Tôn vinh giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Sau những ngày sôi động trong không khí lễ hội, rộn rã ngân vang âm thanh của cồng chiêng, Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 đã khép lại. Sự tham gia của các nghệ nhân đến từ các tỉnh trong khu vực với nhiều tiết mục văn hóa đặc sắc đã mang đến một Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 thành công tốt đẹp. Đặc biệt qua lễ hội đã tăng cường thêm mối giao lưu, đoàn kết giữa các dân tộc anh em trên mảnh đất Tây Nguyên.
Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 còn là dịp tăng cường mối đại đoàn kết các dân tộc. |
Trong Festival lần này, sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân đại diện cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên - những chủ thể của không gian văn hóa cồng chiêng đã tạo nên một lễ hội quy mô, độc đáo, đặc sắc và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Với việc phục dựng những lễ hội truyền thống, hoạt động trình diễn, ẩm thực, nhạc cụ đã mang đến cho người dân và du khách những cung bậc cảm xúc. 13 năm qua, kể từ khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại nay là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là lần thứ 2 tỉnh Gia Lai tổ chức Festival văn hóa cồng chiêng. Liên hoan lần này là cuộc hội ngộ cồng chiêng lớn của khu vực, đã quy tụ về đây những bộ cồng chiêng quý, những bài chiêng hay, các nhạc cụ truyền thống đặc trưng của các tỉnh, thành phố trong cả nước với hàng trăm diễn viên, nghệ nhân ở mọi lứa tuổi.
Trao đổi với PV tại lễ bế mạc, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vui mừng cho biết: "Năm nay rất là đặc biệt khi mỗi tỉnh có mỗi đoàn nghệ nhân và mỗi đoàn nghệ nhân thể hiện phong cách trình diễn riêng, có âm tiết, nền nhạc riêng và các vũ đạo riêng, tạo ra sự kết hợp hài hòa. Festival văn hóa cồng chiêng 2018 được nhiều người đánh giá thành công vượt mong đợi". Để có thành công của Festival lần này là sự tham gia hào hứng của các nghệ nhân, sự chuẩn bị của các đoàn 5 tỉnh trong khu vực và sự chuẩn bị chu đáo từ chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai. Đặc biệt là các địa điểm tổ chức phục dựng các nghi lễ truyền thống: như công viên Đồng Xanh, Diên Hồng và ngay tại khu vực nhà rông làng Ốp (TP Pleiku) được chuẩn bị chu đáo đã tạo nên một không gian, một "đất diễn" cho cồng, chiêng. Bên cạnh đó, việc để các nghệ nhân tự do sáng tạo, trình diễn: tạc tượng, dệt thổ cẩm, đan lát đã mang đến nét mới cho Festival lần này. Nghệ nhân không còn bị gò bó bởi những cuộc thi, chấm điểm mà mỗi nghệ nhân tự thỏa sức sáng tạo, thể hiện nét văn hóa độc đáo của riêng dân tộc mình.
Đây cũng là dịp để giới thiệu đến du khách, các dân tộc anh em về nét văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc trên đại ngàn Tây Nguyên (trang phục của người Ba Na ở Kon Tum). |
Không chỉ có tiếng cồng, chiêng rộn rã, Festival đã mang lại những buổi giao lưu, gặp gỡ, giới thiệu thêm phần nào đời sống văn hóa ở các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên trong mùa lễ hội, từ việc phục dựng các nghi lễ truyền thống như lễ cầu an của của người Ba Na (Kon Tum), lễ cúng cây nêu của người Ê Đê (Đăk Lăk), lễ sạ lúa của người Chu Ru (Lâm Đồng), lễ mừng nhà rông mới của người Ba Na (Gia Lai)... Những hoạt động trong kỳ Festival lần này đã góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa cồng chiêng, cũng là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, tăng cường mối quan hệ đoàn kết. Nghệ nhân Uế, đại diện cho bà con dân làng Ba Na ở H. Kông Chro (Gia Lai) chia sẻ: "Trong lễ hội lần này mình tham gia trình diễn tạc tượng gỗ dân gian. Không phải gò bó như những lễ hội khác nên tượng mình làm rất ưng ý. Rất vui vì được tham gia hoạt động này để mình thể hiện truyền thống của người Ba Na với các dân tộc anh em khác. Đây còn là dịp để bà con dân tộc Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Kinh... gặp gỡ nhau, học hỏi nhau về văn hóa, về trình diễn các lễ hội, nghi lễ truyền thống của dân tộc mình".
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 được tổ chức với chủ đề "Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên" đã kết thúc nhưng giá trị của lễ hội đã để lại những ấn tượng tốt đẹp. Một lần nữa, những giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được tôn vinh, phát huy về một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
MINH TÂN