Tiếp tục trợ lực cho doanh nghiệp

Thứ hai, 11/07/2022 08:43
Công ty TNHH Bắc Đẩu nằm trong Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với ngành nghề chính là chế biến và kinh doanh thủy sản, là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thậm chí, có thời điểm, doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
TP Đà Nẵng tiếp tục trợ lực doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19.
Trong ảnh: Sản xuất veston tại Công ty CP Dệt may 29-3.
TP Đà Nẵng tiếp tục trợ lực doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19.
Trong ảnh: Sản xuất veston tại Công ty CP Dệt may 29-3.

Song, với sự quan tâm, hỗ trợ, trợ lực từ lãnh đạo TP và các sở, ban, ngành hữu quan thông qua các chính sách như: miễn, giảm tiền sử dụng hạ tầng, gia hạn nộp thuế, cho vay với lãi suất ưu đãi để trả lương cho công nhân, v.v..., Công ty TNHH Bắc Đẩu đã vượt qua khó khăn, từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, duy trì được công ăn việc làm cho gần 100 lao động…

Đơn cử cho sự trợ lực nói trên, ông Nguyễn Chín - Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu dẫn chứng, Bắc Đẩu hiện đang thuê 14.000m2 đất trong Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng để hoạt động với đơn giá 23.000 đồng/m2/năm. Nếu được Nhà nước giảm 50% tiền sử dụng hạ tầng, đơn vị này tiết kiệm được khoản chi phí hơn cả trăm triệu đồng. Đây là một trong những giải pháp tích cực tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ông Phạm Trường Sơn - Trưởng ban BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP về việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP nói chung, tại các khu công nghệ cao và khu công nghiệp trên địa bàn TP nói riêng phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19, từ đầu năm đến nay, BQL đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp như: tổ chức các hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; phối hợp với các sở, ban, ngành hữu quan tham mưu, kiến nghị và thực hiện một số nội dung nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như kiến nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn lãi suất thấp để ổn định sản xuất, gia hạn các khoản nợ đến hạn tại ngân hàng, hỗ trợ chuyên gia nước ngoài nhập cảnh…; đặc biệt là triển khai Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND của HĐND TP Đà Nẵng về việc giảm 50% tiền sử dụng hạ tầng năm 2021 cho doanh nghiệp.

Qua rà soát, có 383 doanh nghiệp thuộc diện hỗ trợ theo nghị quyết này, trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, BQL đã tổng hợp, rà soát và chuyển cho Sở Tài chính TP thẩm định 313 hồ sơ với tổng số tiền sử dụng hạ tầng đề nghị cấp cho doanh nghiệp hơn 22,8 tỷ đồng. Đến nay, UBND TP đã duyệt cấp hơn 12,3 tỷ đồng tiền sử dụng hạ tầng cho 158 doanh nghiệp. "Nhìn chung, đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong các khu công nghệ cao và khu công nghiệp trên địa bàn TP đã cơ bản ổn định trở lại, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng, thậm chí vượt mức so với cùng kỳ các năm trước khi có dịch bệnh", ông Phạm Trường Sơn cho biết thêm.

Với ngành Ngân hàng TP, theo ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn TP đã ưu tiên cung ứng vốn tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP đầu tư phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất ổn định. Tính đến cuối tháng 6-2022, tổng dư nợ cho vay đạt khoảng 209.000 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cuối năm 2021 và tăng 9,31% so với cùng kỳ năm trước.

Song song với việc tập trung đầu tư nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngành Ngân hàng TP còn chú trọng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP bằng các hình thức cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi, v.v… Đơn cử, lũy kế đến cuối tháng 6-2022, tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (từ 23-1-2020 đến 30-4-2022) khoảng 20.558 tỷ đồng với 9.039 khách hàng; tổng giá trị nợ đã được miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ hơn 3.812 tỷ đồng và số lãi 20,56 tỷ đồng với 833 khách hàng… Bên cạnh đó, thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội TP đã giải ngân cho vay đối với 98 lượt doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 45,6 tỷ đồng để trả lương cho gần 12.000 lao động…

Trên lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Trong thời gian qua, Sở đã rà soát, điều chỉnh, bãi bỏ, bổ sung một số thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp phù hợp quy định hiện hành. Đặc biệt, Sở đã trình UBND TP ban hành bộ thủ tục hành chính mới. Trong đó, hủy bỏ một số thủ tục như: thông báo mẫu dấu doanh nghiệp, báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp, thông báo phát hành cổ phần riêng lẻ, v.v...; đồng thời, bổ sung một số thủ tục theo hướng tinh gọn như chuyển đổi trực tiếp doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, thay đổi thời gian doanh nghiệp phải thông báo tạm ngừng kinh doanh từ 15 ngày xuống còn 3 ngày...

Cùng với sự phục hồi kinh tế ấn tượng và trợ lực của TP, tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp trên địa bàn TP trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc với hơn 2.250 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% về số lượng doanh nghiệp và tăng 14,5% về vốn đăng ký; số doanh nghiệp tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động trong 6 tháng qua tăng lên đáng kể với 1.620 doanh nghiệp, tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm 2021.

PHÚ NAM