Thực hiện yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật

Thứ năm, 07/09/2023 07:57
Ngày 6-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị trực tuyến lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chủ trì hội nghị tại đầu cầu Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chủ trì hội nghị tại đầu cầu Đà Nẵng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị này nhằm thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.

“Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội nhằm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, đồng thời, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV. Đây cũng là nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giám sát việc thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho rằng: Trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), việc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành và thực hiện trên thực tế rất thiết thực, thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, hiện thực hóa ý nguyện, tâm tư của người dân về quyền làm chủ của nhân dân.

Do đó, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của các cơ quan chức năng cần ưu tiên trước nhất để luật sớm được thực thi trong thực tiễn, theo đúng tinh thần pháp luật vì con người, bảo đảm đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của con người, công dân; trong đó có các quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quá trình triển khai, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng nội dung của luật trong các tầng lớp nhân dân, không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân. Làm cho người dân thấy rõ, chỉ khi nào người dân biết sử dụng và phát huy các quyền dân chủ thì lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân mới được bảo đảm.

Các cơ quan, đơn vị cần nâng cao hiệu quả hoạt động của chế độ thực hành dân chủ nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, trực tiếp là cấp phường, xã, thị trấn để họ thực sự là "công bộc của nhân dân", làm việc vì lợi ích của nhân dân, góp phần tạo dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Công Hạnh