Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội
Đây là đề nghị của Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức sáng 22-7.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh chủ trì hội nghị.
Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Thành phố đã ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia và bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng tại địa phương. Ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) năm sau cao hơn năm trước, theo hướng đối ứng với tổng nguồn vốn Trung ương bố trí.
Tính đến ngày 30-6-2024, tổng nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương đạt hơn 2.204 tỷ đồng, tăng hơn 2.113 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 45% tổng nguồn vốn, Đà Nẵng là địa phương có nguồn vốn vay ủy thác lớn thứ 3 toàn quốc, chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tuy vậy, công tác phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách vẫn còn chưa gắn kêt, đồng bộ. Việc huy động đóng góp của tổ chức, xã hội và doanh nghiệp bổ sung vốn cho tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là những nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW nhằm nâng cao nhận thức tất cả các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách.
Thành phố cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thông qua nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là trong việc tiếp tục ủy thác nguồn vốn, huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách ủy thác cho NHCSXH.
Lồng ghép tốt hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách trong bối cảnh mới và trong điều kiện cụ thể của thành phố để đạt các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động.
Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và năng lực, hiệu quả hoạt động của Chi nhánh NHCSXH thành phố nhằm bảo đảm tính hiệu quả và bền vững của tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới.
Đặc biệt là tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, tận dụng tốt nhất vị thế Đà Nẵng là thành phố dẫn đầu trong chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, UBND thành phố luôn xác định một trong các giải pháp quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm là sử dụng hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội.
Kể từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ban hành đến nay, nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 2.113,95 tỷ đồng, lũy kế tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đến nay là 2.204 tỷ đồng.
Từ 15 chương trình năm 2014, đến nay thành phố đang triển khai thực hiện 26 chương trình tín dụng chính sách (Trung ương và địa phương), với tổng doanh số cho vay giai đoạn 2014-2024 đạt trên 11.000 tỷ đồng, với trên 247.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ giải pháp: bám sát chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, gắn với các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó chú trọng tới các mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Tiếp tục quan tâm và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát của các cấp, các ngành và của mọi tầng lớp nhân dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Tiếp tục dành nguồn lực để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; ưu tiên cấp, bố trí nguồn vốn cấp các chương trình tín dụng chính sách cho NHCSXH.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và ban hành Kế hoạch số 54-KH/TU để cụ thể hóa triển khai Chỉ thị 40-CT/TW.
Trong đó, xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
UBND các cấp quan tâm cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; thường xuyên chỉ đạo tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với đời sống xã hội. Xác định tín dụng chính sách là trụ cột trong công tác giảm nghèo của địa phương.
Tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lực.
Nghiên cứu tăng mức ủy thác và có giải pháp hiệu quả thu hút sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp vào nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Tăng cường phối hợp với NHCSXH và các địa phương bố trí, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm.
Chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện công tác giảm nghèo và tạo việc làm.
Kịp thời rà soát, thống kê, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng này được vay vốn kịp thời, đúng quy định.
Các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thực hiện đầy đủ nội dung được ủy thác, chú trọng hướng dẫn người nghèo, đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Chi nhánh NHCSXH thành phố tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; duy trì và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch phường, xã.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đưa nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đến với các hộ nghèo, gia đình chính sách.
Hội nghị tổ chức khen thưởng về thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Cụ thể, 1 tập thể nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; 12 tập thể và 8 cá nhân nhận bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố; 6 tập thể và 6 cá nhân nhận giấy khen của Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam; 10 tập thể và 15 cá nhân nhận giấy khen Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố.
Theo ĐNO