Tiếp tục hoãn xét xử “bộ sậu” Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai gây thất thoát tiền tỷ
Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận địa phương khi Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai kết luận, trong thời gian đương chức, các bị cáo nêu trên đã lập khống 7 biên chế của Đoàn ĐBQH, sử dụng tiền ngân sách chi tiếp khách, mua sắm thiết bị, chi tiêu cá nhân… sai quy định cả chục tỷ đồng. Trong đó, 3 bị cáo trên được xác định là có vai trò chính trong vụ án gây thất thoát hơn 2,38 tỷ đồng xảy ra tại Văn phòng ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai.
Theo hồ sơ vụ án, biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương do UBND tỉnh Gia Lai phân bổ. Là văn phòng chung nhưng kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh lại tách biệt, do 2 nguồn kinh phí trung ương, địa phương chi trả. Dù biết rõ 7 biên chế bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được Văn phòng Quốc hội chi trả lương và các khoản phụ cấp nhưng Nguyễn Thế Quang và Nguyễn Thị Lựu cùng Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi vẫn thống nhất lập khống 7 biên chế của Đoàn ĐBQH (trùng danh sách 7 biên chế đã được Văn phòng Quốc Hội cấp dự toán riêng). Từ danh sách khống đó, từ năm 2013 đến năm 2016, “bộ sậu” Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai trình Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai cấp trùng dự toán kinh phí gây thiệt hại số tiền hơn 2,38 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, bị cáo Quang là thủ trưởng đơn vị, ký vào các văn bản chứng từ liên quan có tính chất quyết định đến việc dự toán kinh phí trùng gây thiệt hại cho ngân sách nên có vai trò cao nhất trong vụ án. Bị cáo Nguyễn Thị Lựu với chức vụ là kế toán và là Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức (các thời kỳ), phụ trách kế toán biết rõ Văn phòng Quốc hội cấp dự toán ngân sách cho 7 biên chế nhưng vẫn tham mưu, dự toán cấp trùng. Do vậy, bị cáo Lựu là người thực hành đắc lực, có vai trò thứ hai trong vụ án. Đối với bị cáo Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi là kế toán (lập dự toán hai năm 2015-2016), phát hiện việc đưa 7 biên chế của Đoàn ĐBQH vào lập dự toán ngân sách cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai là sai và đã loại khỏi danh sách. Thế nhưng bị cáo Lựu không đồng ý, mà yêu cầu Vi đưa 7 biên chế vào dự toán cấp trùng.
Về những sai phạm tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Gia Lai, trong vụ án này còn liên quan đến các cá nhân tại Sở Tài chính; Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, còn có những người đứng đầu HĐND tỉnh Gia Lai từ năm 2013- 2016, trong đó có ông Dương Văn Trang là Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai từ tháng 12-2015 đến hết năm 2016 (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum). Tuy nhiên, cơ quan tố tụng mới chỉ đưa ra xét xử việc cấp trùng dự toán đối với 7 biên chế gây thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng. Riêng việc sai phạm tài chính gây thiệt hại đến 11,2 tỷ đồng mà UBKT Tỉnh ủy Gia Lai kết luận đang tiếp tục được làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
G.L