Thuận tiện khi thông tuyến bảo hiểm y tế

Thứ ba, 22/12/2020 15:46

Ngày 21-12, Bộ Y tế ban hàanh Chỉ thị số 25/CT-BYT về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Người điều trị nội trú không đúng tuyến được Quỹ BHYT chi trả

Chỉ thị của Bộ Y tế cho biết theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT, từ ngày 1-1-2021, người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh sẽ được Quỹ BHYT trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến.

Để triển khai thực hiện quy định trên, bảo đảm cho cơ quan quản lý, cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội chủ động trong quản lý, trong tổ chức khám chữa bệnh, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; nâng cao trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và người tham gia BHYT; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, đồng thời sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả, thực hiện đúng chủ trương về cơ chế tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh, Chỉ thị yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh và BHYT.

Bên cạnh chỉ đạo sắp xếp, bố trí số giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực hiện có của cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở tổ chức đặt lịch hẹn khám đối với người đến khám chữa bệnh bằng các hình thức: qua điện thoại, qua trang tin điện tử của bệnh viện hoặc các phần mềm kết nối với bệnh viện để bảo đảm phục vụ chất lượng, hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi, tránh quá tải...

Người dân phấn khởi

Chị N.T.V ở Vinh Thanh (Phú Vang) làm nghề tự do, gần 10 năm nay không mấy quan tâm đến chuyện phải có thẻ BHYT. Gần đây, chị thường xuyên đau ốm nên mua thẻ BHYT phòng rủi ro bệnh tật. Chị kể, khá bất ngờ hơn khi từ Phú Vang, chị có thể đến các phòng khám đa khoa có uy tín để làm các xét nghiệm mà vẫn được hưởng quyền lợi 100%. Thấy tiện ích và tấm thẻ BHYT trở nên có giá trị khi đau ốm, chị vận động cả nhà 7 người cùng tham gia BHYT.

Phát hiện của chị V. không còn mới mẻ khi việc thông tuyến BHYT tuyến huyện đã được thực hiện từ năm 2016. Ngày trước, người dân ở các huyện muốn đến các phòng khám đa khoa ở TP Huế để khám thì quỹ BHYT sẽ thanh toán 70% chi phí khám chữa bệnh (KCB). Từ khi thông tuyến, người bệnh sử dụng thẻ BHYT trong cùng địa bàn tỉnh thì được thanh toán 100%. Theo đánh giá của BHXH tỉnh, những trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được KCB và đảm bảo quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. Quy định thông thoáng nên nhiều người đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại huyện Phong Điền nhưng lại đến Hương Trà khám bệnh khi thấy phù hợp. Tình trạng bệnh nhân các huyện đến Bệnh viện Hoàng Viết Thắng, Phòng khám đa khoa Medic, Thuận Đức... khá đông.

Bà T.T, người bệnh khám tại Phòng khám Thuận Đức, cho hay: Cứ nghĩ là phòng khám tư, khám xong thì trả tiền như trước đây nên tôi không để ý đến thẻ BHYT. Khi đến khám, nhân viên y tế hướng dẫn làm thủ tục BHYT và tôi không phải trả tiền sau khi làm các xét nghiệm. Tôi thấy quá thuận tiện vừa yên tâm với cơ sở mình chọn lựa, vừa được phục vụ tận tình, chu đáo. Đối với các bệnh viện tuyến huyện, tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến huyện sẽ khó tránh khỏi, do bệnh nhân được tự do lựa chọn KCB. Các bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tay nghề cao sẽ càng có nguy cơ quá tải, một số cơ sở chất lượng KCB chưa tốt thì số lượng bệnh nhân giảm khá nhiều.

P.V