Tổ chức lại công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Quảng Nam: Nâng cao vai trò cộng đồng thôn, bản
Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX vừa qua, vấn đề quản lý, bảo vệ rừng (BVR) trên địa bàn tỉnh được các đại biểu quan tâm, đưa ra thảo luận. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo Đề án tổ chức lại công tác quản lý, BVR trên địa bàn H. Nam Giang - địa phương được UBND tỉnh chọn để áp dụng thí điểm đề án trên.
Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam nêu giải pháp BVR tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam vừa qua. |
Theo báo cáo, Quảng Nam hiện còn hơn nửa triệu héc-ta rừng tự nhiên, được giao cho 4 ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng và 7 BQL rừng phòng hộ làm chủ rừng. Tuy có nhiều nỗ lực song thời gian qua, địa phương này liên tục xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn; khi xảy ra phá rừng thường đá bóng trách nhiệm do bộ máy giữ rừng cồng kềnh, chồng chéo... Vì vậy, Quảng Nam đang tiến hành cải tổ triệt để bộ máy giữ rừng theo hướng tinh gọn theo hướng mỗi huyện chỉ có một Hạt Kiểm lâm, tách Hạt Kiểm lâm ra khỏi BQL rừng, quy trách nhiệm cho lãnh đạo huyện, xã.
Song, việc cải tổ này cũng khiến chính quyền cơ sở và cả ngành Kiểm lâm băn khăn. Cụ thể như Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có diện tích 75.000ha nằm trên 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, nếu giao rừng về cho địa phương có nghĩa là khu bảo tồn này tách làm 2 do 2 huyện quản lý. Điều này trái với Nghị định 117 của Chính phủ. Còn nếu để như hiện nay Kiểm lâm kiêm luôn BQL rừng chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”...
Bên cạnh đó, các địa phương miền núi cũng nhìn nhận nguyên nhân xảy ra phá rừng một phần do liên quan công tác quản lý cấp ủy, chính quyền; bố trí Kiểm lâm thiếu đồng bộ; chính sách giao khoán rừng cho người dân còn nhiều bất cập; đơn giá giao khoán BVR không phù hợp, chưa có sự đồng nhất... Trước sự bất hợp lý trên, nhiều ý kiến cho rằng nên giao khoán rừng cho nhóm hộ theo diện tích và số lượng cây có trong đó.
Lực lượng Kiểm lâm Quảng Nam kiểm tra, bảo vệ một khu rừng lim. |
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng cho rằng, nên quy định chi tiết việc giao khoán BVR theo hướng thay đổi hình thức giao khoán BVR từ nhóm hộ sang giao khoán cho cộng đồng thôn, bản. Theo đó cần có định mức giao khoán về diện tích, đơn giá, số người tham gia nhằm đảm bảo thu nhập, lựa chọn những cá nhân đủ sức khỏe, có tâm huyết tham gia BVR. Kiểm lâm địa bàn, cán bộ lâm nghiệp cấp xã chịu trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ, theo dõi, đôn đốc, tham gia tuần tra, đánh giá hiệu quả công việc của các đội tuần tra và cùng chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Nêu giải pháp về công tác BVR, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, cần có cách tiếp cận mới về giữ rừng, nghiên cứu khoán BVR cho lực lượng Kiểm lâm; nâng cao vai trò trách nhiệm của chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. Cho nên xem xét sắp xếp bộ máy, cán bộ cần thiết để bổ sung, bố trí các lực lượng giữ rừng phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể...
Bão Bình