Tình hình sản xuất công nghiệp: Phục hồi nhưng vẫn khó

Thứ tư, 04/09/2013 10:12

* Nhiều DN ngành Thép dự kiến tăng giá trong tháng 9

(Cadn.com.vn) - Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi, đặc biệt là chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng - là thông tin được ông Huỳnh Tất Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội nghị giao ban tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 8 và 8 tháng của năm 2013, tổ chức ngày 3-9, tại Hà Nội.

Những tín hiệu vui

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 5,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,9%; sản xuất và phân phối điện năng tăng 8,4%... Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có tốc độ tăng cao gồm: khai thác khí đốt tự nhiên, sản xuất đồ uống, dệt, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy, sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất...

Về tình hình tiêu thụ, toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 chỉ tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 9,2% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành tiếp tục có mức tiêu thụ tăng ổn định như: sản xuất bia tăng 9%; sản xuất thuốc lá tăng 6%; sản xuất giày, dép tăng 30,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 23,4%...

Ông Huỳnh Tất Thắng cho biết, về chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tại thời điểm ngày 1-8-2013 tăng 9% so với cùng thời điểm năm 2012, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho cao như: sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 25,7%; sản xuất đồ uống tăng 59,6%; sản xuất mô-tô, xe máy tăng 81,6%... Những ngành có chỉ số tồn kho giảm nhiều so với cùng thời điểm năm 2012 gồm: sản xuất vải dệt thoi giảm 28,3%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ giảm 3,9%...

Xuất khẩu gạo cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Thép, gạo vẫn khó

Mặc dù có sự cải thiện trong ngành công nghiệp, tuy nhiên một số ngành sản xuất công nghiệp vẫn đang rất khó khăn như ngành thép, ngành phân bón và hóa chất... Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ngành thép hiện đang rất khó khăn, đầu vào tăng nhưng đầu ra không tăng vì sức tiêu thụ kém. Hiệp hội đang phải can thiệp vì một số DN hiện đang bán sản phẩm dưới giá thành. Dự kiến tháng 9, nhiều DN thép buộc phải điều chỉnh tăng giá. Ông Nghi cho biết thêm, trong 7 tháng, lượng tiêu thụ thép tăng 3%, điều này là do xuất khẩu tăng chứ không phải do sức tiêu thụ của thị trường. Để giảm lượng thép tồn kho, ngoài 4 DN đang xuất khẩu hiện nay, Hiệp hội khuyến khích các DN thép khác tăng cường xuất khẩu.

Khó khăn lớn nhất của ngành thép vẫn là thị trường tiêu thụ, để tháo gỡ khó khăn này, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có những biện pháp kích thích đầu ra cho ngành thép. Để giảm giá thành đầu vào, Hiệp hội thép đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế tài nguyên đối với quặng sắt, đồng thời kiến nghị các ngành chức năng xử lý thép nhập lậu từ Trung Quốc đang trà trộn vào Việt Nam.

Ngoài ra, một vấn đề cũng được nhiều ý kiến tham gia tại hội nghị là tình hình xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sản lượng xuất khẩu gạo của tháng 8 chưa được cải thiện nhiều, số lượng tính đến ngày 29-8, cả nước mới xuất khẩu được 521 nghìn tấn. So với kế hoạch đề ra 750 nghìn tấn thì không đạt. Như vậy, liên tục 2 tháng, xuất khẩu gạo không đạt kế hoạch đề ra. Lũy kế từ 28-1-2013 đến ngày 29-8, cả nước mới xuất khẩu được 4,6 triệu tấn gạo với trị giá khoảng 2 tỷ USD, so với cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm 9% và giảm 12% về giá trị. Có thể thấy, tình hình xuất khẩu gạo 4 tháng còn lại là rất khó khăn, với mục tiêu phấn đấu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo. Để đạt được mục tiêu này cần phải có nhiều biện pháp tích cực. Tuy nhiên, thị trường thế giới đang diễn biến bất lợi cho xuất gạo của Việt Nam, ảnh hưởng lớn nhất là do một số nước đang vào mùa thu hoạch như Ấn Độ, Trung Quốc, bên cạnh đó là Thái Lan đang xả gạo tồn kho. Điều này sẽ làm giá gạo trên thị trường xuống thấp.

Để tháo gỡ khó khăn hiện nay, Hiệp hội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gia hạn thời gian tạm trữ lúa gạo đến hết ngày 15-10 tới để triển khai mua thêm 300 nghìn tấn quy gạo. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị cấp thêm giấy phép cho các DN tham gia xuất khẩu gạo hiện nay.

Q.T