Tìm giải pháp phát triển bền vững đô thị mới Hòa Vang

Thứ bảy, 01/06/2024 06:35

Tại Hội thảo khoa học "Đô thị mới Hòa Vang- Tầm nhìn và thách thức" diễn ra hôm 31-5, các chuyên gia đã đề cập những mô hình phát triển đô thị mới Hòa Vang, giải pháp khắc phục những bất cập để thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như giải pháp kết hợp khai thác du lịch sinh thái trong đô thị Hòa Vang. Đây là Hội thảo khoa học quy mô có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành…

GS.TS Nguyễn Quốc Thông chia sẻ tại Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Đinh Thế Vinh- Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết, theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, năm 2025 Hòa Vang đủ điều kiện thành lập thị xã với chức năng là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế đa ngành, cửa ngõ kết nối với các huyện Tây Bắc Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên, có hạ tầng kỹ thuật xã hội đồng bộ. Trung tâm hành chính của thị xã dự kiến đặt tại Hòa Phong, khu vực đô thị hóa được xác định tại 11 xã hiện hữu phát triển thành 9 phường gồm Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Khương và Hòa Nhơn. Theo ông Vinh, khu vực cần tập trung nghiên cứu chủ yếu trong bản Quy hoạch chung đô thị mới Hòa Vang sắp đến sẽ nằm tại khu vực phân khu dự trữ phát triển trên địa bàn các xã Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Khương và Hòa Phong. Đây là khu vực vô cùng thuận lợi để phát triển đô thị với vị trí nằm giữa Cẩm Lệ và trung tâm đô thị huyện lỵ Hòa Vang, đô thị sườn đồi, hơn nữa hạ tầng đã được đầu tư hoàn thiện để kến nối với các khu vực khác như đường cao tốc, đường 1A, 14B, vành đai phía Tây, ADB5 Hòa Phong- Hòa Tiến…

Từ yêu cầu trên, để phát triển Hòa Vang đồng bộ, hài hòa rất cần chuyên gia tư vấn, đóng góp các giải pháp, nhất là giải pháp phát triển đô thị hài hòa với cộng đồng dân cư bản địa, văn hóa địa phương; giải pháp phát triển đô thị gắn với đô thị cũ và tầm nhìn lâu dài thì Hòa Vang sẽ là khu vực mở rộng của đô thị loại I Đà Nẵng.

KTS Tô Văn Hùng- Bí thư huyện ủy Hòa Vang cho biết, sự phát triển nhanh chóng của Hòa Vang trong thời gian qua đang làm biến dạng hệ sinh thái đặc trưng. Những tuyến đường giao thông huyết mạch chia cắt những khu rừng, mảng xanh, nhiều thôn xóm lâu đời đã bị xóa đi. Đa dạng sinh học ở Hòa Vang cũng đang đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng bởi tình trạng các khu tái định cư xây dựng tràn lan; các tuyến giao thông kết nối mở ra cho lĩnh vực kinh tế nhiều cơ hội phát triển. Nhưng đây là con đường ngắn nhất cho sự xâm phạm môi sinh ở hệ sinh thái phía Tây Đà Nẵng.

Cũng theo KTS Tô Văn Hùng, Hòa Vang là vùng đất hội đủ nhiều lợi thế từ vị trí, vai trò, điều kiện tự nhiên, đặc trưng địa hình cho đến văn hóa-lịch sử, kinh tế-xã hội, tuy nhiên kiến trúc cảnh quan Hòa Vang chưa tạo dựng được dấu ấn cảnh quan đặc trưng. Chất lượng sống của các cộng đồng dân cư cũng chưa cao, chưa tạo được bản sắc, văn hóa và lối sống riêng cho cộng đồng này.

Từ thực tế đó, KTS Tô Văn Hùng nêu ra 6 giải pháp tổ chức không gian cảnh quan cho Hòa Vang phát triển bền vững. Cụ thể, cần giữ gìn sự đa dạng sinh học, cần thiết kế hài hòa với các nguyên tắc của tự nhiên, đảm bảo tính gắn kết giữa các nhân tố cảnh quan, phát triển đô thị ở mức phù hợp với "ngưỡng" của môi trường, phục hồi hệ sinh thái bằng cách "chữa lành" những tổn thương do con người gây ra, duy trì mảng xanh và hồ điều tiết trong đô thị.

GS.TS Nguyễn Quốc Thông chia sẻ tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Phan Đăng Sơn cho rằng, Hòa Vang hội tụ cả điều kiện tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch sinh thái. Ngoài giá trị văn hóa, lối sống, con người rất hấp dẫn du khách thì Hòa Vang có núi rừng, lại rất gần biển. Nếu phát triển du lịch sinh thái tốt, Hòa Vang sẽ giúp Đà Nẵng là đô thị trực thuộc Trung ương có hình thái đặc sắc núi rừng, đồng bằng, biển cả ít đô thị trên thế giới có được. Dẫn chứng chỉ một chiếc Cầu Vàng ở Bà Nà đã thu hút khách quốc tế đến gấp 2-3 lần, nhưng ông Sơn cho rằng Hòa Vang đầu chỉ có mỗi Bà Nà, cả một miền đồi núi rộng lớn, nhiều tiềm năng mà du lịch sinh thái vẫn ngủ yên. "Có nhiều mô hình làm du lịch sinh thái, làng trong phố, phố trong rừng… Hòa Vang cần tận dụng cơ hội lớn này để phát triển", ông Sơn nói.

Theo quy hoạch, Hòa Vang sẽ có vành đai kinh tế phía Bắc là công nghiệp công nghệ cao và cảng biển-logistics, vành đai phía Nam là vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. KTS Ngô Trung Hải- Phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam cho biết, Hòa Vang cần tập trung phát triển vành đai kinh tế phía Bắc, trọng tâm là logistics. Cần hiểu logistics không chỉ là cảng biển, kho vận, mà đằng sau nó là hậu cần cảng, các khu vực sản xuất, dịch vụ, thương mại, tức là một khu vực tích hợp tổng thể.

Ngoài các ý kiến trtên, Hội thảo cũng ghi nhận nhiều giải pháp giá trị giúp Hòa Vang vượt qua những thách thức đang đối diện để phát triển hài hòa, bền vững.

HẢI QUỲNH