Tín dụng xanh - đòn bẩy thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
Năng lượng tái tạo đang đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện các chương trình, chính sách tín dụng xanh cho các dự án năng lượng tái tạo vẫn còn hạn chế.
Làm thế nào để tín dụng xanh trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, dưới đây là chia sẻ của Thạc sỹ Đặng Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam tại Diễn đàn "Kết nối Tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh" tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 9-5 vừa qua.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu điện năng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần phát triển thêm từ 10 - 12 gigawat (GW) năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác) với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 34 tỷ USD. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu nói trên đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Trước hết là về chính sách chung: việc thiếu khung tiêu chí thống nhất để xác định dự án xanh khiến quy trình thẩm định tín dụng kéo dài, gây chậm tiến độ đầu tư, do đó, việc triển khai còn đối mặt với nhiều khó khăn. Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7-8-2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhưng hiện nay, hệ thống pháp lý liên quan đến tín dụng xanh vẫn chưa hoàn thiện; các tiêu chí xác định dự án xanh, quy trình thẩm định và giám sát rủi ro môi trường còn thiếu… Do vậy, vì lo ngại rủi ro nên các tổ chức tín dụng vẫn còn thận trọng trong việc cấp tín dụng quy mô lớn và dài hạn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đơn cử như trường hợp của Tập đoàn Trung Nam đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 1,6GW và tổng doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 26.000 tỷ đồng mà Tập đoàn Trung Nam đang vay tại các tổ chức tín dụng để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo thì không có khoản vay nào được ưu đãi theo Chương trình tín dụng xanh (về lãi suất, về hạn mức, về thời gian cung cấp tín dụng, v.v…). Thời điểm Tập đoàn Trung Nam thực hiện các dự án năng lượng tái tạo này, các chính sách về tín dụng xanh chưa rõ ràng và cũng không có bất cứ hướng dẫn cụ thể nào hoặc tổ chức nào đứng ra đại diện để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn này. Tiếp đến, là nhận thức về lợi ích dài hạn của dự án xanh trong cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Khoảng 20% dự án bị từ chối cấp vốn do thiếu chứng nhận ESG (Bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng) hoặc không đạt yêu cầu về báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu cao và thời gian hoàn vốn dài cũng làm giảm động lực trong các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai các dự án xanh.
Để tín dụng xanh thực sự là động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực năng lượng tái tạo, cần sự chung tay của cả Nhà nước, tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất là hoàn thiện khung pháp lý, cần sớm ban hành tiêu chí, danh mục phân loại dự án xanh thống nhất để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, xét duyệt nhanh chóng; Nhà nước cũng cần ban hành hướng dẫn chi tiết về báo cáo tác động môi trường và chứng nhận ESG cho các doanh nghiệp. Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm tài chính xanh: các tổ chức tín dụng cần phát triển các gói tín dụng phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực như: bất động sản khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, giao thông xanh, nông nghiệp hữu cơ... Thứ ba, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo: cần tăng cường đào tạo cho đội ngũ cán bộ tín dụng về đánh giá rủi ro môi trường - xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp trong lập hồ sơ vay vốn xanh; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về cơ hội và lợi ích khi chuyển đổi xanh. Thứ tư, khuyến khích hợp tác quốc tế: thu hút các tổ chức tài chính quốc tế tham gia cấp vốn, bảo lãnh tín dụng hoặc đồng tài trợ cho các dự án xanh. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các quỹ đầu tư xanh quốc tế. Thứ năm, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ tín dụng xanh: bao gồm việc kết nối các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tổ chức chứng nhận ESG, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước thành một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình triển khai tín dụng xanh.
PHÚ NAM