Tổ dân phố “rất khác” ở Hòa Xuân mong ngày gỡ quy hoạch “treo”
Đi không được, ở không xong
Cẩm Lệ là địa phương được xem là có sự chỉnh trang đô thị vượt trội, trong đó P. Hòa Xuân được xem là phường duy nhất cả nước không có kiệt, hẻm. Tuy nhiên vẫn còn dải đất ven sông Cẩm Lệ rộng chừng 20ha, đoạn từ cầu Cẩm Lệ đến cầu Nguyễn Tri Phương với hàng chục hộ dân vẫn sống trong cảnh khó khăn, thấp hơn trục đường chính gần 2m, thường xuyên ngập lụt, đường sá hư hỏng, ô nhiễm môi trường… Nhà cửa tại đây đa phần xuống cấp, tường nứt toác nhưng người dân không thể sửa sang.
Sống tại tổ 89, gia đình ông Phan Ngọc Long có 9 nhân khẩu với 3 thế hệ bao gồm vợ chồng, con cái, dâu rể, cháu ở chung trong căn nhà 2 tầng rộng 100m2, mái lợp bằng tôn nên cuộc sống rất bất tiện. Trưa nắng, tôn hực nóng cả nhà; mưa thì nơm nớp lo sợ ngập lụt, đường sá lầy lội. “Chỉ mong nhanh chóng giải tỏa để có chỗ ở đàng hoàng. Nếu không giải tỏa thì cho người dân sửa chữa, xây nhà, hoàn thiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo quyền lợi của người dân”, ông Long nêu ý kiến.
Đối lập với cảnh nhếch nhác tại tổ 89 là khu vực dân cư đông đúc, sầm uất với nhiều tuyến đường lớn như Đinh Gia Trinh, Văn Tiến Dũng, Võ An Ninh… cách đó vài chục mét. Ông Nguyễn Phan Vinh - Tổ trưởng tổ 89, cho biết: Năm 2009, khu vực này được quy hoạch từ để làm dự án Khu dự trữ đất ven sông phía bắc khu E - Khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ. Đến năm 2010, các hộ dân trong tổ được kiểm đếm, áp giá đền bù. Sau đó, chính quyền địa phương lấy ý kiến nhân dân về chủ trương di dời, giải tỏa để thực hiện dự án, nhưng đa phần người dân chỉ đồng ý tái định cư tại chỗ dẫn đến dự án tiếp tục kéo dài mà chưa thể triển khai.
Nhiều lần đổi tên quy hoạch nhưng chưa rục rịch, hơn 80 hộ dân sống tại đây vẫn sống hết sức khó khăn, sửa nhà thì chính quyền không cho. Gió, bão là chính quyền, đoàn thể lại vào vận động dân di chuyển lên trường học để đảm bảo an toàn. Nhưng khi nước lên, không có người ở nhà trông coi dẫn đến hư hỏng đồ đạc, thiết bị điện tử thì dân không biết bắt đền ai. “Cách vài bước chân nhưng con đường phía trước được thảm nhựa, xe cộ đông đúc, nhà cửa khang trang khiến chúng tôi rất chạnh lòng”, ông Vinh nói.
Chờ quy hoạch phân khu
Trao đổi với phóng viên về các bức xúc, kiến nghị của người dân tại tổ 89, ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, bức xúc của người dân cũng chính là bức xúc của địa phương khi quy hoạch đã treo hơn 10 năm nhưng chưa giải quyết được. Hiện nay, thành phố đã có chỉ đạo thực hiện đối với khu vực này và quận đã tiến hành khảo sát sơ bộ. Theo đó, hiện có 228 có nhà ở, đất ở và kinh phí để đền bù cho người dân khoảng 375 tỷ đồng.
Đánh giá đây là khối lượng, kinh phí tương đối lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay song ông Nguyễn Quang Vinh cũng cho biết, quận rất quyết tâm, đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Hiện nay thành phố đang hoàn thành các bước cuối cùng của quy hoạch phân khu. Sau khi quy hoạch phân khu được phê duyệt, quận sẽ kiến nghị thành phố triển khai ngay.
Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cũng nói thêm, căn cứ các quy định của pháp luật để triển khai có hiệu quả, thời gian đảm bảo nhanh để giải quyết bức xúc cho người dân thì phải thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất. “Đấu thầu dự án có sử dụng đất đảm bảo phù hợp với quy định và đảm bảo quyền lợi của người dân. Về quy hoạch cũng sẽ có đất tái định cư tại chỗ. Người dân không phải đi nơi khác. Đây chính là chìa khóa giải quyết vấn đề, đáp ứng nguyện vọng của người dân”, ông Vinh nói thêm.
Đối với ý kiến của một số người dân về việc nếu không thực hiện giải tỏa được thì có thể gỡ quy hoạch để người dân có thể tiếp tục ở lại, được phép làm nhà, sửa chữa nhà cửa… ông Vinh cho rằng, khu vực này thấp trũng, thường xuyên ngập lụt làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Đồng thời không đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị nên cần phải giải tỏa, chỉnh trang đô thị.
Người dân có thể được tái định cư tại chỗ
Liên quan đến quy hoạch phân khu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị (gọi tắt là Ban Quản lý) là đơn vị được UBND thành phố giao tổ chức lập quy hoạch phân khu Đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, đề xuất ý tưởng đầu tư tại dự án Khu đất dự trữ ven sông phía Bắc khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Thời gian qua, Ban Quản lý đã có nhiều văn bản gửi các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan để lấy ý kiến về triển khai quy hoạch phân khu Đổi mới sáng tạo và hồ sơ liên quan đến điều chỉnh quy hoạch chung tại khu vực. Qua đó, Ban Quản lý có ý kiến việc đề xuất nghiên cứu, xem xét điều chỉnh quy hoạch khu đất trên theo hướng hình thành khu đô thị/ khu dân cư là có cơ sở nhằm thực hiện theo chủ trương của cấp thẩm quyền để giải quyết bức xúc kiến nghị cử tri, giảm áp lực cho ngân sách, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và tăng hiệu quả trong đầu tư dự án.
Theo Ban Quản lý, với hướng hình thành khu đô thị/ khu dân cư sẽ đảm bảo đủ đất bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân giải tỏa, đồng thời dành một phần lớn diện tích đất bố trí công viên cây xanh; đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật trong công tác phòng chống lũ trên sông Cẩm Lệ; đảm bảo nguyên tắc hình thành khu đô thị nhưng không ảnh hưởng lớn đến việc thoát lũ. Mới đây, Ban Quản lý đã có văn bản đề nghị Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo Sở Xây dựng sớm tổng hợp các ý kiến, đề xuất của Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan nhằm có cơ sở cho Ban Quản lý phối hợp đơn vị tư vấn điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đồng bộ với việc triển khai điều chỉnh quy hoạch phân khu Đổi mới sáng tạo đang thực hiện.
Hy vọng thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương quan tâm, nhanh chóng thực hiện triển khai dự án theo quy hoạch để đáp ứng mong mỏi chính đáng của người dân tại tổ 89, giải quyết dứt điểm khó khăn cho người dân và phục vụ công tác chỉnh trang đô thị.
MAI VINH