Tội phạm ma túy và lừa đảo qua mạng ở Đà Nẵng rất “nóng”

Thứ năm, 13/07/2023 06:45
Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng trình tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vào 17-7 sắp đến, cho thấy tội phạm về ma túy và lừa đảo trên không gian mạng đang diễn biến rất “nóng”, phức tạp.
Hai đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy dạng “nước nho” bị Công an quận Hải Châu phát hiện.
Một đối tượng trong đường dây mua bán tài khoản ngân hàng bị Công an TP Đà Nẵng triệt phá.

Báo động lừa đảo trên mạng

Thời gian qua, tội phạm xâm phạm sở hữu (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản) đã gia tăng tại Đà Nẵng. Nguyên nhân do tác động lâu dài của dịch Covid-19, đời sống kinh tế, xã hội còn khó khăn, một bộ phận nhân dân thất nghiệp, không có việc làm, thu nhập không ổn định (có trên 48% đối tượng phạm tội không có nghề nghiệp). Trong đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi. Nổi bật như chiêu trò gọi video call qua ứng dụng zalo, facebook để lừa đảo chuyển tiền; giả mạo bằng công cụ AI, deepfake để tạo hình ảnh, cuộc gọi video giả; mạo danh logo của các nhãn hàng, công ty nổi tiếng… để tiếp cận bị hại với thủ đoạn tuyển cộng tác viên; lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc vé, tour du lịch trong dịp lễ… Thống kê cho thấy, những thủ đoạn tinh vi này chiếm tỷ lệ gần 75% các vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Trước thực trạng này, Công an TP Đà Nẵng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, qua đó đấu tranh, triệt phá nhiều vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng; mua bán thông tin, tài khoản ngân hàng, văn bằng, chứng chỉ giả; các vụ lừa đảo bằng nhiều hình thức tinh vi trên không gian mạng. Cụ thể, Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố 1 vụ về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức kêu gọi đầu tư bất động sản trên không gian mạng với số tiền lên đến hơn 15,3 tỷ đồng; làm việc với 6 đối tượng về các hành vi như lợi dụng lỗ hổng của ví “Ngân Lượng”, quảng cáo rao bán điện thoại Iphone để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán văn bằng chứng chỉ giả. Đặc biệt, ngày 14-6-2023, Công an TP Đà Nẵng đã triệt phá đường dây tội phạm liên quan đến các đối tượng thực hiện hành vi tra soát, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của hơn 200 tài khoản ngân hàng trên toàn quốc.

Nỗi lo ma túy đội lốt thực phẩm

Không chỉ tội phạm lừa đảo trên không gian mạng mà tội phạm ma túy tại Đà Nẵng thời gian qua cũng diễn biến phức tạp với thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, giao dịch chủ yếu thông qua mạng xã hội. Đặc biệt, gần đây xuất hiện nhiều loại ma túy mới “núp bóng” dưới dạng “nước vui”, “nước dâu”, “đông trùng”, các loại trà thảo mộc, nước collagen, gói cà phê...

Trong 6 tháng qua, lực lượng chức năng tại Đà Nẵng đã phát hiện, bắt giữ 179 vụ/326 đối tượng hoạt động phạm tội ma túy (nhiều hơn 50 vụ, 129 đối tượng so với cùng kỳ). Điển hình như phá Chuyên án 922H bắt 4 đối tượng, thu giữ hơn 4 ngàn viên ma túy tổng hợp; bắt quả tang 3 đối tượng mua ma túy từ Quảng Trị về Đà Nẵng tiêu thụ, thu giữ hơn 16,3 ngàn viên ma túy phồng phiến, 2,3kg ma túy đá; phá Chuyên án 523C bắt quả tang 2 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 9kg ngụy trang dưới hình thức gói trà. Đặc biệt, vào tháng 2-2023, thông qua vụ việc 6 em học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên Đà Nẵng bị ngộ độc do sử dụng ma túy, Công an quận Thanh Khê đã bắt giữ 4 đối tượng liên quan thu giữ 23 lọ, 18 chai lớn chứa dung dịch “nước biển” có chứa chất ma túy.

Hai đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy dạng “nước nho” bị Công an quận Hải Châu phát hiện.

Tình trạng ma túy “núp bóng”, pha trộn trong thực phẩm, nước uống đang làm phức tạp địa bàn, gây nhiều khó khăn trong đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng. Theo UBND TP Đà Nẵng, trong những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng shisha (chứa nicotin), thuốc lá điện tử, “bóng cười” (khí N2O) gây tác hại sức khỏe, tạo ra trào lưu xấu với giới trẻ. Việc sử dụng các chất này tiềm ẩn nhiều nguy cơ chuyển sang sử dụng ma túy. Điều này đáng lo ngại, vì thế cần sớm có quy định cấm sử dụng các loại chất này và có chế tài xử lý mạnh với các cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, loại ma túy dạng thảo mộc gọi là cỏ Mỹ, cỏ Canada xuất hiện ngày càng nhiều, mức độ độc hại nguy hiểm tương tự ma túy đá (gây loạn thần). Tuy nhiên, quan điểm xử lý hình sự đối với tội phạm liên quan đến cỏ Mỹ, cỏ Canada chưa thống nhất; việc đưa các chất ma túy này vào danh mục quản lý còn chậm, không theo kịp tình hình và không có đầy đủ mẫu chuẩn phục vụ cho công tác giám định chất ma túy.

Có thể thấy, tội phạm ma túy và lừa đảo bằng công nghệ cao khá “nóng”, phức tạp tại Đà Nẵng hiện nay. Ngoài các giải pháp tuyên truyền để người dân không mắc vào các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng, thì với tội phạm ma túy, cũng cần những quy định, chế tài để khắc phục những hạn chế trong quản lý, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với loại tội phạm này.

HẢI QUỲNH