Tìm cách khơi thông nguồn lực, đưa kinh tế Đà Nẵng vượt khó

Thứ ba, 18/07/2023 06:50
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 12 sáng 17-7, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, kỳ họp này có  ý nghĩa quan trọng, các đại biểu sẽ thảo luận, bàn bạc cho ý kiến 140 tài liệu và biểu quyết thông qua nhiều chủ trương quan trọng, có tác động lớn, trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân TP.
Tiến độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công rất chậm.
Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (giữa), Phó Chủ tịch HĐND thành phố Trần Phước Sơn (bên trái) và Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi (bên phải) chủ trì kỳ họp.

Nhiều giải pháp đưa kinh tế vượt khó

Theo Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Phan Thị Tuyết Nhung, kết quả phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng 6 tháng qua chưa đảm bảo mục tiêu chủ đề năm khơi thông các nguồn lực đầu tư phát triển. GRDP có chiều hướng tăng trưởng chậm, mức đạt còn thấp so với kế hoạch; thu ngân sách chưa đạt 43% dự toán (đạt 10 ngàn tỷ), trong đó thu tiền sử dụng đất đạt thấp nhất trong nhiều năm qua, bằng 22,4% cùng kỳ; thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI đạt thấp, quy mô vốn nhỏ (64 dự án mới, tổng vốn 10,6 triệu USD). Bà Nhung nói, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn Đà Nẵng hiện gặp nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh bất động sản trầm lắng, hoạt động xây dựng từ vốn tư nhân giảm rõ rệt, trong khi ngành công nghiệp đang trên đà sụt giảm do hạn chế về đơn hàng. Chưa kể, đến nay TP vẫn chưa tìm kiếm được nhân tố mới tạo chuyển biến cho phát triển ngành công nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư phát triển ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn tới 71% trong tổng vốn đầu tư phát triển của TP nhưng 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 8 ngàn tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công của TP cũng rất chậm, chỉ đạt 1.362 tỷ đồng, hơn 17% kế hoạch. Bà Nhung nói, nhiều công trình trọng điểm, động lực của TP nhưng tiến độ triển khai chậm. Trong 50 công trình vốn ngân sách TP có 30 công trình chuyển tiếp giai đoạn trước sang nhưng đến nay sau 1/2 nhiệm kỳ thực hiện vẫn còn 21 công trình và 2 dự án thành phần mới đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư.

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu khai mạc kỳ họp.

Với thực trạng này, trong thời gian tới, bà Nhung cho rằng TP cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả khu phố đêm An Thượng, hình thành các điểm check in và đường hoa một số tuyến đường, tổ chức thêm nhiều lễ hội, sự kiện kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, TP cần đẩy nhanh thủ tục đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác các khu, cụm công nghiệp để sớm có quỹ đất thu hút đầu tư; rà soát tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Đặc biệt, TP cần chấn chỉnh công tác phối hợp quản lý quỹ đất cho thuê trên địa bàn, đồng thời tăng cường thanh tra trong quản lý, sử dụng tài sản công để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng bỏ sót, lãng phí.

Chủ tịch UBMTTQVN TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng đề nghị TP kịp thời có “Chính sách nhanh, hiệu quả” hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để ổn định sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm bền vững cho người lao động. Ngoài ra, cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng thông qua việc tháo gỡ, giải quyết các khó khăn vướng mắc còn tồn đọng, hỗ trợ tối đa trong thủ tục hành chính, hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn TP mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư. Ông Thắng cũng đề nghị chưa điều chỉnh hệ số giá đất sản suất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ trong thời điểm hiện nay.

Quản lý đô thị còn gây bức xúc

Nhiều vấn đề đô thị bức thiết với Đà Nẵng đã tồn tại dai dẳng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm, gây bức xúc cho người dân. Đơn cử như các điểm ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông cục bộ, thiếu bãi đậu đỗ xe ở trung tâm, chung cư nhà tập thể xuống cấp… Trưởng Ban Đô thị Nguyễn Thành Tiến nói, tình trạng chung cư, nhà tập thể xuống cấp chậm được giải quyết dứt điểm gây nhiều bức xúc và có nguy cơ mất an toàn; nhiều tuyến đường ngập cục bộ chưa được xử lý dứt điểm; dịch vụ xe buýt tuy được triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng mức độ bao phủ tuyến chưa đảm bảo, sản lượng khách chưa như kỳ vọng; tiến độ đầu tư các bãi đỗ xe khu vực trung tâm chậm… Ngoài ra, ông Tiến cho biết thêm, một số công trình động lực, trọng điểm như tuyến đường DT601, đường vành đai phía Tây, Trục I Tây Bắc… tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng tiến độ chậm, phải điều chỉnh, gia hạn nhiều lần, qua nhiều năm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khu vực dự án. Chưa kể, nhiều dự án hạ tầng dang dở chưa được đầu tư dứt điểm, nhiều lô đất trống khu vực trung tâm chậm đưa vào sử dụng gây ô nhiễm, lãng phí… “Việc chậm quy hoạch các điểm đổ xà bần, phế thải xây dựng dẫn đến tình trạng rác thải, xà bần đổ trái quy định tại các lô đất trống gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, trong khi đó, công tác kiểm tra, chế tài xử lý còn chưa triệt để”- ông Tiến nói.

Chủ tịch UBMTTQVN TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng nêu một số giải pháp phát triển kinh tế, quản lý đô thị.

Ông Ngô Xuân Thắng đề nghị TP cần quan tâm, đầu tư và dành nguồn lực cho việc chỉnh trang, tái thiết bộ mặt của đô thị TP. Hiện nhiều khu dân cư trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê hạ tầng xuống cấp, nhếch nhác chưa được quan tâm đầu tư. Trên các tuyến đường chính trung tâm TP, tình trạng lấn chiếm lề đường để kinh doanh buôn bán ngày càng nhiều; xe ô-tô, xe máy đậu đỗ không đúng quy định; một số khu vực các shipper thường hay tập trung để xe máy trên và dưới vỉa hè... gây mất mỹ quan đô thị. Cũng theo ông Thắng, rất nhiều ý kiến bức xúc trong nhân dân, đã kiến nghị nghiều lần cần phải được xử lý dứt điểm. Chẳng hạn tiến độ thi công nhiều công trình trọng điểm của TP quá chậm, kéo dài nhiều năm như: dự án Đường vành đai phía Tây, đường vành đai phía Nam, dự án cuối tuyến đường Bạch Đằng Đông (phường Nại Hiên Đông), các tuyến đường ĐH2, ĐT 601, triển khai các bãi đỗ xe ở khu vực trung tâm. Việc thi công các công trình kéo dài gây ô nhiễm môi trường, gây ngập cục bộ khi mưa như đường vành đai qua các thôn Nam Thành, Khương Mỹ (xã Hòa Phong), tuyến DH2 gây ngập úng cục bộ thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn); gây ách tắc giao thông (dự án thoát nước trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn)... Ngoài ra, vấn đề nợ đất tái định cư của người dân đã bàn giao đất (xã Hòa Bắc; dự án đường vành đai phía Tây), nợ quy hoạch, dự án chậm hoàn thiện, bàn giao kéo dài trong nhiều năm (dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn Hòa Liên...) đã gây bức xúc, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Phối hợp chậm, đùn đẩy, né tránh

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị cho biết, việc phối hợp giữa các sở ngành, địa phương trong triển khai các thủ tục về quy hoạch, đầu tư xây dựng, đất đai… còn tình trạng “hành chính”, đùn đẩy, né tránh, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư. Đơn cử, việc lập quy hoạch phân khu quá chậm khiến các dự án của người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi, gây bức xúc; trong khi công tác quy hoạch phát triển nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Tiến độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công rất chậm.

Hiện nay, việc quản lý tài sản công trên địa bàn Đà Nẵng còn nhiều thiếu sót, hạn chế, chưa khai thác hiệu quả, biến thành động lực để phát triển. Bà Phan Thị Tuyết Nhung cho biết, công tác quản lý quỹ đất cho thuê trên địa bàn TP chưa phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, dữ liệu báo cáo công đồng bộ. Chẳng hạn nhiều cơ sở đã hết thời hạn thuê đất nhưng vẫn chưa được gia hạn hoặc thu hồi theo quy định; một số trường hợp đã hết thời gian ổn định đơn giá thuê đất, mặt nước chu kỳ (2017-2021) nhưng đến nay chưa ban hành đơn giá cho chu kỳ tiếp theo; nhiều lô đất đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có biên bản bàn giao đất nên cơ quan thuế vẫn chưa có cơ sở dừng tính tiền thuê đất phải nộp… Cũng theo bà Nhung, nhiều nhà, đất công sản chưa được cập nhật, báo cáo tài sản đầy đủ, kịp thời; hơn 58% cơ sở nhà đất công sản chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý, rất nhiều cơ sở nhà đất chưa theo dõi hạch toán giá trị tài sản; một số cơ sở nhà đất cho thuê, liên danh, liên kết chưa đảm bảo quy định; một số cơ sở nhà đất còn bỏ trống, chưa sử dụng hiệu quả; việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công còn rất bị động.

Qua phản ánh và giám sát, Chủ tịch UBMTTQVN TP Ngô Xuân Thắng cho biết, công tác phối hợp giữa UBND, các sở ngành thành phố và cấp quận, phường trong thực hiện quy trình thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm dẫn đến khi hoàn thành hồ sơ, thủ tục thì gần như việc triển khai thi công vào mùa mưa bão. Cử tri TP rất lo lắng về chất lượng công trình phải hoàn thành trong điều kiện gấp rút. Đây cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn TP. Hiện công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch và chưa phân bổ 100% kế hoạch vốn được giao. Ông Thắng đề nghị phải có giải pháp khắc phục cụ thể, làm rõ trách nhiệm của từng ngành liên quan đến công tác phối hợp thực hiện.

HẢI QUỲNH