Tỉnh táo với nguyên tắc "3 không" để tránh "bẫy lừa" công nghệ
Đến nay, bà L.T.H. (huyện Krông Ana) vẫn chưa hết sốc về chuyện bị lừa hết tài sản sau khi nghe một cuộc điện thoại của người lạ. Bà H. kể, cuối tháng 5-2022, có một người tự nhận là nhân viên công ty bảo hiểm điện thoại đến số di động của bà, thông báo bà liên quan đến một vụ án mật của Bộ Công an, yêu cầu bà không được tiết lộ nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình. Đối tượng nói bà H. mang hồ sơ đến công ty để xác nhận thông tin và hứa bồi thường nếu thông tin trên là sai. Để tăng thêm uy tín, nhân viên bảo hiểm nối máy cho bà H., gặp một cán bộ của Bộ Công an trao đổi rõ ràng.
Muốn chứng minh không liên quan gì đến vụ án, bà H. đã làm theo hướng dẫn của đối tượng mạo danh là cán bộ của Bộ Công an. Vị cán bộ giả này đã gửi một đường link qua tin nhắn điện thoại của bà H. để điền thông tin cá nhân theo hướng dẫn. Khi vừa hoàn tất các bước thì số tiền hơn 2 tỷ đồng trong tài khoản của bà H. cũng “bay” theo.
Đầu tháng 5-2022 Công an xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) phát hiện tài khoản Facebook Hoang Truong chia sẻ bài viết trên nhóm Ea Bar Hội - Buôn Đôn với nội dung: Cha mất sớm, bản thân bị tàn tật, gia cảnh khó khăn nên gia đình phải chuyển từ tỉnh Đắk Lắk vào tỉnh Bình Dương kiếm sống, có em trai tử vong do bị TNGT ở Bình Dương... Vì không có tiền mai táng cho em trai nên đăng bài viết kêu gọi sự chia sẻ, giúp đỡ. Bài viết còn đăng kèm 2 số tài khoản ngân hàng và ảnh hương án đặt trước hình một người nằm trên giường, phủ kín bằng khăn trắng, cùng giấy chứng minh nhân dân người em trai tên Hoàng Công Thành, sinh ngày 14-6-1998, hộ khẩu thường trú tại tỉnh lộ 1, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk; trích lục khai tử của UBND xã Ea Nuôl, xác nhận ngày 29-4-2022, khai tử đối với công dân Hoàng Công Thành. Tuy nhiên, qua xác minh của Công an xã Ea Nuôl, không có công dân tên Hoàng Công Thành như bài viết nói đến. UBND xã Ea Nuôl khẳng định không trích lục khai tử công dân có tên Hoàng Công Thành.
Theo cơ quan Công an, hiện nay các đối tượng lừa đảo thường hoạt động theo băng nhóm, rất tinh vi và có hiểu biết sâu về công nghệ. Thủ đoạn mà các đối tượng hay sử dụng như: giả danh cơ quan thực thi pháp luật; “bẫy tình” trên mạng xã hội: chuyển tiền làm từ thiện; mua bán hàng trực tuyến; nâng cấp app ngân hàng; trúng thưởng; hack Facebook, Zalo, lừa đảo mượn tiền; tìm người làm việc online tại nhà; mạo danh công ty tài chính; giả vờ chuyển tiền nhầm để ép vay tiền; nâng cấp sim 4G để chiếm đoạt tài sản...
Do đó cơ quan Công an khuyến cáo, người dân cần tỉnh táo và hiểu rõ nguyên tắc “3 không” để đảm bảo an toàn cho tài sản của chính mình, đó là: Không cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ ai khi chưa rõ nhân thân và lai lịch. Không nghe và thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định khi chưa có sự xác minh; các cơ quan thực thi pháp luật như Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân khi làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi về địa chỉ nhà. Không truy cập, cài đặt các ứng dụng, đường link từ email, tin nhắn SMS, trang mạng xã hội... không rõ nguồn gốc.
P.V