Thủ tướng "sốt ruột và xót ruột" trước thực trạng dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên
Cùng đi có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Bộ trưởng, lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan của Trung ương và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Trước khi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát khu vực Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Thủ tướng trực tiếp kiểm tra các hạng mục của nhà máy đang được thi công dang dở, trong đó có nhiều hạng mục đang bị xuống cấp nghiêm trọng; thiết bị hoen rỉ; nhiều khu đất cỏ dại mọc um tùm.
Dự án giai đoạn 2 mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư ban đầu 3.843 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 8.100 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ năm 2007, hiện đã thanh toán hơn 95% số tiền cho các nhà thầu, mua sắm thiết bị, với tổng số tiền hơn 4.400 tỷ đồng. Thực tế, gói thầu đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.
Năm 2021, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên đề xuất xin thực hiện tiếp Dự án giai đoạn 2 mở rộng Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên với cam kết sẽ đảm bảo dự án hoạt động có hiệu quả sau ít năm. Công ty cho rằng nếu những tồn tại vướng mắc của Dự án giai đoạn 2 không được xử lý kịp thời dứt điểm, tái khởi động, công ty sẽ rất khó duy trì được sản xuất, gần 4.000 lao động mất việc làm và thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống gia đình người lao động ước tính trên 20.000 người; làm mất vốn của Nhà nước gần 1.200 tỷ đồng...
Sau khi khảo sát thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã làm việc với Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên có quyết định đầu tư từ năm 2005; khởi công xây dựng từ năm 2007, song đến nay vẫn dở dang gây lãng phí lớn. Do đó, Bộ Chính trị đã quan tâm, chỉ đạo, cần phải khẩn trương giải quyết.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành cùng với Nhà máy phải xử lý những tồn đọng, vướng mắc tại dự án mở rộng giai đoạn 2 với tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao nhất; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Thủ tướng yêu cầu phải bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại các văn bản số 43 và 2194 liên quan dự án này; dựa vào kết luận thanh tra, xử lý của các bộ, ngành và kinh nghiệm đã xử lý một số dự án tồn đọng vừa qua để thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị chủ đầu tư, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp cập nhật lại số liệu; đề xuất hướng xử lý những tồn đọng, vướng mắc. "Phải xác định rõ, có tiếp tục dự án hay không, vì sao, làm như thế nào, ai làm, khi nào thì xong, nguồn lực, cơ chế gì để làm, ai là người quyết định...?", Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Nhà máy Gang thép Thái Nguyên tiếp tục làm việc với các đối tác; thúc đẩy đàm phán trên cơ sở luật pháp, hài hòa lợi ích của mỗi bên. Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc giải quyết các vấn đề về dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, hiệu quả trong đó có xây dựng nền công nghiệp hiện đại. Việc giải quyết dứt điểm dự án, góp phần giữ vững truyền thống và phát triển ngành thép nói riêng và công nghiệp nước nhà nói chung trong thời kỳ mới.
Phạm Tiếp