Tiền ảo, rủi ro thật

Thứ bảy, 30/01/2021 18:34

Tội phạm công nghệ cao thông qua đầu tư tiền ảo tại Đà Nẵng thời gian qua diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhiều người dân ở Đà Nẵng đã “mắc bẫy” khi đầu tư hàng tỷ đồng và bị chiếm đoạt. Lực lượng Cảnh sát Hình sự (CSHS) CATP Đà Nẵng vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn loại tội phạm này gây hại cho người dân.



Tội phạm công nghệ cao thông qua đầu tư tiền ảo ngày càng tinh vi.

Thời gian gần đây, Phòng CSHS CATP Đà Nẵng tiếp nhận một số đơn tố giác về tội phạm của người dân với nội dung tố cáo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến hàng tỷ đồng thông qua việc đầu tư đồng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) như Bitcoin, USDT... Điển hình là trường hợp chị L.H.T.T đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng, chị N.T.V.A đầu tư hơn 60 ngàn USD (khoảng 1,4 tỷ đồng), chị T.T.K.H đầu tư hơn 5,9 tỷ đồng... Thực trạng này đã ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây thiệt hại tài sản của công dân. Theo Thượng tá Trần Nam Hải- Trưởng Phòng CSHS, để thực hiện tội phạm, các đối tượng lừa đảo triệt để lợi dụng tính nặc danh của internet, sử dụng các phần mềm bảo mật, đặt máy chủ ở nước ngoài, sử dụng những phương thức, thủ đoạn tinh vi gây nhiều khó khăn cho cơ quan CA trong phát hiện, xử lý.

Cũng theo Phòng CSHS, hình thức tội phạm mới nêu trên khác với hình thức lừa đảo đa cấp núp bóng đầu tư tiền ảo mà trước đây CATP Đà Nẵng và các cơ quan chức năng khác đã từng cảnh báo. Cụ thể, đối tượng tự giới thiệu là người nước ngoài thành đạt như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore... kết bạn và làm quen với bị hại trên ứng dụng hẹn hò Tinder. Sau đó, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển sang liên lạc qua ứng dụng mạng xã hội khác như Zalo, Line... Bị hại thường chủ động đưa thông tin đăng ký tài sản khoản mạng xã hội cho đối tượng kết bạn và hầu như không biết thông tin đăng ký tài khoản và thông tin cá nhân của đối tượng. Sau một thời gian trò chuyện tạo sự tin tưởng với bị hại, đối tượng rủ bị hại đầu tư trên sàn giao dịch tiền điện tử Biance và sản đầu tư SGX để kiếm thêm thu nhập. Quá trình đầu tư như sau: Đối tượng hướng dẫn bị hại tải ứng dụng sàn Biance (sàn giao dịch tiền điện tử) về từ Google Play hoặc App Store và tạo tài khoản trên sàn Biance, rồi dùng tiền Việt Nam đồng mua tiền ảo USDT trên sàn Biance. Sau khi mua thành công USDT, đối tượng hướng dẫn bị hại chuyển USDT sang sàn SGX để sinh lời đồng USDT nhiều hơn. Đối tượng đã gửi cho bị hại đường link lạ (www.sgxex.co/, www.sgxex.org/... để bị hại tải ứng dụng sàn SGX về cài đặt trên điện thoại của mình. Đối tượng hướng dẫn bị hại tạo tài khoản trên trang web hoặc ứng dụng sàn SGX.

Ban đầu bị hại thường đầu tư số tiền ít để mua USDT trên sàn Biance, sau đó bị hại chuyển USDT đã mua qua sàn SGX và lập tức nhận được ngay USDT lãi (khoảng 17-18%). Bị hại đã rút được cả USDT gốc và lãi về sàn Biance và bán hết thu được tiền VNĐ. Sau khi đầu tư lần đầu tiên thành công dễ dàng, đối tượng sẽ hỗ trợ tiền USDT một phần để lừa bị hại tiếp tục đầu tư các lần tiếp theo với số tiền đầu tư gấp nhiều lần, nhận được lượng USDT lãi trong tài khoản sàn SGX rất lớn. Nhưng thực tế tiền USDT hỗ trợ của đối tượng trong ứng dụng sàn SGX là không có thật. Đến lúc này bị hại không thể rút USDT về sàn Biance được nữa và đối tượng sẽ yêu cầu bị hại nâng cấp tài khoản để rút tiền dễ hơn. Sàn SGX cũng thông báo cho bị hại qua ứng dụng SGX các lý do bị hại không thể rút tiền như: tài khoản mới mở cần nâng cấp thành viên, nghi ngờ rửa tiền, cần đóng tiền thuế, tiền phí các loại... yêu cầu bị hại phải nạp thêm tiền (nhiều lần và nhiều tiền) vào tài khoản sàn SGX để rút được số tiền ảo USDT của bị hại về sàn Biance. Nhưng thực tế các bị hại sẽ không bao giờ rút được vì ứng dụng sàn SGX là ứng dụng giả mạo...

Bằng thủ đoạn tinh vi nêu trên, các đối tượng đã lừa nhiều người mua tiền ảo. Tuy nhiên, tâm lý chung của nhiều người khi mua tiền ảo là không quan tâm đến thủ đoạn mà chỉ quan tâm đầu tư tiền vào sàn SGX sẽ kiếm lời nhiều. Thực chất tiền ảo chỉ được thể hiện bằng hình ảnh ảo trên mạng internet, chủ thể của tiền ảo không xác định danh tính, là cá nhân hay nhóm người. Vì thế giao dịch giữa bên mua và bên bán tiền ảo không biết danh tính của nhau, tính rủi ro phát sinh rất lớn. Người mua thì thanh toán bằng tiền thật còn người bán thì bán tiền ảo, không cầm nắm được và lưu giữ trên mạng điện tử có mã bảo mật. Mã số bảo mật này luôn luôn bị tấn công và có thể bị lộ, bị chiếm đoạt. Hơn nữa, giá trị ảo trên mạng còn có thể bị thay đổi bởi người sử dụng internet ra lệnh sai về mã số; tài khoản có thể bị mất mà không có cơ quan nào bảo vệ, lợi ích của chủ thể là bên mua có thể bị xâm phạm, bị mất trắng. Tại Việt Nam, tiền ảo nói chung và Bitcoin, USDT, Ethereum... nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo qui định của pháp luật. Tiền ảo cũng không được công nhận là một loại tài sản, việc đầu tư vào tiền ảo và bị chiếm đoạt không được pháp luật bảo hộ.

Theo thượng tá Trần Nam Hải, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm công nghệ cao thông qua hình thức lôi kéo đầu tư tiền ảo gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa bàn TP thì giải pháp quan trọng cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ thủ đoạn, cảnh giác với loạt tội phạm này. Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Đà Nẵng cũng khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư tiền ảo. Bởi lẽ, việc đầu tư vào tiền ảo tiềm ẩn rủi ro rất lớn và không được pháp luật bảo hộ.

HẢI QUỲNH