Toàn cảnh “quả bom” Việt Á”: Xử lý không có vùng cấm

Thứ tư, 27/07/2022 20:56
Những mảng tối xung quanh vụ án “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19 liên quan Công ty Việt Á đang được Cơ quan Công an điều tra tiếp tục lật mở, đưa ra ánh sáng. Hàng chục cán bộ từ trung ương đến địa phương “dính chàm” đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Việc khẩn trương điều tra, mở rộng vụ án thể hiện quyết tâm, chỉ đạo và hành động nhất quán của Đảng và Chính phủ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói.
Bộ Công an tống đạt lệnh bắt tạm giam đối với Phan Quốc Việt.
Ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án Việt Á.

“Quả bom” Việt Á

Đến thời điểm hiện tại, nhìn lại toàn cảnh vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Cty Việt Á) và các đơn vị, địa phương, có thể xem đây là vụ án lịch sử, như “quả bom” làm chấn động dư luận.

Kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Cty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Thời điểm năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, kéo theo đó là nhu cầu về trang thiết bị phòng chống dịch rất lớn, nhất là bộ sinh phẩm xét nghiệm (gọi tắt là kit test). Trong bối cảnh ấy, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19. Học viện Quân y được tin tưởng giao chủ trì thực hiện sản phẩm kit test “Made in Việt Nam”.

Khi kit test được Bộ Y tế cấp phép, kết quả nghiên cứu này lại được “ưu ái” chuyển giao cho Cty Việt Á. Đến cuối năm 2021, Cty Việt Á đã cung ứng kit test COVID-19 cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước. Việc dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu xét nghiệm tăng cao dẫn đến chi phí xét nghiệm cao, doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng bối cảnh này, Việt Á đã bắt tay với một số cán bộ, lãnh đạo “thổi giá” để lấy tiền bỏ túi riêng.

Ngày 17-12-2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan. Trong tháng 12-2021, vụ án Việt Á được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về các tội danh “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với Phan Quốc Việt và các đồng phạm. Cùng với đó Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 12 đối tượng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với một số lãnh đạo cấp Vụ thuộc Bộ Y tế và Bộ KH&CN. Một số cán bộ, lãnh đạo ở địa phương và Cty Việt Á cũng bị khởi tố tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can Phan Quốc Việt

Đầu tháng 3-2022, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Thượng tá Hồ Anh Sơn- Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự - Học viện Quân y, về tội danh “Tham ô tài sản” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu - Trưởng phòng Trang bị, vật tư - Học viện Quân y, về tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong tháng 5-2022, Công an các địa phương cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số cán bộ CDC do vi phạm quy định về đấu thầu, tham ô tài sản. Ngày 7-6-2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc vì liên quan đến vụ đại án.

Sau gần nửa năm khởi tố và mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Cty Việt Á và các đơn vị liên quan, đã có hơn 60 người liên quan bị khởi tố, bắt tạm giam.

Phan Quốc Việt và Hồ Anh Sơn là 2 mắt xích lớn trong vụ đại án Việt Á.

Vươn vòi bằng “hoa hồng”

Theo Bộ Công an, kết quả điều tra bước đầu xác định ông Phan Quốc Việt – Tổng Giám đốc Cty Việt Á “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit test lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo lời khai của bị can Việt, số tiền chi “hoa hồng” cho các đối tác là gần 800 tỷ đồng.

Ngoài việc được Bộ KH&CN ưu ái từ “trứng nước”, để đưa Việt Á “danh chính ngôn thuận” trở thành đơn vị được lựa chọn để cung cấp kit test, website của Bộ này đã đăng tải thông tin về việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận bộ kit test do Cty Việt Á sản xuất. Nhưng thực tế không được chấp thuận, sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án, thông tin này đã bị gỡ bỏ. Về phía Bộ Y tế, cơ quan này là đơn vị cấp phép lưu hành cho bộ kit test của Công ty Việt Á. Bộ Y tế từng khẳng định các sản phẩm cấp phép “đều đã được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành”.

Tuy nhiên, theo điều tra, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, nâng khống giá thành của kit test lên 470.000 đồng/kit. Đây cũng là mức giá được Bộ Y tế cung cấp trong công văn giới thiệu sản phẩm gửi kit test Việt Á đến các địa phương để chủ động liên hệ mua sắm phục vụ phòng, chống dịch.

Tính đến nay, Cty Việt Á đã cung ứng kit test cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, TP trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Và để có thể “vươn vòi” đến từng địa phương, Cty Việt Á sử dụng chiêu chi “hoa hồng” với số tiền cực khủng. Dưới sự chỉ đạo của Phan Quốc Việt, nhân viên công ty đã chi tới gần 800 tỷ đồng nhằm lại quả cho lãnh đạo các cơ sở y tế. 800 tỷ đồng là số tiền các bị can khai đã dùng để “bôi trơn, lót tay”. “Số tiền này còn lớn hơn con số hưởng lợi bất chính 500 tỷ đồng của Việt Á. Qua đó cho thấy, Phan Quốc Việt chủ động chi đậm tiền “hoa hồng” để đổi lấy hợp đồng từ các đơn vị, địa phương và sẵn sàng nhận phần “thiệt” về mình.

Đơn cử tại Hải Dương, ông Phạm Duy Tuyến- Giám đốc CDC tỉnh nhận của Việt Á số tiền lên tới 27 tỷ đồng. Đổi lại, Việt Á ký được 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Tương tự, tại Bắc Giang, ông Lâm Văn Tuấn - Giám đốc CDC cùng hai bị can khác cũng bị cáo buộc có hành vi thông đồng, câu kết với các đối tượng liên quan vi phạm các quy định về Luật Đấu thầu mua kit test do Cty Việt Á sản xuất, tổng giá trị hơn 148 tỷ đồng. Các bị can thỏa thuận, nhận trên 44 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng do Cty Việt Á chuyển. Hay như tại Nam Định, Công an tỉnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Đức Lưu - Giám đốc CDC Nam Định và một số cán bộ của trung tâm này. Theo điều tra, CDC Nam Định đã ký 5 hợp đồng, trị giá hơn 23 tỷ đồng mua kit test của Công ty Việt Á. Ông lưu và một số cán bộ CDC Nam Định đã nhận tiền hoa hồng 1,25 tỷ đồng. Còn tại Phú Thọ, Việt Á còn chơi bạo hơn, chuyển 2 tỷ đồng tiền “lót tay” qua bố vợ, gửi cho Trần Gia Phú - Phó giám đốc Trung tâm Xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã phong tỏa, kê biên, thu hồi tài sản lên đến khoảng 1.600 tỷ đồng liên quan đến đại án. Bên cạnh đó đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.

Bộ Công an tống đạt lệnh bắt tạm giam đối với Phan Quốc Việt.

Mất để xây lại

Hiện nay, Bộ Công an vẫn tích cực mở rộng điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vụ án Việt Á. Việc hàng loạt cán bộ, lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam không chỉ dừng lại ở câu chuyện pháp luật. Đó còn có sự lan tỏa rất mạnh mẽ đối với đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, kể cả những đảng viên có chức có quyền, để họ luôn quan tâm, chú ý, đừng phút giây nào lơi lỏng rèn luyện.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an, thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ủy Công an Trung ương đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan, tập trung lực lượng, khẩn trương tổ chức các hoạt động điều tra, xác minh, làm rõ toàn bộ bản chất của vụ án với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự can thiệp trái pháp luật của bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

Đã có thời điểm, Việt Á và kit test của Học viện Quân y được “tô hồng” rầm rộ trên truyền thông. Dư luận từng “rơi nước mắt” khi Thượng tá Hồ Anh Sơn (nguyên Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự; đã bị khởi tố, bắt tạm giam) chia sẻ về quãng thời gian “ăn ngủ cùng cô Vy” để chế tạo kit test, những “hộp cơm huyền thoại” đồng hành cùng các nhà khoa học. Chính ông cũng đã đề nghị Cơ quan điều tra sớm vào cuộc để “giải oan” cho các nhà khoa học. Rốt cuộc, ông Sơn lại là một trong những người “rơi nước mắt” đầu tiên của Học viện Quân Y khi bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan vụ Việt Á.

Không chỉ ông Sơn, giám đốc CDC nhiều địa phương cũng đăng đàn tuyên bố nói không với tiêu cực, mong cơ quan điều tra sớm làm rõ. Từng trả lời với báo chí, CDC Nghệ An cho biết từ 2020 tới nay, địa phương này ký 4 gói thầu với Công ty Việt Á tổng trị giá 28 tỷ đồng, trong đó 2 gói thầu theo hình thức chỉ định với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Định – Giám đốc CDC Nghệ An trả lời trên báo chí rằng các gói thầu được thực hiện đúng quy định, không có tiêu cực. Nhưng đến nay, cơ quan điều tra đã chứng minh sự thật hoàn toàn ngược lại. Ngoài ông Định thì dàn lãnh đạo CDC một số tỉnh khác từng tuyên bố mạnh mẽ “không nhận bất cứ đồng nào từ Việt Á” đều đã vướng vòng lao lý.

Nói để thấy, lần lượt từng ngóc tối liên quan đến Việt Á được Bộ Công an bóc gỡ. Bộ Công an đã điều tra triệt để mọi góc cạnh liên quan đến vụ án và công tác thông tin kịp thời, minh bạch theo hướng “làm rõ đến đâu thông tin đến đó” như lời của đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an tại cuộc họp báo hồi cuối năm 2021.

Trả giá là quy luật tất yếu, nhìn lại toàn cảnh vụ Việt Á có thể thấy, các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công khai. Dù cán bộ đương chức hay về hưu, nếu có sai phạm đều bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh. Chấp nhận mất những cán bộ đã suy thoái về tư tưởng, đạo đức cũng là để xây dựng, củng cố lại Đảng và niềm tin của Nhân dân. Đó chính là điểm nhấn trong công tác phòng chống tham nhũng, tránh lãng phí, xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thành tựu đó được đông đảo các tầng lớp nhân dân ghi nhận.

VINH MAI