Thương hiệu “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng là tài sản quý giá
Đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao
Sau 18 năm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 39, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng đạt khá cao với tốc độ bình quân giai đoạn 2005-2021 là 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước (5,95%/năm); quy mô GRDP đến năm 2021 đạt hơn 105 ngàn tỷ đồng, gấp 9,4 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Đà Nẵng được biết đến như là một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Môi trường đầu tư thông thoáng, hoạt động đối ngoại được mở rộng, các chỉ số về tính hấp dẫn, tính cạnh tranh địa phương, chỉ số phát triển con người duy trì được trong nhóm các địa phương dẫn đầu của cả nước. Quy mô nền kinh tế tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 3 trong Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành. Thu nhập bình quân đầu người dẫn đầu trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Trong khi đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội mang đậm tính nhân văn, gắn với các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”, “Năm văn hóa, văn minh đô thị” được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Từ khi trở thành đô thị loại I, tỷ lệ đô thị hóa đến cuối năm 2020 của Đà Nẵng đạt 87,3% (đạt mục tiêu 45% theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia 2012-2020).Trong phát triển hợp tác và liên kết vùng tại địa phương, Đà Nẵng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đầu mối liên kết phát triển vùng và bước đầu thể hiện được vai trò trung tâm của khu vực, là đầu mối giao thông quan trọng, trở thành tâm điểm phát triển trên nhiều lĩnh vực như du lịch, thương mại, vận tải, logistics, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, hạ tầng, đầu tư, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu..., tạo sự lan tỏa phát triển khởi sắc và thay đổi quan trọng trong bộ mặt của khu vực miền Trung theo hướng hiện đại.
Đà Nẵng cũng đặt ra nhiều mục tiêu, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó: Đến năm 2030, xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm KT-XH lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng TP trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh; bản sắc, bền vững; là trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm Tài chính quốc tế khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khụ vực châu Á.
Phát huy vai trò là cực tăng trưởng và trung tâm của vùng
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Các chỉ số kinh tế, xã hội, bình quân thu nhập đầu người của Đà Nẵng đều dẫn đầu các địa phương trong Vùng. Trong đó, nổi bật là khẳng định được thương hiệu “Thành phố đáng sống”, đây là vốn quý giá cần phát huy để thu hút các nguồn lực và tạo ra sự khác biệt. Đà Nẵng tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế dựa nhiều hơn vào ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có sự tham gia và liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Đà Nẵng cũng cần rà soát phát hiện những hạn chế, rào cản trong phát triển kinh tế để đưa ra những giải pháp phù hợp; phát huy mạnh mẽ là vai trò của cực tăng trưởng, trung tâm của Vùng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm hay cách làm tốt cho các địa phương trong Vùng. TP cần gắn kết hơn nữa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần người dân, xây dựng củng cố vững chắc quốc phòng an ninh, quyền chủ quyền trên biển; Xây dựng Đảng, chính quyền phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. “Cần phát huy các lợi thế đang có, nhất là thương hiệu “Thành phố đáng sống”, lấy chất lượng và đẳng cấp trong một phạm vi nhất định làm thước đo và văn hóa cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường; trong công việc, kinh doanh, cuộc sống hàng ngày. Thương hiệu đó Đà Nẵng đã khẳng định được, và được thừa nhận. Và nhiều địa phương muốn có cũng không thể có được. Đó là tài sản quý giá và chúng ta phải gìn giữ, phát huy vươn lên hơn nữa”, ông Nguyễn Hồng Sơn nói.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh, Đà Nẵng phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là một cực tăng trưởng và trung tâm của vùng không chỉ trong liên kết phát triển vùng mà còn trong việc có những tác động lan tỏa tích cực đối với các địa phương khác, nhất là việc đào tạo ngồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, các giải pháp ứng dụng công nghệ, kinh nghiệm tốt, cách làm hay…
Cần hoàn thiện quy chế hoạt động Hội đồng Điều phối vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu rõ, Đà Nẵng xác định mục tiêu, đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao… Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững; là trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm Tài chính quốc tế khu vực và là TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng sẽ hướng đến là trung tâm của Vùng, liên kết mạnh mẽ với các địa phương trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch. TP phối hợp với các địa phương trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là phối hợp với tỉnh Quảng Nam trong xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng kiến nghị Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới về phát triển kinh tế- xã hội- an ninh quốc phòng Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, việc phân chia Vùng cần phù hợp chứ không nên kéo dài từ Quân khu 5 sang Quân khu 4, Quân khu 7 như hiện nay.
Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ hoàn thiện thể chế Hội đồng điều phối Vùng, cần tích hợp mô hình Ban điều phối Vùng Kinh tế Trọng điểm miền Trung tự nguyện của 10 tỉnh miền Trung hiện nay và ban hành quy chế hoạt động của Ban điều phối này. Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối cần xây dựng theo hướng giao thêm quyền và chức năng giám sát thực hiện những chủ trương chính sách định hướng phát triển. Trong định hướng về quy hoạch cần có định hướng, phân định giữa các địa phương sao cho phù hợp, không chồng lấn nhau. Các địa phương cần hình thành cơ chế trao đổi thông tin, liên kết hợp tác đầu tư. “Trong Nghị quyết mới của phát triển Vùng thì nên tích hợp Nghị quyết mang tính chất đặc thù ở một số địa phương. Ví dụ Đà Nẵng có Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị thì những định hướng của Bộ Chính trị cần tích hợp vào định hướng giữa Nghị quyết phát triển vùng với Nghị quyết phát triển của từng địa phương một”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề xuất.
Công Hạnh