Tổng thống Mỹ cân nhắc đàm phán sau cú sốc thuế quan

Thứ bảy, 05/04/2025 13:55

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng đàm phán về các mức thuế đối ứng đã công bố, sau khi thị trường chứng khoán Phố Wall trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2020.

Những tin tức về thuế quan của Tổng thống Donald Trump được hiển thị tại Quảng trường Thời đại, New York ngày 4-4. Ảnh: Getty Images
Những tin tức về thuế quan của Tổng thống Donald Trump được hiển thị tại Quảng trường Thời đại, New York ngày 4-4. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Trump cho biết ông để ngỏ khả năng đàm phán với các nước khác nếu nhận được đề nghị phù hợp. Trả lời báo giới mới đây, ông Trump cho biết ông sẽ xem xét nếu bên đàm phán đưa ra điều gì đó thực sự có lợi. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một số quan chức Nhà Trắng khẳng định các mức thuế mới không thể đàm phán, làm tăng thêm bất ổn về kế hoạch thuế quan của tổng thống. Điều này khiến thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh, chỉ số S&P 500 mất khoảng 2.000 tỷ USD (1.800 tỷ EUR) trong phiên 3-4.

Trong một tuyên bố ngày 3-4, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cũng cho biết Chính quyền Tổng thống Trump sẽ đàm phán với tất cả các đối tác thương mại lớn trên toàn thế giới về biện pháp giảm thuế quan mới được nhà lãnh đạo Mỹ công bố. Theo Bộ trưởng Lutnick, các nước sẽ phải thay đổi các quy tắc của mình để cho phép nhập khẩu nhiều sản phẩm của Mỹ hơn, nhằm giảm bớt tác động của các mức thuế này.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các chính phủ đang tìm biện pháp đối phó với việc bị Mỹ áp thuế đối ứng, trong đó có việc xúc tiến đàm phán với Mỹ. Theo thông báo ngày 3-4 của Bộ Ngoại giao Indonesia, nước này đã quyết định cử một đoàn đại biểu cấp cao đến Mỹ để trực tiếp đàm phán về vấn đề thuế quan. Mức thuế đối ứng mà Mỹ áp với Indonesia là 32%. Campuchia, quốc gia Đông Nam Á bị áp thuế tới 49% cho rằng mức thuế này là "không hợp lý". Bộ Thương mại Campuchia ngày 3-4 khẳng định mức thuế này không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp, đáng chú ý là ngành dệt may, mà còn ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của nước này.

Với mức thuế đối ứng 34%, Trung Quốc yêu cầu Mỹ "ngay lập tức hủy bỏ" các biện pháp thuế quan như vậy, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả song cho biết vẫn duy trì kênh liên lạc với Washington để sớm giải quyết vấn đề này. Trong khi đó Ngoại trưởng Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Marco Rubio, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để thảo luận về tác động của các biện pháp thuế mới. Mức thuế đối ứng đối với Hàn Quốc là 26% và Nhật Bản là 24%.

Từ châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho biết châu Âu "đã chuẩn bị ứng phó" với mức thuế quan 20% mà Mỹ áp với khối này, trong khi gọi đây là "đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới". Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic có kế hoạch thảo luận với giới chức đồng cấp của Mỹ vào ngày 4-4 về vấn đề thuế quan. EU đã phát đi cảnh báo mạnh mẽ về việc đáp trả các mức thuế quan thương mại mới do Tổng thống Mỹ Trump đề xuất, khẳng định sẽ sử dụng "các biện pháp pháp lý, chính đáng, tương xứng và quyết đoán".

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP), ông Bernd Lange nhấn mạnh rằng "vũ khí mạnh nhất" của khối vẫn đang được giữ lại như một biện pháp cuối cùng. Pháp và Đức cảnh báo rằng EU có thể áp thuế lên các công ty công nghệ Mỹ hoạt động tại châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu đình chỉ các khoản đầu tư vào Mỹ cho đến khi có quyết định rõ ràng về các mức thuế quan mới mà Tổng thống Trump áp dụng đối với các đối tác thương mại.

Ngày 3-4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo các mức thuế quan mới của Mỹ là "rủi ro đáng kể" đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi Washington hợp tác với các đối tác thương mại để giảm bớt căng thẳng. Bà Georgieva nhấn mạnh đây là bước đi có thể làm trầm trọng thêm cuộc chiến thương mại, làm gia tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu và thúc đẩy lạm phát. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala ngày 3-4 cho rằng kế hoạch thuế quan mới được Mỹ công bố có thể khiến tổng khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu giảm khoảng 1% trong năm nay.

Trước những diễn biến này, JPMorgan đã nâng ước tính nguy cơ suy thoái toàn cầu từ 40% lên 60%, do lo ngại các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tâm lý bất ổn trên thị trường. Ngân hàng này cũng nhận định trong dài hạn, chính sách bảo hộ thương mại kết hợp với sự suy giảm dòng người nhập cư có thể khiến chi phí sản xuất tăng cao và kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

AN BÌNH

Tổng thống Trump tuyên bố ‘có một cuộc điện đàm rất hiệu quả’ với Tổng Bí thư Tô Lâm

Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông vừa “có một cuộc điện đàm rất hiệu quả” với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm.

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46%

Ngày 4-4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam lấy làm tiếc trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt

Nguy cơ suy thoái toàn cầu từ đòn thuế mới của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 3-4 (giờ Việt Nam) đã công bố quyết định áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Washington kỳ vọng đây sẽ là công cụ tạo nguồn thu cho việc cắt giảm thuế thu nhập và thúc đẩy sản xuất trong nước.