Thừa Thiên - Huế: Thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây
Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tại Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây sáng 8-10. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và hơn 200 đại biểu các hãng tàu, doanh nghiệp khai thác cảng, logisitcs, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia hội nghị.
UBND Thừa Thiên - Huế cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Thừa Thiên - Huế được xác định là cảng biển loại I; trong đó khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương Quốc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.
Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5÷6 triệu tấn/năm. Hiện, đê chắn sóng cảng Chân Mây đã được đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài 450m và hiện đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dài 300m, sẽ hoàn thành vào quý I/2026. Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông kết nối đến cảng Chân Mây cũng đã được đầu tư hoàn thiện…
Hiện nay, lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến năm 2022 lượng hàng thông qua khoảng 4-4,5 triệu tấn. Việc khu bến Chân Mây được khai thác tàu container, cùng với tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ gia tăng; kết hợp với việc khai thác nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan, dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20-25 triệu tấn/năm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung. Đồng thời, mở tuyến vận chuyển hàng container qua cảng Chân Mây sẽ mang lại hiệu quả cho các hãng tàu, các doanh nghiệp và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành nghị quyết về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên - Huế.
“Tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh theo hướng thông thoáng, chuyên nghiệp để xứng đáng là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn cho các nhà đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Bến số 4 và số 5 cảng Chân Mây, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án và 8 văn bản chủ trương nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Khởi công giai đoạn 2 đê chắn sóng cảng Chân Mây
Sáng ngày 8/10, tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2.
Đây là công trình hạ tầng trọng điểm bảo vệ cho các cầu cảng, tăng thời gian khai thác hàng hoá, tăng năng lực cạnh tranh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển Khu bến Chân Mây nói riêng, cảng biển Thừa Thiên Huế nói chung.
Việc hoàn thiện Đê chắn sóng cảng Chân Mây không những tăng năng lực khai thác hàng hoá, tăng năng lực cạnh tranh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển Khu bến Chân Mây nói riêng, cảng biển Thừa Thiên Huế nói chung; còn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2 được triển khai nhằm hoàn thiện quy mô Đê chắn sóng cảng Chân Mây theo Quy hoạch chi tiết xây dựng cảng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 2063/QĐ-UBND ngày 29/10/2010; với quy mô kéo dài đê chắn sóng thêm 300m, hoàn thiện tổng thể chiều dài đê chắn sóng đạt 750m theo quy hoạch.
Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 1.250 ngày.
Hầu Tỷ