Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững

Thứ sáu, 27/11/2015 10:23

(Cadn.com.vn) - Sáng 26-11, tại Gia Lai, Bộ GTVT phối hợp cùng Ban chỉ đạo Tây Nguyên và 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị “Tổng kết 5 năm công tác đầu tư phát triển Kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) và vận tải vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2010-2015. Tham gia và chủ trì hội nghị có Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT.

Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Hơn 60.600 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng, có khoảng 630km đường biên giới Lào và Campuchia với các cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang Đông – Tây. Phía Đông tiếp giáp với các tỉnh duyên hải có cảng biển nước sâu (như Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội...), phía Nam tiếp giáp với các tỉnh Đông Nam Bộ là khu vực tăng trưởng kinh tế cao nhất của nước... Vì vậy, Tây Nguyên vừa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng, vừa có điều kiện để phát triển KT-XH và môi trường sinh thái của đất nước.

Đến nay, trên địa bàn Tây Nguyên có 2 phương thức vận tải chính là đường bộ và đường hàng không. Trong đó đường bộ có tổng chiều dài khoảng 35.639km cùng với 3 cảng hàng không: Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) và Pleiku (Gia Lai) đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh (QPAN) và từng bước cải thiện đời sống người dân.

Trong đó, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hệ thống KCHTGT vùng Tây Nguyên đã được quan tâm đầu tư với tổng số vốn bố trí và huy động trong giai đoạn là khoảng 60.682 tỷ đồng. Bộ mặt của vùng cũng đã thay đổi, chuyển biến khi nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư như: đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây Nguyên, QL19, QL20, QL28... cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Liên Khương và Pleiku.

Từ đó, mở ra việc kết nối, phát triển và hoàn thiện hệ thống đường ngang, đường hành lang Đông – Tây với miền Trung, Đông Nam Bộ, kết nối với Lào và Campuchia. Cùng với đó, hoạt động vận tải đã từng bước được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt, nhanh chóng, an toàn.

Việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông địa phương trong vùng đã tạo nên hệ thống giao thông nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2014, toàn vùng Tây Nguyên có 129/600 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (19 tiêu chí). Từ đó, kết nối tốt hơn hệ thống KCHTGT trung ương với hệ thống KCHTGT địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển KT-XH hiệu quả, góp phần trong  công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn, vùng đồng bào các DTTS.

Việc đầu tư phát triển KCHTGT vùng Tây Nguyên cùng với tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây đang mở ra những tiềm năng phát triển KT-XH của vùng.

Xây dựng một Tây Nguyên phát triển toàn diện, bền vững

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá: một số hệ thống KCHTGT ở Tây Nguyên chưa mang tính đồng bộ, thiếu tính đa dạng, ngân sách Nhà nước đầu tư còn hạn hẹp, vận tải đường bộ chất lượng chưa cao, ATGT vẫn còn những diễn biến phức tạp, chưa tương xưng với tiềm năng, lợi thế cũng như mục tiêu, yêu cầu phát triển của vùng... Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư lớn, khả năng hoàn vốn rất thấp và kéo dài trong khi không bố trí được nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho các dự án.

* Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên, NHCSXH Việt Nam đã giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Nguyên với doanh số cho vay gần 16.500 tỷ đồng.

Qua đó, đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Hơn 121.000 nghìn hộ dân vùng Tây Nguyên nhờ vốn tín dụng chính sách đã vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm mới cho trên 34.000 lao động…giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên từ 18,9% (năm 2011) xuống còn 11,2% (năm 2014).    

Nhằm khắc phục những hạn chế và phát triển KCHTGT của vùng Tây Nguyên, Bộ GTVT đã trình phương hướng, nhiệm vụ đầu tư phát triển KCHTGT và vận tải vùng Tây Nguyên trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tổng nguồn vốn dự kiến huy động để đầu tư KCHTGT khoảng 115.066 tỷ đồng (vốn NSNN, TTCP và ODA là khoảng 75.773 tỷ đồng, vốn xã hội hóa khoảng 39.293 tỷ đồng).

Trong đó, đáng chú ý là các dự án quan trọng như: nâng cấp các tuyến quốc lộ còn lại như  QL 24, 19, 25, 26...; triển khai đầu tư xây dựng 468 cầu trong Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng DTTS; xây dựng nhà ga hành khách cảng hàng không Pleiku, đầu tư xây dựng sân bay Kon Tum; nghiên cứu khai thác giao thông đường thủy nội địa các đoạn sông Sê San, Sêrêpok và các hồ thủy điện phục vụ vận tải và du lịch; nghiên cứu huy động nguồn vốn để từng bước xây dựng đường sắt trên khu vực Tây Nguyên phục vụ khai thác và sản xuất Alumin – nhôm và kết nối Tây Nguyên với các cảng biển.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị: trong giai đoạn tới các tỉnh tiếp tục chủ động rà soát, quy hoạch mở rộng các tuyến đường của các tỉnh, lấy đường Hồ Chí Minh làm trục chính, phát triển các tuyến đường ngang, tuyến đường hành lang Đông – Tây kết nối với các vùng xung quanh, kể cả trong nước và khu vực; xây dựng các tuyến đường liên tỉnh có tính kết nối trong vùng và các tỉnh khác; tập trung phát triển các đô thị, các khu công nghiệp, khu công nghiệp tập trung, điểm du lịch nhằm khai thác có hiệu quả KCHTGT đã được đầu tư và kết nối với các hệ thống giao thông vùng, khu vực trong và ngoài nước; tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển KCHTGT; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực quản lý khai thác, bảo trì, xây dựng hệ thống KCHTGT; nhân lực vận tải...

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết: “Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng với Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ và phối hợp với các tỉnh để chỉ đạo, xử lý, đáp ứng những đề xuất, kiến nghị của các tỉnh trong vùng. Tôi đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương về liên quan đến phát triển KT-XH và đảm bảo QPAN của vùng Tây Nguyên, trong đó có việc tập trung phát triển KCHTGT đồng bộ nhằm đưa nước ta nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng phát triển nhanh và bền vững”.

Nhân dịp này, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã tặng Bằng khen cho 21 cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển KCHTGT và dịch vụ vận tải vùng Tây Nguyên.

Minh Tân