Thương tiếc ông Nguyễn Bá Thanh: Nhớ ông từ những điều giản dị nhất

Thứ bảy, 14/02/2015 08:52

(Cadn.com.vn) - Chiều 13-2, khi hay tin ông Nguyễn Bá Thanh từ trần ở tuổi 62, đông đảo người dân Đà Nẵng đã tìm tới nhà riêng của ông ở số 189 đường Cách Mạng Tháng Tám (Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để bày tỏ lòng tiếc thương. Trong lòng người dân, ông Thanh đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, rất đỗi gần gũi, thân thương. Người dân nói về ông không chỉ với sự hàm ơn mà còn bởi sự tri ân đối với những gì ông đã đóng góp cho quê hương Đà Nẵng.

Đông đảo người dân tập trung trước nhà ông Nguyễn Bá Thanh để bày tỏ lòng tiếc thương.  

Với nhiều người dân, thời điểm cận Tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015 khá chộn rộn, song hay tin ông Nguyễn Bá Thanh từ trần, họ đã gác lại mọi việc để tìm về nhà riêng của ông với mong muốn được nhìn ông lần cuối, thắp cho ông một nén nhang tiễn biệt. Họ có thể là cán bộ, tri thức, nghệ sỹ, doanh nhân... nhưng đông đảo hơn cả vẫn là những người dân nghèo.

Đang làm thợ sơn ở Thanh Khê, khi nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh qua đời, em Nguyễn Ngọc Huy (19 tuổi) ở 158- Trần Cao Vân (Đà Nẵng) đã vội vàng cùng bạn chạy xe máy xuống nhà riêng của ông Thanh. Huy là một trong gần 300 thanh thiếu niên chậm tiến năm 2010 được đích thân ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, tổ chức cho tham quan Bà Nà và Trại Tạm giam Hòa Sơn với mong muốn sẽ có dịp so sánh để chọn “con đường sáng” mà đi.

Huy nói, sau lần đó, em đã suy nghĩ rất nhiều, từ chỗ là thiếu niên hư, bỏ học theo bạn bè lêu lổng, Huy đã tu chí học nghề thợ sơn, giờ đã là một thợ sơn giỏi, thu nhập ổn định hằng tháng gần 5 triệu đồng. “Bác Thanh đã làm thay đổi cuộc đời của nhiều thiếu niên hư như em. Phần lớn sau chuyến tham quan đặc biệt đó, giờ chúng em đều tiến bộ, nên khi nghe tin bác mất, em bỏ dở công việc xuống đây để được nhìn bác lần cuối”, Huy nói trong xúc động.

Ông Nguyễn Hữu Tài xúc động cầm xấp ảnh kỷ niệm với ông Nguyễn Bá Thanh và gia đình. 

Không chỉ Huy, mà tất cả người dân đang đứng kín trước cổng nhà ông Nguyễn Bá Thanh cũng đều mang tâm trạng xúc động, nghẹn ngào. Ông Nguyễn Yên (48 tuổi) ở thôn An Ngãi Đông, xã Hòa Sơn, H. Hòa Vang chia sẻ cảm xúc: “Ông Thanh sống giản dị, gần gũi với người dân nên khi ông mất ai cũng thương tiếc. Tôi chỉ là người dân bình thường, nhưng trước đây khi ông Thanh còn đương chức ở Đà Nẵng, tôi gặp ông dễ lắm, cứ tới nhà vào cuối tuần là gặp. Nhiều người dân khác cũng vậy, cuộc sống có khó khăn gì, khi gia đình trong diện giải tỏa có vướng mắc gì cậy nhờ tới ông, ông đều giúp đỡ. Người dân nghèo chúng tôi nể trọng ông Thanh không chỉ bởi sự hàm ơn mà còn bởi tính cách của ông gần dân, trọng dân. Chúng tôi chỉ mong muốn ông sống được lâu hơn để dân được nhờ. Vậy mà...”.

Kế bên, ông Ngô Chữ (50 tuổi) ở thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang dù bị cụt một chân phải chống nạng, không thể đi xe máy, nhưng khi nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh mất đã nằng nặc đòi người thân phải chở xuống nhà ông Thanh. Ông Chữ nói, không chỉ với người dân Hòa Tiến quê hương của ông Thanh mà cả với Đà Nẵng, thậm chí với người dân cả nước, trong lòng họ đều tiếc thương ông Thanh. Cứ nhìn Đà Nẵng có được ngày hôm nay to đẹp thế này dấu ấn của ông Thanh rất lớn.

Dù bị tật nguyền nhưng ông Ngô Chữ vẫn yêu cầu người nhà chở tới để tiễn biệt ông Nguyễn Bá Thanh.

Chị Cao Thị Liễu (55 tuổi) ở tổ 22 P. Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) nói rằng, từ khi ông Thanh đau ốm chị liên tục theo dõi tình trạng sức khỏe của ông. Khi hay tin ông về Đà Nẵng đã 2 lần ra sân bay nhưng cũng không nhìn thấy ông Thanh. Bây giờ, mong ước lớn nhất của chị là được vào thắp cho ông Thanh một nén nhang. Theo chị Liễu, ông Thanh không giúp gì cho cá nhân gia đình chị, nhưng với người dân Hòa Xuân ông ấy có công lớn, giúp người dân thoát khỏi cảnh lũ lụt ngập úng hằng năm.

Kể lại câu chuyện đầy nhân văn của ông Nguyễn Bá Thanh với người hàng xóm mà mình được chứng kiến, chị Liễu không khỏi ngậm ngùi. “Chị Hồ Thị Đáo hàng xóm của tôi mấy chục năm trời sống trong căn nhà rách nát, thế rồi nghe mọi người mách nước, chị đã tìm sang tận nhà ông Thanh để trình bày hoàn cảnh. Ông bảo chị cứ về đi vậy là ngay hôm sau cho người sang khảo sát rồi một tuần sau xây cho chị một căn nhà tình nghĩa. Ông ấy đối xử với dân nghèo chúng tôi như thế đó...”, chị Liễu dừng lại trong tiếng nấc.

Từ những phụ nữ đơn thân, những bệnh nhân mang bệnh ung thư nghèo khó không có tiền chữa bệnh đến những bác xe ôm, những học sinh giỏi, những người vợ bị chồng bạo hành... đều được ông Thanh hết sức quan tâm, giúp đỡ khi còn làm lãnh đạo ở Đà Nẵng. Họ cảm kích, kính trọng ông Thanh cũng bởi ông đã quan tâm đến những số phận người dân éo le nhất, đối xử với họ gần gũi chẳng phân biệt sang hèn.

Ông Nguyễn Hữu Tài (77 tuổi) ở số 19 đường Thanh Long (Đà Nẵng) cầm trên tay xấp ảnh chụp chung cùng với ông Nguyễn Bá Thanh kể: “Ba đứa con tôi nó học giỏi cũng nhờ ông Thanh cả. Tôi với ông ấy không quen biết gì. Một lần ông Thanh sang thăm trường Lê Quý Đôn nơi con tôi đang học, rồi gặp cháu, hỏi chuyện vậy là quen với cả nhà. Ông quý con tôi vì cháu học giỏi, thế rồi ông chụp ảnh chung, kêu lên đánh cờ, đám cưới cháu nó mời ông cũng dự. Khi cháu sang Australia du học gia đình khó khăn ông cũng gửi tiền giúp đỡ. Ông Thanh sống với người dân chúng tôi rất gần gũi vì vậy khi hay tin ông mất ai cũng tiếc thương”.

Cái được lớn nhất của ông Nguyễn Bá Thanh là lòng dân, vì thế khi ông mất, người dân dù ở rất xa, dù đang làm gì cũng gác lại để tìm tới nhà riêng của ông bày tỏ tình cảm, lòng thành kính. Nguyện vọng chung của người dân rất giản dị, được thắp cho ông một nén nhang, được đi theo linh cữu tiễn biệt ông về cõi vĩnh hằng. Và dù ông có mất đi, thì trong lòng người dân, hình ảnh ông vẫn đọng mãi.

Hải Quỳnh