Tòa kinh tế TAND TP Đà Nẵng: Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại trong thời kỳ hội nhập
(Cadn.com.vn) - Đầu năm 1997, thực hiện chủ trương của Quốc hội về chia tách địa giới hành chính, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng trực thuộc T.Ư. Tòa kinh tế-TAND TP Đà Nẵng được hình thành cùng với việc thành lập TAND TP Đà Nẵng. Sự phát triển năng động của TP Đà Nẵng trực thuộc T.Ư đã có nhiều tác động tích cực đến công tác giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng con đường tòa án. Số lượng các vụ tranh chấp ngày càng tăng, từ 1994 - 1997: số án giải quyết là 105 vụ; từ 1998 - 2000: 170 vụ; từ 2001 - 2005: 450 vụ; từ 2006 - 2010: 1010 vụ.
Sự ra đời của Tòa kinh tế đáp ứng yêu cầu xây dựng thiết chế tài phán kinh tế mới trong nền kinh tế thị trường và yêu cầu giải quyết nhiều loại tranh chấp khác nhau. Tuy nhiên, trong những năm đầu mới thành lập, số lượng các vụ tranh chấp đưa đến Tòa kinh tế giải quyết không nhiều. Nguyên nhân do thiết chế giải quyết tranh chấp kinh tế bằng con đường tòa án còn nhiều mới mẻ, các doanh nghiệp chưa quen với việc kiện ra tòa. Mặt khác, nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường, số lượng các doanh nghiệp chưa nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước và các đơn vị kinh tế tập thể.
![]() |
TAND TP Đà Nẵng giải quyết một vụ kiện tranh chấp về kinh tế. |
Do vậy, số lượng các vụ tranh chấp tăng nhanh qua từng năm. Sự phát triển về kinh tế, tài chính của TP Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Cùng với sự thông thoáng của các quy định pháp luật về thành lập doanh nghiệp giúp cho hàng ngàn doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau ra đời. Các quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp ngày càng đa dạng và phức tạp. Những mâu thuẫn, bất đồng giữa các đơn vị kinh doanh phát sinh ngày càng nhiều. Khi không thể tự giải quyết được các tranh chấp, các doanh nghiệp phải đưa đến Tòa án giải quyết. Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng con đường tòa án ngày càng trở nên quen thuộc với các đơn vị kinh doanh.
Ngoài việc giải quyết các tranh chấp, Tòa kinh tế còn giải quyết nhiều việc về thương mại nh¬ư yêu cầu bắt giữ tàu biển và yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Tòa án hoặc Trọng tài thương mại nước ngoài. Từ năm 1995 - 2009, Tòa kinh tế đã bắt giữ 9 chiếc tàu biển. Do lỗi của chủ tàu gây ra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ hàng Việt
Trong những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều vụ tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty, tranh chấp giữa thành viên công ty với nhau. Những vụ án về loại việc này thường rất phức tạp vì thực chất đây là mâu thuẫn trong nội bộ doanh nghiệp. Loại tranh chấp này còn khá mới mẻ, chưa có nhiều án lệ trong thực tiễn giải quyết tranh chấp. Những quy định của Luật Doanh nghiệp chưa được hướng dẫn đầy đủ nên Tòa kinh tế gặp không ít khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Về yêu cầu phá sản doanh nghiệp, theo Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1994, Tòa kinh tế thụ lý giải quyết 5 vụ. Năm 2004, Luật Phá sản mới được ban hành, Tòa kinh tế thụ lý giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp 11 vụ. Phần lớn các vụ phá sản đều rất phức tạp, số chủ nợ và con nợ lên đến hàng trăm đơn vị và cá nhân, nằm rải rác trên khắp địa bàn cả nước, có vụ doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố phá sản có số nợ lên đến hơn 100 tỷ đồng. Việc thu hồi nợ đang gặp nhiều khó khăn do Luật Phá sản 2004 còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan thi hành án trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.
Trải qua 16 năm hoạt động, Tòa kinh tế-TAND TP Đà Nẵng đã giải quyết được một lượng án khá lớn (chỉ đứng sau Tòa án TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội). Hoạt động của Tòa kinh tế đã góp phần ổn định và làm lành mạnh các quan hệ kinh tế giữa các chủ thể kinh doanh, đồng thời tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng, góp phần thúc đẩy sự phát triền KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, Tòa kinh tế cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại. Các Thẩm phán chưa có kinh nghiệm nhiều khi giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ, về tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Trình độ ngoại ngữ của Thẩm phán cũng còn hạn chế. Việc tập huấn cập nhật những kiến thức về luật kinh tế ch¬ưa được thường xuyên. Nhiều luật đã ban hành chưa được hướng dẫn đầy đủ, dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau trong quá trình giải quyết vụ án.
Với những thành tích đạt được, Tòa kinh tế TAND TP Đà Nẵng nhiều lần được TAND Tối cao, Bộ Tư pháp và UBND TP Đà Nẵng tặng Bằng khen. Năm 2008, được UBND TP Đà Nẵng tặng Cờ thi đua xuất sắc của ngành TAND TP Đà Nẵng.
T.K.T