Tôi đi lấy mật ong rừng

Thứ năm, 05/07/2018 21:39

Sáng sớm, vợ chồng anh Phú – một thợ săn ong rừng lâu năm ở thị trấn Đắk Hà, H. Đắk Hà, Kon Tum – gói ghém đồ đạc, thức ăn, nước uống, rồi nhắm đi về phía rừng. Trước đó, tôi phải nài nỉ hết lời, anh chị mới chịu cho đi theo. Khi đã đồng ý, anh Phú cảnh báo tôi: “Khổ lắm đấy”!

Từ sáng sớm tinh sương, chúng tôi đã gói ghém xong đồ đạc, sẵn sàng cho một ngày khám phá vương quốc của những chú ong rừng. Từ Quốc lộ 14, chúng tôi rẽ vào tỉnh lộ 671, đi chừng 15km thì đến thôn 2, xã Ngọc Wang, H. Đắk Hà.

Đứng trên đỉnh dốc của thôn 2 có thể nhìn rõ những cánh rừng, lòng hồ Đắk Loh, một bên là đỉnh núi Ngọc Wang, một bên là đỉnh Ngọc Réo. Đây cũng là mốc giới tự nhiên phân chia ranh giới giữa hai xã Ngọc Wang và Ngọc Réo.

Anh Phú nói với tôi, đây chính là khu rừng thường tìm được những tổ ong khoái, ong ruồi có mật nhiều và ngon nhất.

Hồ Đắk Loh, khu vực thường tìm được những tổ ong khoái, ong ruồi có mật nhiều và ngon nhất.

Chúng tôi ngồi nấp vào một bụi cây, phục kích và quan sát. Xưa nay tôi cứ tưởng, những con ong rừng kiêu ngạo, chẳng bao giờ quan tâm đến sự có mặt của con người, giờ mới biết chúng cũng tinh ranh chẳng khác nào chim chóc, muông thú của núi rừng Tây Nguyên.

Anh Phú giảng giải: Sau khi lấy mật, những con ong sẽ đến lòng hồ Đăk Loh uống nước, trước khi bay về tổ. Thợ lấy mật ong rừng phải nắm được quy luật này, nếu không, sẽ thu “non”. Rất nhiều người không nắm được quy luật, tập tính của bầy ong, hễ thấy tổ là đến đốt lửa, lấy mật. Làm như vậy vừa kém hiệu quả, vừa tàn phá thiên nhiên. Đối với người chuyên nghiệp, phải biết khi nào thích hợp mới lấy mật, có vậy mới vừa thụ hưởng vừa bảo tồn được tặng vật quý giá của núi rừng.

Khoảng 9 giờ sáng, mặt trời đã bắt đầu lên cao. Chúng tôi vẫn kiên trì ngồi đợi. Anh Phú đăm đăm nhìn về phía lòng hồ. Những đàn ong không thấy đâu cả.

Hai ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục phục kích, nhưng vẫn chưa lấy được giọt mật nào. Đến lúc này, tôi bắt đầu nản chí. Chị Hiền, vợ anh Phú tỏ ra ái ngại, bèn rủ tôi về thị trấn. Bất ngờ, anh Phú  báo tin ngắn gọn: “Đã tìm thấy”.

Quay trở lại, đi bộ về hướng đỉnh núi Ngọc Réo. Lúc này, tôi thấy anh Phú vừa đi vừa quan sát lắng nghe, theo hướng ong thợ bay. Chúng tôi phải đi theo lối rẽ ngoằn ngoèo, chằng chịt cây dây leo trong rừng.

Tổ ong rừng tìm thấy ở núi Ngọc Réo.

Anh Phú vừa đi vừa hỗ trợ tôi và chị Hiền, lúc thì cầm dao phay đoạn dây đậu rừng, lúc thì dùng tay kéo hai chị em bước qua những ụ đất cao, có lúc anh phải phát mấy nhánh tre để tôi và chị Hiền lách người qua đi về phía trước, có khi anh lại dùng chân để giẫm rạp một đám đót.

Chị Hiền không may giẫm phải một đám kiến lửa, bị chích đau rát, vừa đi vừa suýt xoa.  Tôi thì liên tục bị gai cào phải đứng lại gỡ, khổ nhất là cảm giác ngứa và xót cả người vì lông sâu trên lá rừng dính vào, da tôi sần lên, rát bỏng. Thấy tôi và chị Hiền có vẽ đã thấm mệt anh Phú dừng chân ở một gốc cây to cho hai chị em “nạp năng lượng”. Ăn bánh uống nước xong, anh Phú trèo lên cây cao và quan sát. Bất chợt anh reo lên qua kẽ răng: “Đây rồi!”.

Theo lời anh Phú, chỉ cần đi tiếp vài trăm mét  nữa thôi là đến tổ ong rồi. Thế nhưng, chúng tôi không thể đi thẳng mà phải rẽ trái và tiếp tục chui rúc dưới tán cây rừng.

Tôi và chị Hiền mệt rã rời, còn anh Phú thì bị một nhánh cây bật ngược giáng vào mặt. Hồi lâu sau, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến nơi ong làm tổ.

Mặc dầu đã nghe anh Phú kể chuyện, nhưng tôi như không tin vào mắt mình, trên một nhánh cây to, cả một bầy ong khoái hàng nghìn hàng vạn con đang bu quanh một cái tổ, nhìn xa tổ ong như một quả bóng đen chuyển động.

Đàn ong bay  phát ra tiếng vo ve liên hồi, làm náo động cả một vùng.

Cái tổ ấy vừa hấp dẫn người thợ lấy mật vừa toát lên vẻ đe dọa.

Tôi rợn người khi mường tượng, cả tổ ong ấy mà tấn công, thì chạy lên trời cũng không thoát nổi!

Anh Phú trong trang phục chống ong.

Theo chỉ dẫn của anh Phú, chúng tôi nhanh chóng mặc áo mưa và trùm lưới chống ong. Chị Hiền gom lá rừng cột thành bó giúp anh Phú nhen lửa xông khói để ong bay đi.

Vừa lúc đó, hàng ngàn hàng vạn con ong túa ra, lao về phía chung tôi như những viên đạn.

Nhanh như cắt, anh Phú trèo lên cây cao, tiếp cận tổ ong một cách thành thạo.

Một cuộc chiến diễn ra ác liệt giữa anh Phú và đám ong thợ. Mặc dầu đã cẩn thận che chắn nhưng anh sau đó anh vẫn bị chích một nốt vào cổ tay, sưng húp lên.

Lúc sau, đám ong tản đi gần hết. Anh Phú mới cẩn thận dùng dao tách phần sáp ong chứa mật bỏ bào chiếc xô nhựa. Lúc này tôi mới tận mắt được nhìn thấy tổ ong rừng, tổ ong được làm bằng sáp. Các vách ngăn liên kết lại với nhau thành hình lục giác dày khoảng 0,5cm, bên trong chứa sáp ong, phấn hoa nhộng ong và mật ong.

Những vách ngăn chứa mật bị tay anh Phú chạm vào vỡ nắp đậy nên mật ong tứa ra. Phần trên của tổ ong là những vách ngăn chứa phấn hoa màu vàng. Thành quả của ngày hôm đó là 2,3 lít mật ong rừng, số mật đó được bán với giá 1,2 triệu đồng. Riêng tôi thì nhận một gói quà là một ít phấn hoa.

Tác giả và tổ ong rừng lấy được trên núi Ngọc Réo.

Trong lúc chờ chị Hiền kiếm túi để đựng phấn hoa, anh Phú giảng giải cho tôi nghe về mật ong rừng và trải lòng về nghề vất vả này. Anh Phú cho biết, mật ong Kon Tum ngon nhất là mật lấy từ rừng Đăk Glei, giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, nơi có những vườn trồng cây sâm Ngọc Linh và sâm dây. Mật ong ở đó thường có pha vị đắng nhẹ. Người ta chuộng nhất là ong ruồi, loài ong nhỏ làm tổ dưới đất hoặc trong thân cây, tổ của nó thường ít mật mật nhưng thơm ngon vô cùng.

Anh Phú săn ong đã mười lăm năm nay. Mỗi một mùa ong (thường kéo dài từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 6), anh kiếm được chừng 40 lít mật. Anh trải lòng, nghề săn ong rất vất vả. Có khi đi một ngày được hai, ba tổ kiếm tiền triệu, nhưng lắm khi chui rúc trong rừng cả tuần cũng về tay trắng. Nguy hiểm của nghề săn ong cũng không thiếu. Nếu không cẩn thận bị ong bao vay chích khắp người, gây sốt phải uống thuốc. Có lúc vội chạy thoát thân đến vấp ngã bong gân, gai cào chảy máu, là chuyện thường.

“Người ta bảo, ăn của rừng rưng rưng nước mắt, là vậy đó” – anh Phú nói.

“Khi lấy mật, phải tìm cách hạn chế thiệt hại cho bầy ong”.

 

Anh Phú nói với tôi, mật ong thì ngon lành, bổ dưỡng nhưng nọc ong thì ngược lại, rất độc. Trước đây, có người đàn ông tên là Thúy, làm trong ngành cao su bị ong chích hai  lần. Lần đầu đến bệnh viện kịp thời nên cứu được, nhưng lần thứ hai bị chích, cấp cứu không kịp nên đã tử vong.

Tôi hỏi: Nguy hiểm vậy sao anh không giải nghệ, kiếm việc khác làm? Anh Phú bảo, biết là vậy, nhưng nghề  đã ăn vào máu rồi, đến giấc ngủ còn mơ thấy tổ ong.

Theo anh Phú, cái khó nhất của người lấy mật không phải là đối mặt với nguy hiểm giữa rừng già, mà chính là lương tâm, trách nhiệm và sự tôn trọng đối với những bầy ong. Bởi vậy, khi lấy mật, phải tìm cách hạn chế thiệt hại cho bầy ong, mở cho chúng đường sống, từ đó tiếp tục sinh sôi nảy nở, ban phát mật ngọt cho những mùa sau...

Trước lúc từ biệt anh chị ra về, tôi nhấm một ngụm nước mật ong từ cái tổ vừa lấy về, vị ngọt, thơm thấm nhẹ vào đầu lưởi rồi tan nhanh, cảm thấy ngon hơn tất thảy các thức uống từng nếm qua.

Có lẽ tại, lúc đó, phần nào tôi đã hiểu giá trị của từng giọt mật ong rừng.

------------------

Bài và ảnh: ÁI THÙY

Đồ họa: NGUYÊN AN

Trình bày: CHÍ HIẾU