Tiếp tục tìm giải pháp chống xói lở biển Cửa Đại

Thứ ba, 08/09/2015 07:33

(Cadn.com.vn) - Ngày 7-9, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với trường Cao đẳng công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung; Viện khoa học thủy lợi Việt Nam, Trường ĐH thủy lợi và Đại học Tohoku (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản về Cửa sông, Bờ biển và kỹ thuật sông tại Hội An.

Hội thảo quy tụ gần 200 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có gần 30 chuyên gia, học giả nổi tiếng đến từ Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Đài Loan. Hội thảo đi sâu phân tích vấn đề bờ biển miền Trung, đặc biệt là vấn đề biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) đang bị xói lở nghiêm trọng.

Bờ kè chống lở của Golden Sand tại khu vực Cửa Đại.

Tác động nghiêm trọng của xói lở

Theo GS-TS. Hitoshi Tanaka, nguyên Chủ tịch Hội quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường - vùng Châu Á Thái Bình Dương (IAHR-APD), hiện là Phó chủ tịch Hội xây dựng dân dụng Nhật Bản và PGS-TS Nguyễn Trung Việt, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung đồng quan điểm cho rằng nguyên nhân tiềm năng gây nên xói lở bờ biển “là do sự duy giảm bùn cát từ thượng lưu”.

PGS-TS Nguyễn Trung Việt nhấn mạnh: Giải pháp cấp bách nhất là phải có một đề tài tổng thể về nghiên cứu việc xói lở này chứ không thể mang tính cục bộ được. Chắc chắn ở đây là phải nuôi bãi để bổ sung lại lượng bùn cát bị thất thoát. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục khảo sát để có được số liệu cụ thể hơn, từ đó mới có được chính xác là phải nuôi bãi ở vị trí nào, bổ sung bao nhiêu, thời điểm nào, hằng năm bao nhiêu. Theo tôi, cần phải sự “cầm trịch” của nhà quản lý trong việc đưa ra giải pháp cuối cùng cho giải pháp ở Cửa Đại, phải kết nối giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp.

Trong khi chờ đợi giải pháp tổng thể, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp đã bỏ ra rất nhiều tiền của để chống xói lở. Khách sạn Victoria mỗi năm đơn vị đã chi hàng tỷ đồng để kè chắn biển, riêng năm 2014 khoảng 3 tỷ đồng đã được doanh nghiệp bỏ ra đổ đá chống xói lở 300m bờ biển khách sạn. Khu vực ven biển Cửa Đại hiện có 5 dự án nghỉ dưỡng cao cấp, ngoài 2 dự án là khách sạn Fusion Alya và Vinpearl Resort Hội An đang xây dang dở thì các doanh nghiệp khác đã hoạt động từ lâu. Các doanh nghiệp này vừa bị tác động trực tiếp của xói lở, vừa bị tác động gián tiếp là lượng khách suy giảm từ 50-70% so với các năm trước.

Trước thực trạng bị tác động nghiêm trọng, một số đơn vị đã tự ý xây dựng bờ kè chống xói lở. Tuy nhiên, điều này vấp phải những vấn đề chuyên môn và pháp lý. Đại diện lãnh đạo khách sạn Golden Sand, bà Nguyễn Châu Thanh Thu phân trần: Bờ biển trước đây dài 150m, đến năm 2013, bờ biển đã tiến sát vào  khu nghỉ dưỡng, sát với khu vực hồ bơi, buộc chúng tôi phải xây kè. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học. Họ nhận định rằng bờ kè này không những không ảnh hưởng đến dòng chảy mà còn giúp lấy lại bãi biển. Tuy nhiên, chúng tôi đang bị phạt vì xây thêm kè, ảnh hưởng đến giải pháp chung!

Biến động cửa sông miền Trung diễn ra rất phức tạp

Tại hội thảo, GS-TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, các biến động cửa sông ven biển miền Trung hiện diễn ra rất phức tạp. Bên cạnh các nguyên nhân như thiên tai, lũ lụt hàng năm, nạn khai thác cát quá mức, tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn đã dẫn đến tình trạng xói lở khu vực cửa sông ven biển.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, hiện nay nhiều địa phương chưa có quy hoạch tổng thể liên quan đến khai thác, phát triển tiềm năng và phòng chống thiên tai cho toàn bộ hệ thống cửa sông, bờ biển. Nhiều giải pháp công trình đưa ra còn mang tính cục bộ hoặc thử nghiệm dẫn tới tình trạng nhiều khi việc phòng, chống xói lở ở khu vực này lại gây sạt lở ở các vùng khác.  

Cần giải pháp căn cơ

Bên lề buổi hội thảo, chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ông cho biết: Chính quyền tỉnh cực kỳ quan tâm đến vấn đề sạt lở tại biển Cửa Đại. Tuy nhiên, vấn đề cực kỳ rất phức tạp, nếu giải quyết không cẩn thận, không dựa trên các nghiên cứu khoa học, các nhân tố tác động thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Do đó, một mặt chúng ta giải quyết bằng giải pháp trước mắt để hạn chế việc xâm thực, đồng thời tổ chức nghiên cứu với các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế có uy tín, chuyên môn sâu để tìm ra một giải pháp căn cơ vừa đảm bảo an toàn tính mạng, quyền lợi kinh tế cho người dân vừa đảm bảo là một bãi biển du lịch.

Theo ông Lê Trí Thanh, trước mắt, việc xói lở ở Cửa Đại liên quan đến khu vực hạ lưu sông Thu Bồn. Chính vì vậy, việc khai thác cát trên sông kể cả khai thác chính thức cũng phải được rà soát lại để xác định phạm vi khai thác phù hợp. Bên cạnh đó, những khu vực xung yếu, tỉnh Quảng Nam đã cho triển khai những biện pháp tạm thời, tránh bị tác động quá nghiêm trọng.

Các khu du lịch cũng phải có biện pháp kè để đảm bảo các hoạt động du lịch, gắn với đảm bảo an toàn cho tổng thể khu vực này và phải được chính quyền cho phép. Về lâu dài, tỉnh Quảng Nam cũng đã được Bộ NN&PTNT và các bộ ngành có liên quan cùng các nhà khoa học giúp đỡ để tìm ra giải pháp tổng thể. Điều này cần có thời gian. Tuy nhiên trước mắt vẫn phải sử dụng các giải pháp tình thế, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp đến, kể cả phải di dời dân, du khách ra khỏi vùng sạt lở này.

Cũng theo ông Thanh, đối với các dự án ven biển cũng như dự án thủy điện, hiện đang thực hiện rà soát lại. Thực tế, tỉnh Quảng Nam cũng đã thu hồi nhiều dự án ven biển để xây dựng thành những khu cộng đồng để phục vụ cho hoạt động của nhân dân, tiếp tục trồng cây xanh trở lại để phục vụ cho du lịch. Các dự án cấp phép quy định về xây dựng cũng rất thấp và phải dành trên 2/3 diện tích để trồng cây xanh, nhằm hạn chế sự xâm thực của biển. Các thủy điện trên sông Thu Bồn, Vu Gia hiện cũng đang được rà soát lại để giãn tiến độ, thậm chí có những thủy điện chấm dứt không thực hiện.

Mục đích hướng tới của thủy điện sẽ phải đảm bảo về kinh tế, an sinh xã hội và môi trường. Nếu những nghiên cứu khoa học chứng minh được sự tác động của thủy điện thì chính quyền địa phương sẽ làm việc với bộ ngành cũng các chủ nhà thủy điện để cùng chung tay giải quyết cùng với chính quyền trong vấn đề sạt lở. Trước mắt, chính quyền vẫn phải sử dụng biện pháp tạm thời và chờ một giải pháp tổng thể, lâu dài và căn cơ mới giải quyết tốt nhất vấn đề sạt lở tại cửa biển Cửa Đại, Hội An.

Lê Anh Tuấn