Tiếp sức hoàn lương
Mỗi lần vấp ngã, ai cũng cần một điểm tựa là sự chia sẻ và giúp đỡ của gia đình, xã hội để có thêm niềm tin vào cuộc sống. Thấu hiểu điều đó, từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã triển khai chính sách hỗ trợ cho người có nguy cơ nghiện, người đang và sau cai nghiện. Với chính sách nhân văn này, những người lầm lỡ như được tiếp thêm sức mạnh để bước tiếp, xây dựng cuộc sống mới.
P. Nam Dương trao sinh kế cho 5 trường hợp có nguy cơ nghiện và sau cai nghiện. |
Bà Phạm Thị Sen - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2020, Hội đồng nhân dân thành phố đã thống nhất thông qua Tờ trình của UBND thành phố về việc hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác dự phòng nghiện và tái nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2020. Theo đó, sẽ hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/người dành cho việc hỗ trợ sinh kế, tự học nghề dành cho các trường hợp: Người sử dụng ma túy bị xử phạt vi phạm hành chính lần đầu theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ; người đang cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ; người sau cai nghiện được quản lý tại nơi cư trú theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Nói nôm na, chính quyền sẽ hỗ trợ, trao "cần câu" để giúp người từng không may dính vào "cái chết trắng" làm lại cuộc đời. Bà Sen cũng cho biết thêm, trong năm 2020, chính sách này sẽ ưu tiên hỗ trợ 300 hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, chưa có việc làm, có nhu cầu hỗ trợ sinh kế, học nghề. Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ này khoảng trên 5,3 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. "Điều kiện để được hỗ trợ người được hưởng thụ phải tiến bộ, không tái nghiện ma túy và có phương án sinh kế, sản xuất, kinh doanh phù hợp, khả thi", bà Sen chia sẻ.
Q. Hải Châu có 13 phường với hàng trăm trường hợp được giao cho các tổ chức đoàn thể và lực lượng Công an theo dõi, kèm cặp từ đầu năm 2020. Qua lựa chọn, đã có 67 trường hợp đủ tiêu chuẩn để được hỗ trợ sinh kế. Đây là những trường họp có quyết tâm, nỗ lực và cố gắng học tập, lao động được gia đình, xã hội ghi nhận. Được biết, sau 5 năm, những trường hợp này sẽ tiếp tục được thành phố hỗ trợ thêm 10 triệu đồng nếu có "trái ngọt".
Ông Nguyễn Phúc Bảo Nam - Chủ tịch UBND P. Nam Dương, Q. Hải Châu cho biết, xác định đây là chính sách thiết thực và nhân văn, Ban chỉ đạo của phường đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và giao cho các hội đoàn thể, CAP rà soát lập hồ sơ khảo sát, theo dõi giúp đỡ 9 trường hợp nằm trong diện khảo sát; sau một thời gian theo dõi giúp đỡ, Ban chỉ đạo xét chọn có 5 trường hợp tiến bộ đủ điều kiện được hỗ trợ. Qua tìm hiểu nguyện vọng, địa phương đã tặng 2 xe máy và 3 bộ dụng cụ học nghề sửa xe, sửa chữa điện lạnh và cắt tóc cho 5 trường hợp với trị giá 50 triệu đồng. "Qua chương trình, chúng tôi mong muốn các em cùng với gia đình sử dụng phương tiện sinh kế đúng mục đích, hiệu quả để các em có công việc làm ổn định cuộc sống, đoạn tuyệt với ma túy, tránh xa tệ nạn xã hội", ông Nam cho hay.
Trong 5 em được hỗ trợ, Đại úy Lê Vĩnh Thắng - Phó Trưởng CAP Nam Dương đặc biệt lưu tâm đến em Nguyễn Phan Gia Bảo. Khi còn chưa đủ 18 tuổi, em Bảo đã 2 lần bị CAP kiểm tra và phát hiện dương tính với ma túy. Sau khi đưa vào diện quản lý, cai nghiện tại cộng đồng, Bảo đã từng bước tiến bộ, lo chí thú làm ăn. Nhiều lần thử test, em đều có kết âm tính. Để hỗ trợ và qua tìm hiều nguyện vọng, CAP đã đề xuất kinh phí mua 1 chiếc xe máy để em làm phương tiện đi lại, làm việc.
Ngoài chính sách trên, TP Đà Nẵng cũng đã và đang có nhiều chương trình, mô hình khác phát huy hiệu quả. Trong đó, phải kể đến mô hình cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên mới sử dụng ma túy. Kể từ năm 2015, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ và Thành Đoàn được giao nhiệm vụ đảm nhận trực tiếp theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên mới sử dụng ma túy trên địa bàn. Qua 5 năm thực hiện, kết quả có 287/440 em tiến bộ (đạt tỷ lệ 65%) và 240/440 em có việc làm (đạt gần 55%).
Những mô hình, chính sách trên đã bước đầu cho thấy hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa. Hy vọng, những người hoàn lương sau khi được giúp đỡ sẽ thành công trong con đường làm lại cuộc đời. Và hơn nữa, họ cũng sẽ là những hạt nhân để lôi cuốn các em khác tiến bộ. Gia đình và xã hội cũng cần dang rộng vòng tay nhân ái để kéo "người chạy lại", đẩy lùi tệ nạn ra khỏi cộng đồng.
MAI VINH