Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:

Thực hiện cải cách tiền lương cho cả khu vực trong và ngoài nhà nước

Thứ năm, 09/11/2023 06:55
Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tại phiên chất vấn sáng 8-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn.

Tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương

Với câu hỏi của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Thành phố Hồ Chí Minh) về vấn đề tiền lương, Thủ tướng cho biết, đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm, bởi đó vừa tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vừa qua, do đại dịch COVID-19, nguồn lực có hạn, dẫn đến việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn. Chính phủ đã cố gắng trích lập, tăng thu, giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560 nghìn tỷ đồng chi cho cải cách tiền lương.

Đồng thời, song song với cải cách tiền lương khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động.

Trả lời chất vấn của đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) về giải pháp chấn chỉnh tình trạng cháy, nổ, Thủ tướng nêu rõ, làm tốt công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nâng cao ý thức của người dân là rất quan trọng; tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất. Đặc biệt lưu ý vấn đề quy hoạch, xây dựng, tiêu chuẩn, tiêu chí; sự tham gia và vào cuộc của người dân, của tổ dân phố, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống cháy, nổ; hiện đại hóa các lực lượng nòng cốt phòng cháy, chữa cháy...

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho biết, Nghị quyết27-NQ/TW của Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có giao Chính phủ chỉ đạo kịp thời để thể chế hóa và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể chế hóa được nội dung này. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết đến khi nào sẽ thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết giao?

Trả lời đại biểu, Thủ tướng thẳng thắn: “Chúng tôi xin nhận khuyết điểm việc này, có giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thành thì phải nhận khuyết điểm, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và phải tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng tôi sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành. Bản thân Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách phải vào cuộc cùng với các bộ, các ngành”.

Đầu tiên là phải tạo sinh kế cho người dân

Trao đổi tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (Bình Thuận) đặt câu hỏi: Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và số liệu thống kê, hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động có việc làm phi chính thức của cả nước chiếm trên 65% và lên đến trên 30 triệu lao động. Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phải có giải pháp cho thực trạng này. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ đã có giải pháp hiệu quả nào để đưa nguồn lực này vào phát triển và phục hồi kinh tế - xã hội, cũng như giúp cho người lao động tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội của đất nước?

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tiên là phải tạo sinh kế cho người dân. “Muốn có công ăn việc làm thì phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực công nghiệp là chuyển dịch từ lao động ở khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn ra thành thị. Bên cạnh đó, phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động. Liên quan đến an sinh xã hội, chúng ta phải làm tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ nhau”, Thủ tướng nói.

Chính phủ đang tập trung xây dựng các giải pháp cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật đã ban hành để đi vào cuộc sống và từ đó giải quyết được vấn đề lao động, việc làm.Đây là một vấn đề quan trọng và sẽ tiếp tục được chỉ đạo trong thời gian tới.

Liên quan đến chất vấn về cải cách thể chế, Thủ tướng cho rằng, cần tạo sự hài hòa, hợp lý trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, nhằm tháo gỡ được vướng mắc về thể chế, từ đó tạo nguồn lực, phát triển được hệ thống hạ tầng, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa, giảm chi phí logistic...

Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng thừa nhận hiện nay thủ tục hành chính còn rườm rà, gây tăng chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm...

“Chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, đối với cán bộ, công chức phải đảm bảo lợi ích tinh thần, vật chất cho họ. Trên cơ sở đó, họ đảm bảo được nhiệm vụ, chức trách được giao để làm tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có các giải pháp về giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân với gia đình, doanh nghiệp, xã hội trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và yêu cầu các bộ, các ngành rà soát lại các thủ tục”, Thủ tướng nêu hướng xử lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giải pháp căn cơ cho vấn đề này vẫn là đề cao tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ và cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng chế tài xử lý. “Chúng ta phải cụ thể hóa để tổ chức thực hiện cho tốt, trên tinh thần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng như các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ này, quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn.

Hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp

Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã bế mạc trưa 8-11, hoàn thành chương trình đề ra. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận, còn 310 đại biểu đăng ký chất vấn, 15 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa có được thời gian chất vấn, tranh luận. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản theo quy định.

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Với phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, được sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực. Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.

“Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

B.T – TTXVN

Phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của báo chí

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

Nêu vấn đề tại hội trường, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ công tác truyền thông chính sách. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế đặt hàng đang gặp khó khăn do định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là với phát thanh, truyền hình theo Thông tư 03/2018/TT-BTTTT và Thông tư 09/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông đang gây rất khó khăn cho các cơ quan báo chí. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng cho biết, khi nào sẽ hoàn thành sửa toàn diện các quy định điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với các cơ quan báo chí.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây, các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn từ quảng cáo. Đến khi truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển đã lấy mất 70% nguồn thu của báo chí từ quảng cáo, các cơ quan báo chí mới thấy vấn đề đặt hàng quan trọng. Tuy nhiên, khi báo chí thực hiện đặt hàng, lúc này lại gặp khó khăn do liên quan đến 3 thông tư đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành về định mức kinh tế kỹ thuật.

“Chúng tôi đã nhận ra vấn đề này và cũng nhận trách nhiệm về việc đã ban hành những thông tư mà đưa vào thực tế là khó thực hiện. Đích thân tôi đã làm việc nhiều buổi với các cơ quan báo chí, các đơn vị của Bộ. Đến nay, đã có hướng giải quyết. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông sửa 3 thông tư theo hướng ban hành hướng dẫn để cơ quan báo chí chủ động thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho biết, đến quý I-2024 sẽ sửa xong.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, về lâu dài, phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của báo chí, thay vì chỉ dựa trên quảng cáo. Cụ thể, báo chí phải có thêm nguồn đặt hàng của các cơ quan chủ quản, của xã hội. Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản. Do đó, cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động. Bên cạnh đó, các trang mạng xã hội đăng tải, sử dụng tác phẩm báo chí, tới đây sẽ phải thực hiện tốt hơn việc trả tác quyền báo chí. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần phát triển các sản phẩm chất lượng cao, mang tính phân tích, có thu phí. Đây cũng là một xu hướng lớn của báo chí thế giới.

Phim "Đất rừng Phương Nam" được cấp phép theo đúng quy định

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) về quy trình thẩm định phân loại phim, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, căn cứ điểm d, khoản 2, Điều 18 của Luật Điện ảnh, bộ phim "Đất rừng Phương Nam" đã được Hội đồng Thẩm định phim quốc gia tiến hành thẩm định và khẳng định bộ phim không vi phạm pháp luật về điện ảnh, vì vậy được cấp phép để phổ biến.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôn trọng quyết định của Hội đồng. Trong trường hợp nếu phát hiện Hội đồng làm sai và vi phạm pháp luật, lúc đó mới có các biện pháp để xử lý tiếp theo. Bộ rất cẩn trọng trước những yêu cầu có tính chất tranh luận trên nền tảng mạng xã hội và nhiều ý kiến đóng góp; đã yêu cầu Hội đồng xem xét tiếp thu hợp lý những ý kiến mà dư luận phản ánh. Vì vậy, Hội đồng đã họp với các cơ quan liên quan để xem xét lại và khẳng định bộ phim vẫn đầy đủ các yếu tố để cấp phép hoạt động. Bộ tôn trọng theo nguyên tắc này. Hội đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác thẩm định phim.

Cân đối số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Giải đáp câu hỏi về sử dụng lao động sau khi đi lao động ở nước ngoài về nước và bảo đảm cân đối lực lượng lao động trong nước, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, theo tinh thần Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trung bình 1 năm có khoảng 120 nghìn đến 143 nghìn người đi lao động ở nước ngoài. Trong đó, riêng năm 2023, đã có 112 nghìn người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu đi Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Nguồn lực lao động nước ngoài này trung bình một năm đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5 - 4 tỷ USD.

Phát huy lực lượng lao động ở nước ngoài là vấn đề Chính phủ đã có chỉ đạo trong Nghị quyết của Chính phủ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang thực hiện các giải pháp như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm; kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài...

Về quy mô lực lượng lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, số lượng lao động nước ngoài hiện nay chiếm khoảng 10%, đồng thời duy trì từ 500 - 650 nghìn người thường xuyên lao động ở nước ngoài, quy mô này là vừa phải. Bộ sẽ căn cứ nhu cầu lao động trong nước để có cân đối, điều chỉnh số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài, giữ tỷ lệ phù hợp không ảnh hưởng đến trong nước.