Tiền trảm, hậu… xét?
Ngày 27-2, chúng tôi đã liên hệ với ông Đinh Anh Tuấn- Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang. Nói về sự việc trên, ông Tuấn cho biết, ngày 10-10- 2023, Hạt tiếp nhận nguồn tin về việc san ủi, chặt hạ cây rừng tự nhiên khu vực thực hiện dự án đường dây 110kV (giai đoạn 2) thủy điện Tr'hy từ Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam. Hiện nay Hạt đang phối hợp với Công an huyện, Viện KSND huyện và cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra làm rõ vụ việc và sẽ có kết quả trong thời gian sớm nhất để xử lý theo quy định pháp luật.
Được biết, từ ngày 24-10-2023 đến 28-12-2023, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang đã phối hợp với Viện KSND, Công an huyện, Phòng Tài nguyên- Môi trường, Phòng NN và PTNT, BQL rừng phòng hộ huyện Tây Giang, UBND các xã Atiêng, Lăng, Dang và đơn vị chủ đầu tư thủy điện Tr'hy tiến hành kiểm tra, khám nghiệm toàn bộ hiện trường vụ phá rừng trái pháp luật theo quy định và tiến hành thực hiện một số hoạt động điều tra cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ việc. Bước đầu xác định, vụ phá rừng khu vực thực hiện dự án đường dây 110kV (giai đoạn 2) thủy điện Tr'hy tại các xã Atiêng, Dang, Lăng đã gây thiệt hại đến rừng tự nhiên với diện tích hơn 17.912m2, trong đó quy hoạch rừng phòng hộ hơn 9.850m2, quy hoạch rừng sản xuất gần 8.062m2. Tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại lên đến hàng trăm mét khối với hơn 400 cây rừng bị chặt hạ. Căn cứ vào số liệu tọa độ do Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Tây Giang, cơ quan chức năng xác định các đơn vị chủ rừng gồm lâm phận do BQL rừng phòng hộ huyện Tây Giang quản lý là gần 4.203m2, lâm phận thuộc UBND xã Lăng quản lý gần 8.507m2, UBND xã Atiêng quản lý 1.106m2 và UBND xã Dang quản lý 4.096m2. Quá trình điều tra, thu thập tài liệu từ các đơn vị thi công đã xác định thời gian xảy ra vụ việc san ủi, chặt hạ cây rừng nói trên bắt đầu từ tháng 11-2019 kéo dài đến tháng 9-2023. Tại Công văn ngày 25-12-2023 của Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam về việc thông tin về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng đối với hạng mục đường dây điện 110kV (giai đoạn 2) dự án thủy diện Tr'hy trên địa bàn huyện Tây Giang xác định hạng mục móng trụ công trình này do Công ty CP Tài chính và phát triển năng lượng làm chủ đầu tư dự án chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng công trình theo quy định. Vì vậy, cơ quan chức năng nhận định, vụ phá rừng nói trên là trái pháp luật, xảy ra tại khu vực rừng tự nhiên được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ và rừng sản xuất, có dấu hiệu của hành vi hủy hoại rừng.
Cũng trong ngày 27-2, ông Bhling Mia- Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, hiện các cơ quan chức năng của huyện vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ phá rừng trái pháp luật này. Huyện ủy đang chờ UBND huyện cùng ngành chức năng huyện có báo cáo cụ thể vụ việc, sai phạm như thế nào để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Quay trở lại với dự án thủy điện Tr'hy, chúng tôi đã nhiều lần có bài phản ánh, sau hơn 15 năm triển khai và 5 lần xin gia hạn nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành và gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống sản xuất của người dân địa phương. Vào thời điểm những năm 2020, khi làm đường dẫn về nhà máy, đơn vị thi công đã gây thiệt hại hoa màu của 28 hộ dân ở thôn Voong và thôn Dâm 1, xã Tr'hy với tổng số tiền phải đền bù gần 600 triệu đồng. Tiếp đó, công trình thủy điện Tr'hy chưa hoàn thành nhưng chủ đầu tư đã vội vàng dọn dẹp khu lòng hồ, nơi có rất nhiều cây to bị đốn ngã. Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang khẳng định, chủ đầu tư dự án thủy điện Tr'Hy đã dọn dẹp và cắt một số cây rừng ở khu vực lòng hồ khi chưa được UBND tỉnh cho phép. Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, dự án thủy điện Tr'Hy chậm tiến độ nhiều năm do chủ đầu tư không tập trung các nguồn lực để thi công. Đến nay lại tiếp tục xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ khi thi công đường dây điện của dự án thủy điện. Đề nghị UBND huyện Tây Giang, các ngành chức năng của huyện Tây Giang cần khẩn trương làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Hồng Thanh