Tìm động lực mới lấy lại đà tăng trưởng cho Đà Nẵng

Thứ tư, 13/12/2023 06:55
Ngày làm việc đầu tiên (12-12) kỳ họp cuối năm 2023 của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Đặc biệt là chủ động nắm bắt cơ hội, tạo ra động lực tăng trưởng mới sẽ giúp Đà Nẵng giải quyết nhiều điểm nghẽn, cản trở phát triển hiện nay.
Tại kỳ họp này các đại biểu tập trung thảo luận nhiều giải pháp giúp phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng cho Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp.

Những điểm sáng phát triển

Nhìn nhận kết quả thực hiện năm 2023, các đại biểu cho rằng dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế - xã hội thành phố vẫn có nhiều điểm sáng. Nổi bật như quy mô kinh tế tăng gần 10 nghìn tỷ đồng; du lịch tăng gấp đôi số lượng khách so với năm 2022; công tác chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả và giải thưởng quan trọng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với việc thành phố phê duyệt các quy hoạch phân khu, tạo cơ sở quan trọng để triển khai các dự án trong thời gian tới. Các chương trình an sinh xã hội của thành phố được duy trì thực hiện tốt với những chính sách đặc thù, riêng có; đời sống nhân dân được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Bên cạnh đó, thành phố đã sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 119 của Quốc hội, gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đồng thời nỗ lực làm việc với Trung ương, với Quốc hội, với Chính phủ để đề xuất có thêm nhiều cơ chế chính sách đặc thù, tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho phát triển thành phố mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.Tuy vậy, kinh tế của thành phố cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Bà Phan Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban kinh tế-Ngân sách cho biết, lĩnh vực xây dựng giảm mạnh, thu hút vốn đầu tư xã hội đạt thấp, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giảm 14,6%; thị trường bất động sản thành phố tiếp tục “đóng băng”. Nhiều dự án dừng, chậm thi công; rất ít dự án khởi công mới ngoài một số dự án vốn ngân sách, một phần do doanh nghiệp khó khăn về tài chính, một phần còn nhiều vướng mắc trong công tác thực hiện các thủ tục, nhất là xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai; về quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy... dẫn đến số vốn triển khai trên thực tế chiếm tỷ lệ thấp so với số vốn đăng ký. Việc tháo gỡ khó khăn và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư các khu công nghiệp mới vẫn còn chậm. Khả năng lựa chọn nhà đầu tư cho các khu công nghiệp mới vẫn còn kéo dài. Việc chậm trễ đầu tư mới hình thành các khu, cụm công nghiệp sẽ làm ảnh hưởng đến điều kiện và lợi thế để thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển công nghiệp của thành phố đặt ra đến năm 2030 đạt 30% GRDP trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế thành phố.

Cũng theo bà Nhung, lĩnh vực du lịch của thành phố hiện nay đang chịu sự cạnh tranh rất quyết liệt của những điểm đến khác; thành phố chưa khôi phục được nguồn khách Trung Quốc. Ngoài ra, một khó khăn, hạn chế được lặp đi lặp lại trong thời gian khá dài, dù đã có chỉ đạo quyết liệt song kết quả trên thực tế vẫn chưa chuyển biến đáng kể, đó là kết quả giải ngân vốn đầu tư công khá thấp. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn rất chậm, vẫn là điểm nghẽn gây ảnh hưởng tiến độ thi công dự án. Hiện nay, còn tình trạng “vốn chờ thủ tục”, nhiều dự án đã được HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư nhưng đến nay chưa phê duyệt dự án.

Cần tạo ra động lực mới để bứt phá

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu khai mạc kỳ họp.

Trong bối cảnh khó khăn, Đà Nẵng đang vướng nhiều “điểm nghẽn” cản trở phát triển, vì thế nhiều đại biểu cho rằng phải tìm ra động lực tăng trưởng mới, dựa trên lợi thế cạnh tranh của thành phố. Trong đó, thành phố có nhiều cơ hội để phát triển công nghệ cao, công nghệ vi mạch bán dẫn, xây dựng những khu phi thuế quan, trung tâm tài chính quốc tế. Đây là những động lực tăng trưởng mới rất mạnh mẽ, nếu nắm bắt, tận dụng tốt, sẽ giúp Đà Nẵng phát triển bứt phá trong thời gian tới. Để phát triển được những lĩnh vực này cần những cơ chế, chính sách đặc thù. Thành phố đã đề xuất trung ương, tới đây sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Trưởng Ban Đô thị Nguyễn Thành Tiến cho biết, thành phố cần sớm hoàn thành việc xây dựng, trình Trung ương phê duyệt cơ chế chính sách đặc thù, đột phá, nổi trội để thúc đẩy phát triển thành phố theo mục tiêu Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, thành phố cần chủ động triển khai có hiệu quả, bảo đảm tiến độ các nội dung quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung triển khai ngay các dự án ưu tiên, dự án tạo động lực phát triển; trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) hoàn thành trong quý 1-2024; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các bản án, kết luận thanh tra, kiểm toán để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư.

Theo bà Phan Thị Tuyết Nhung, để phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng thành phố cần tập trung thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI lớn mang tính dẫn dắt, uy tín, có thị trường tiêu thụ tốt; thực hiện theo lộ trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu, đề xuất chính sách để thành phố nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, bà Nhung cũng cho biết, thành phố cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng phù hợp; nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút đầu tư, xem đầu tư công là “vốn mồi” để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài xã hội; nghiên cứu các dự án cụ thể thực hiện hợp tác công - tư. Năm 2024, thành phố cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch; đơn giản hoá rút ngắn quy trình thủ tục; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Công bố phiếu tín nhiệm 26 chức danh lãnh đạo chủ chốt

Chiều 12-12, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 26 người giữ chức danh do HĐND TP bầu. 50/51 đại biểu HĐND TP có mặt tại kỳ họp đã tiến hành ghi phiếu tín nhiệm với các chức danh. Theo đó, những người giữ chức danh có số phiếu tín nhiệm cao nhiều gồm ông Lương Nguyễn Minh Triết-Chủ tịch HĐND TP với 49 phiếu, ông Trần Phước Sơn-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP với 46 phiếu, ông Lương Công Tuấn-Trưởng Ban Pháp chế với 47 phiếu, bà Nguyễn Thị Anh Thi-Phó Chủ tịch HĐND TP với 45 phiếu, ông Lê Trung Chinh-Chủ tịch UBND TP với 44 phiếu.

Tại kỳ họp này các đại biểu tập trung thảo luận nhiều giải pháp giúp phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng cho Đà Nẵng.

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 26 người giữ chức vụ do HĐND bầu, đảm bảo nguyên tắc và quy trình theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Đây là việc để HĐND thành phố thực hiện quyền giám sát của mình, đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và dự báo tình hình thế giới, trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến thành phố. Đề nghị các đại biểu thảo luận, thảo luận sâu, làm rõ tính khả thi, các giải pháp đột phá để các cơ quan chủ trì tiếp thu, giải trình trước khi Hội đồng nhân dân thành phố quyết nghị, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế, nhất là đối với các nội dung quan trọng làm cơ sở đề ra các nhiệm vụ, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm trong năm 2024 để thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024 là: “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” và đạt các mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị Thành ủy lần thứ 14 đã đề ra. Trọng tâm là xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, công nghệ AI phát triển nhằm tạo nền tảng cho sự bứt phá của thành phố trong thời gian đến. Đặc biệt, tăng cường giám sát các vấn đề nổi cộm, cử tri và Nhân dân quan tâm; đặc biệt, tăng cường giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 34 ngày 27-10-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.

Cũng theo Bí thư Thành ủy, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu là hoạt động giám sát rất quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Thông qua đó, người được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong thời gian tới. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ tiếp tục giúp cho hoạt động của bộ máy nhà nước có những bước phát triển mới, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thành phố có đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

HẢI QUỲNH