên bố bày tỏ quan ngại về các hoạt động gây nguy hiểm cho sự an toàn của người dân, gây hại môi trường biển, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Theo đó, ASEAN tái khẳng định sự cần thiết tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực. ASEAN cũng tái khẳng định sự cần thiết theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong đó có việc hoàn tất lần đọc thứ hai Dự thảo văn bản đàm phán COC duy nhất (SDNT) và việc thông qua Hướng dẫn đẩy nhanh việc sớm ký kết COC, đồng thời mong muốn sớm đạt được một COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Bên cạnh đó, ASEAN cho rằng cần duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC, cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và sự tin cậy giữa các bên, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. |