Tình yêu nghề của những người lính trẻ trên mặt trận chống “giặc lửa”
Mỗi nhiệm vụ chữa cháy hay cứu hộ đều là một bài kiểm tra nghiệt ngã về lòng can đảm và bản lĩnh. Bằng tinh thần thép tôi luyện trong gian khó, những người lính trẻ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng đã lập nên nhiều chiến công và lấy đó làm động lực để yêu nghề hơn mỗi ngày.
Ngày kỷ niệm đặc biệt của chàng lính trẻ
Chiều tối 11-9, trên cầu Thuận Phước, đám đông bắt đầu tụ tập, dồn mắt hướng lên phía thành cầu, nơi một nam thanh niên đang đứng lơ lửng ngoài lan can. Đúng vào ngày kỷ niệm 11 năm Thượng úy Nguyễn Hồng Linh (1995) gia nhập hàng ngũ lực lượng PCCC và CNCH, một thử thách quan trọng đã đặt lên vai anh.
Công tác tại Đội Công tác chữa cháy và CNCH thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng, anh đã quá quen với tiếng còi hú báo động bất kể giờ nào. Nhận được tin báo nam thanh niên có ý định tự tử tại cầu Thuận Phước, Linh và đồng đội nhanh chóng đến hiện trường. Nơi đây, Linh nhìn thấy hình ảnh người nam thanh niên trạc tuổi mình đứng giữa hai thế giới, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Ánh mắt của nam thanh niên là một bức tranh hỗn loạn của nỗi đau, tuyệt vọng và sự bất lực. Khoảnh khắc này không chỉ là nhiệm vụ, nó mang ý nghĩa lớn lao hơn cả khi quyết định sống chết của một con người phụ thuộc vào sự can đảm và khéo léo của Linh và đội cứu hộ.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, Thượng úy Hồng Linh đã tham gia hàng chục vụ cứu nạn, cứu rất nhiều người trong các tình huống phức tạp như: tai nạn giao thông, vượt lũ dữ, sập đổ công trình… nhưng đây là lần đầu tiên anh đảm nhận nhiệm vụ khuyên can một người từ bỏ ý định nhảy cầu. “Phải làm gì để cứu người này?”, Linh nghĩ trong đầu. Nhưng với anh, đây không chỉ là một nhiệm vụ chuyên môn. Nó còn là nhiệm vụ của trái tim. Đứng trên cầu, Linh bắt đầu tiếp cận người thanh niên một cách từ tốn, nhẹ nhàng. Giọng nói của Linh, dù mạnh mẽ nhưng lại rất dịu dàng, chứa đựng sự thấu hiểu và đồng cảm. Trong những phút căng thẳng đó, Linh đã xây dựng một cầu nối tinh thần với nạn nhân, giúp cảm nhận được sự hiện diện của hy vọng.
“Những khoảnh khắc như vậy, đôi khi chỉ một cái nhìn, một câu nói đúng lúc có thể cứu được một mạng người”, Linh nhớ lại. Anh biết rằng, mình không chỉ phải hành động nhanh, mà còn cần phải tinh tế để có thể tiếp cận nạn nhân mà không làm họ hoảng loạn thêm. Sau lời khuyên can, nam thanh niên vẫn im lặng, nhưng đôi mắt dường như đã không còn lạnh lẽo như trước. Ánh mắt ấy giờ đây đang tìm kiếm, do dự giữa hai con đường buông xuôi hay níu giữ. Linh cùng đồng đội quyết định mang bảo hộ để leo ra lan can, tiếp cận gần hơn… Anh vẫn kiên trì, kể những câu chuyện về sự vượt qua khó khăn, về những người đã tìm lại niềm tin sau khi đối mặt với tuyệt vọng. Trong khoảnh khắc nghẹt thở ấy, nam thanh niên quyết định quay đầu. Đám đông phía sau đứng quan sát vỡ òa trong niềm hân hoan.
Sự việc kết thúc, Thượng úy Linh cùng các đồng đội lại tiếp tục về ăn bữa cơm chiều còn dang dở và trực sẵn sàng chiến đấu. 11 năm trong ngành, mỗi khoảnh khắc đều là bài học, sự can đảm, hy sinh và kỷ niệm để yêu nghề hơn đối với những người lính trẻ như anh.
Yêu nghề qua từng khoảnh khắc
Dù gắn bó với nghề “người ta chạy ra, còn mình chạy vào” chưa lâu, Trương Văn Trung (1999), một chàng lính nghĩa vụ trẻ tuổi công tác tại Đội Khu vực 1 thuộc Phòng Cảnh sát Phòng PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng cũng thể hiện tình yêu nghề qua bộ ảnh mang tên “Đi trong khói lửa”. Bộ ảnh ghi lại những khoảnh khắc chân thực và cảm động trong quá trình tập luyện và chiến đấu với hiểm nguy.
Trước khi trở thành một người lính nghĩa vụ, Trung từng tốt nghiệp ngành Cử nhân báo chí, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Với tình yêu dành cho nhiếp ảnh và sự kính trọng đối với công việc của mình, Trung đã sử dụng máy ảnh để lưu giữ lại những khoảnh khắc. Album “Đi trong khói lửa” không chỉ đơn thuần là những bức ảnh về đám cháy hay các cuộc cứu nạn. Mỗi bức ảnh đều chứa đựng một câu chuyện riêng, phản ánh sự nỗ lực không ngừng của những người lính cứu hỏa trong từng giây phút căng thẳng nhất, cả những lúc tập luyện hay chiến đấu. Những bức ảnh của Trung mang đến cho người xem cái nhìn sâu sắc về công việc đầy hiểm nguy, đồng thời thể hiện sự đồng cảm, tình yêu và lòng tự hào với nhiệm vụ anh đang thực hiện.
Trung chia sẻ, do yêu cầu công việc nên anh chỉ tranh thủ chụp những lúc đơn vị tổ chức thực tập phương án hoặc huấn luyện. Thỉnh thoảng mới được cầm máy thay vì cầm lăng trong các vụ cháy nên số lượng ảnh lúc chiến đấu không nhiều. “Em muốn những bức ảnh của mình không chỉ là một cuốn nhật ký hình ảnh về quãng thời gian thực hiện nghĩa vụ mà còn là một lời tri ân đến những người đồng đội, những con người ngày đêm lao vào hiểm nguy để bảo vệ sự an toàn cho nhân dân. Em cũng sẽ cố gắng phấn đấu hết mình để có thể được ở lại tiếp tục cống hiến trong lực lượng Công an nhân dân”, Trung tâm sự.
Thành công của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng không đến từ những cá nhân đơn lẻ, mà là sự gắn kết chặt chẽ của cả đội ngũ. Những người lính trẻ hôm nay đang từng bước tiếp nối truyền thống hào hùng của những thế hệ đi trước. Họ không chỉ học hỏi từ các tiền bối, mà còn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện bản lĩnh để đối mặt với những thử thách trong tương lai. Và đặc biệt đó là tình yêu với nghề, sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy để bảo vệ sự bình yên.
MAI VINH