Tìm cách “gỡ khó” cho Dự án nạo vét sông Cổ Cò
Dự án khơi thông sông Cổ Cò - tuyến đường thủy từng là huyết mạch - nhằm hình thành trục đô thị kết nối giữa Quảng Nam với TP Đà Nẵng cũng như kỳ vọng là đòn bẩy để ngành du lịch của 2 địa phương phát triển, sau bao năm triển khai đến nay vẫn chưa thể “thông dòng” do gặp những khó khăn, vướng mắc...
Được biết, từ năm 2018 đến năm 2020, dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, xây dựng cầu Nghĩa Tự, cầu Nguyễn Duy Hiệu nối phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) và phường Cẩm An (TP Hội An) được tỉnh Quảng Nam phê duyệt, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) (gồm hai gói dự án -PV). Trong đó, quy mô vụ nạo vét đoạn sông từ Km0 đến Km14 đạt tiêu chuẩn sông cấp IV, xây dựng cầu Nghĩa Tự, cầu Nguyễn Duy Hiệu, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng.
Theo báo cáo, 2 cầu Nghĩa Tự và cầu Nguyễn Duy Hiệu, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành. Riêng dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò đoạn sông từ Km0 đến Km14 đến thời điểm hiện tại mới đạt gần 7.808.000m3 (khoảng 55% tổng khối lượng), không đáp ứng tiến độ thực hiện do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, việc triển khai thực hiện Dự án đoạn đi qua Điện Bàn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đoạn sông Cổ Cò chảy qua địa phận phường Điện Dương còn nhiều diện tích đất nông nghiệp, khoảng 5 ha chưa giải phóng mặt bằng, chưa lập phương án bồi thường); hơn 40 hộ dân đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường nhưng không đồng ý nhận tiền và có sự chồng lấn ranh giới dự án nạo vét sông Cổ Cò với các dự án chạy dọc sông… Nhằm giải quyết những vướng mắc này, thị xã Điện Bàn đã đề nghị tỉnh Quảng Nam bố trí ngân sách tỉnh để tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình còn lại, tiếp tục thực hiện việc chi trả tiền cho các hộ bị ảnh hưởng do bị thu hồi đất và được UBND thị xã Điện Bàn phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư. Ngoài ra, UBND thị xã Điện Bàn còn đề nghị có phương án giải quyết chồng lấn ranh giới giữa dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống ngập mặn sông Cổ Cò với 29 dự án khu đô thị, du lịch, dịch vụ được tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đã, đang thi công dọc 2 bên dòng sông này. Cùng đó, đề nghị Ban Quản lý (BQL) Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng thi công trong quý 3-2024 đối với đoạn Km0 - Km14. Riêng gói thầu nạo vét còn lại, tỉnh Quảng Nam xem xét tiếp tục bổ sung danh mục thực hiện bằng vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2026 - 2030…
Trước sự “ì ạch” của dự án, lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ… để hoàn thành việc nạo vét đoạn Km0-Km14 trước Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới, cố gắng trong đầu nhiệm kỳ 2026 - 2030 phải hoàn thành toàn tuyến… Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam giao BQL Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tìm các biện pháp tối ưu, phù hợp với quy định để tổ chức bán hơn 1,3 triệu m3 cát nạo vét từ lòng sông Cổ Cò để tạo nguồn thu cho ngân sách, tránh việc mưa lũ làm lượng cát vừa nạo vét xong bồi lắng lại lòng sông. Cụ thể, BQL Đầu tư xây dựng các dự án giao thông khẩn trương rà soát các nội dung chưa phù hợp trong phương án đấu giá đã duyệt để hoàn chỉnh thủ tục liên quan. Đồng thời nghiên cứu việc có thể phân chia khối lượng bán đấu giá theo từng điểm bãi chứa, hoặc theo lô, bán nhiều đợt để tổ chức bán đấu giá đảm bảo tính khả thi, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế phương án đấu giá đã duyệt… Ông Nguyễn Văn Thương- Phó Giám đốc BQL Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho biết, sau hai lần bán đấu giá không thành và đã quá thời hạn nên phải khảo sát lại giá tại thời điểm hiện tại để báo cáo cho tỉnh phê duyệt.
Hy vọng với những giải pháp đúng đắn cùng lòng quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam, những khó khăn sẽ dần được tháo gỡ để dự án nạo vét sông Cổ Cò sớm được khơi thông, hoàn thành, mở ra những cơ hội phát triển về kinh tế-văn hóa-xã hội… cho vùng đông Quảng Nam.
M.T