Tiêu tiền ở V. League…

Thứ năm, 06/10/2022 09:22
Sau thành công nhất định của CLB Nam Định và Sài Gòn FC khi thay đổi cơ cấu thành phần lãnh đạo, ban huấn luyện và nhất là treo thưởng “khủng”, V.League 2022 lại chứng kiến động thái không kém phần đình đám đến từ CLB đang xếp chót bảng TPHCM.
HLV Vũ Tiến Thành và các học trò được treo thưởng 11 tỷ đồng nếu thắng... 8 trận còn lại.
HLV Vũ Tiến Thành và các học trò được treo thưởng 11 tỷ đồng nếu thắng... 8 trận còn lại.

Tiếp nối việc “cho ra rìa” Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Nguyễn Hữu Thắng, HLV Trương Việt Hoàng cùng các trợ lý và đưa HLV Vũ Tiến Thành về thay thế với ê-kíp hoàn toàn mới, lãnh đạo CLB này treo thưởng khoảng 11 tỷ đồng nếu thắng 8 trận còn lại để trụ hạng thành công. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề “tư tưởng”, CLB TPHCM cũng đã đồng ý trả 40% tiền lót tay của các cầu thủ trong giai đoạn 2 của mùa giải 2021 mà trước đó từng tuyên bố “phủi tay” với lý do cầu thủ không phải đá do giải hủy bởi dịch COVID- 19.

Vậy là, cho đến lúc này, ít nhất V.League 2022 đã có 3/13 CLB “kích hoạt” khoảng thưởng cho mục trụ hạng vượt gấp nhiều lần so với tiền thưởng mà đội vô địch giải được nhận từ VFF (3 tỷ đồng). Làm một phép so sánh đơn giản, đây rõ ràng là một nghịch lý, Nhưng nếu nhìn sâu vào lịch sử giải “chuyên nghiệp” như V. League, hiện tượng này lâu nay gần như đã được “bình thường hóa”.

Theo giới chuyên môn, để duy trì một CLB thi đấu ở một mùa V.League, các ông chủ của một đội bóng ít nhất phải bỏ ra ít nhất 60 tỷ đồng, đó là chưa kể đến cơ sở vật chất, duy trì lương thưởng các tuyến trẻ, mua sắm, lót tay cầu thủ chất lượng… Những CLB đại gia, số tiền đầu tư có thể lên đến hơn 100 tỷ đồng/năm. Cũng theo giới chuyên môn, sơ bộ HAGL hơn 10 năm qua đã tiêu tốn xấp xỉ 2.000 tỷ đồng cho “đam mê” bóng đá của bầu Đức. Nếu so sánh với 2 chức vô địch V.League và một số danh hiệu Á quân của các tuyến U của HAGL, khoản đầu tư này coi như lỗ nặng.

Nhưng bóng đá không chỉ có tiền. Cũng chính bầu Đức tuyên bố ông làm bóng đá không phải vì chức vô địch, mà là cho cầu thủ có cơ hội được đá bóng, là phục vụ khán giả, lớn hơn là cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Cũng chính ông bầu này đã trả lương cho HLV Park Hang-seo thay VFF năm đầu tiên của hợp đồng. Những cầu thủ của HAGL cũng được khán giả yêu mến với lối chơi quyến rũ, đạo đức và quan trọng nữa là đóng góp một phần cho sự thành công của đội tuyển bóng đá quốc gia những năm qua…

Lối làm bóng đá ở HAGL tuy có khác phần còn lại, nhưng tóm lại cũng cần tiền, rất nhiều tiền. Nhìn rộng ra, những giải nổi danh La Liga, Premier League, Seri A, Bundesliga, Ligue 1… tiền còn đổ vào bóng đá nhiều hơn.

Thoạt trông, bóng đá Việt Nam cũng theo quy luật ấy của thiên hạ, nhưng “uyển chuyển”, “biến hóa” hơn. Nói trắng ra, đó là cái “khác”, cái “đặc biệt” của V.League khi không áp dụng luật cân bằng tài chính như các đội bóng UEFA. V.League cũng “hơn” UEFA ở chỗ, có tiền thì tiêu thoải mái, hết tiền cứ giải thể CLB khỏe re, chẳng có chế tài nào ràng buộc… Cũng có thể, cứ dụng chiêu “tiền treo cột mỡ”, chẳng mất đi đâu mà ngại…

S.T