Tổng thống Mỹ Joe Biden từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng

Thứ ba, 23/07/2024 08:46

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết thúc chiến dịch tái tranh cử của mình vào ngày 21-7 sau khi các thành viên đảng Dân chủ mất niềm tin vào sự nhạy bén về tinh thần và khả năng đánh bại đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump của ông. Và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang được xem là nhân vật sáng giá có thể đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

* Bà Harris trước ngưỡng cửa làm nên lịch sử

Đằng sau quyết định từ bỏ cuộc đua

Người dân Mỹ cầm biểu ngữ bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổng thống Joe Biden bên ngoài Nhà Trắng hôm 21-7. Ảnh: Getty
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 14-5-2024. Ảnh: Kyodo

"Được phục vụ với tư cách là Tổng thống của các bạn là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi. Và mặc dù tôi có ý định tái tranh cử, nhưng tôi tin rằng việc tôi rút khỏi cuộc đua tranh cử và chỉ tập trung hoàn thành nhiệm vụ tổng thống trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là vì lợi ích tốt nhất của đảng tôi và đất nước", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một bức thư đăng tải trên mạng xã hội X ngày 21-7.

Ông Biden tuyên bố tái tranh cử vào tháng 4 năm nay trong bối cảnh có nhiều đồn đoán và lo ngại về tuổi tác của ông. Vấn đề tuổi tác, sức khỏe là một trong những khía cạnh khiến một bộ phận đảng viên Dân chủ lo ngại về ông Biden. Mặc dù vậy, bác sĩ Nhà Trắng công bố kết quả khám sức khỏe hồi đầu năm nay khẳng định ông Biden vẫn đủ sức khỏe để đảm nhiệm công việc điều hành đất nước.

Ông Biden đã đối mặt với hàng loạt lời kêu gọi rút khỏi cuộc đua tranh cử sau phần thể hiện được cho là thiếu thuyết phục trong cuộc tranh luận đầu tiên với ông Trump. Trả lời phỏng vấn hồi đầu tuần trước, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ dừng chiến dịch tái tranh cử nếu các bác sĩ thông báo ông có vấn đề về sức khỏe.

Trước đó, nhiều nguồn tin cho biết ông Biden đã "nghiêm túc xem xét việc rút lui". Chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden, Jen O'Malley Dillon, thừa nhận ông Biden đang đối mặt với một con đường tái tranh cử khó khăn. Đảng Dân chủ Mỹ ngày 18-7 thông báo hoãn buổi bỏ phiếu trực tuyến về việc đề cử Tổng thống Joe Biden làm ứng viên đại diện đảng ra tranh cử. Buổi bỏ phiếu ban đầu dự kiến diễn ra trong tuần này, nhưng hiện giờ được lùi sang một thời điểm trong tháng 8.

Theo CNN, trên thực tế, chiến dịch tranh cử của ông Biden đã kết thúc vào phút thứ 20 đầu tiên trong cuộc tranh luận với ông Trump tháng trước khi Tổng thống tỏ ra bối rối, kiệt sức và không thể công kích đối thủ hoặc tạo ra một tình huống có lợi cho chính mình.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Việc Tổng thống Joe Biden thông báo ông sẽ rút khỏi cuộc đua tranh cử tổng thống đã tạo ra một cú sốc lớn không chỉ đối với cuộc bầu cử năm nay mà còn đối với lịch sử nước Mỹ. Tình huống này đặt đảng Dân chủ vào tình thế khó khăn khi tìm ứng cử viên mới.

Đại hội đảng Dân chủ Mỹ sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22-8 tại Chicago. Đảng Dân chủ có thể chọn ứng cử viên của mình tại đại hội hoặc trực tuyến trước đó. Việc một tổng thống đương nhiệm không tìm kiếm nhiệm kỳ tiếp theo không phải là chưa từng có tiền lệ, nhưng các yếu tố xung quanh Tổng thống Biden - từ những lo ngại về khả năng đảm nhiệm chức vụ của ông đến quy mô của bộ máy vận động tranh cử mà ông kiểm soát - đã đẩy nước Mỹ vào tình thế ít có tiền lệ. Điều này xảy ra sau khi ông Biden đã thống trị các cuộc bầu cử sơ bộ. Do đó, có rất nhiều câu hỏi và điều chưa biết về tình huống mới trên.

Ngay sau khi tuyên bố rút lui, ông Biden đã ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử sắp tới. Ông Biden cũng ca ngợi bà Harris, người được đồn đoán từ lâu sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ nếu ông Biden dừng tranh cử, mô tả bà là "một đối tác phi thường để thực hiện công việc này". "Hôm nay tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ và tán thành hoàn toàn của mình để bà Kamala trở thành ứng cử viên của đảng chúng tôi năm nay. Đảng Dân chủ, đã đến lúc đoàn kết lại và đánh bại ông Trump. Hãy làm điều này", ông Biden kêu gọi.

Sự ủng hộ của Tổng thống Biden dành cho Phó Tổng thống Kamala Harris giúp bà có lợi thế, nhưng không chắc chắn. Mặc dù ông Biden đã thắng gần như mọi cuộc bầu cử sơ bộ, ông chưa phải là ứng cử viên chính thức và không thể quyết định đơn phương. Bà Harris không tự động trở thành người được đề cử. Tuy nhiên, địa vị của bà trong đảng Dân chủ và các mối quan hệ tại Nhà Trắng có thể khiến bà trở thành ứng cử viên hàng đầu, đặc biệt là với sự ủng hộ của Tổng thống Biden. Tiếp theo, Tổng thống Biden và bà Harris vẫn cần phải thuyết phục các đại biểu bỏ phiếu cho bà. Các cuộc thăm dò nội bộ cho thấy lựa chọn Phó Tổng thống Harris ít nhất sẽ hữu ích hơn trong việc thúc đẩy tinh thần của phe Dân chủ và một cuộc chạy đua đang vào giai đoạn cuối.

Trong một tuyên bố cùng ngày, bà Harris cho biết bà rất vinh dự khi nhận được sự ủng hộ của Tổng thống. Bà cho biết sẽ làm hết khả năng của mình để đoàn kết đảng Dân chủ nhằm đánh bại Donald Trump và chương trình nghị sự "cực đoan" của ông.

Ông Trump nói bà Harris dễ bị đánh bại hơn

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump cho rằng Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ là đối thủ dễ bị đánh bại hơn, sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố dừng tranh cử. Trao đổi với CNN qua điện thoại, ông Trump cho biết ông Joe Biden sẽ đi vào lịch sử với tư cách là "tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ từ trước đến nay". Ông Trump cho biết ông tin rằng Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ là đối thủ dễ đánh bại hơn so với ông Biden. "Joe Biden gian dối không phù hợp để tranh cử tổng thống và chắc chắn không phù hợp để phụng sự đất nước. Và chắc chắn không bao giờ như vậy! Ông ấy chỉ đạt được chức vụ tổng thống bằng những lời dối trá, tin giả. Tất cả những người xung quanh ông ấy, bao gồm cả bác sĩ và giới truyền thông, đều biết rằng ông ấy không có khả năng trở thành tổng thống và ông ấy thực sự không có khả năng đó", ông Trump bình luận.

Người dân Mỹ cầm biểu ngữ bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổng thống Joe Biden bên ngoài Nhà Trắng hôm 21-7. Ảnh: Getty

Cảm xúc trái ngược của cử tri Mỹ

Quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong ngày 21-7 về việc dừng tái tranh cử đã thu hút làn sóng phản ứng trái chiều từ cử tri Mỹ. Theo AFP, trong khi một số người bày tỏ nỗi buồn sâu sắc khi cho rằng Tổng thống Biden đã có một nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên mang lại hiệu quả lớn và bị buộc phải từ bỏ cuộc đua, thì những người khác lại cho rằng quyết định này lại là một sự buông bỏ nhẹ nhõm vì ngày càng có nhiều lời kêu gọi yêu cầu ông rút lui và những dấu hiệu tuổi tác thể hiện rõ ràng trong các sự kiện gần đây.

"Một nhà lãnh đạo của thế giới tự do cần phải nhạy bén, và cần phải thực sự vào cuộc... Ông ấy là một người tốt bụng, ông ấy quan tâm đến đất nước của chúng ta… ông ấy đã phục vụ đất nước chúng ta trong một thời gian dài. Thật đáng buồn", nhà sử gia nghiệp dư về tổng thống Thomas Watson, 67 tuổi, chia sẻ cảm xúc. Một người dân ở Washington cho biết: "Ông ấy đã lắng nghe người dân Mỹ và đã làm những gì tốt nhất cho đảng và đất nước mình. Tôi nghĩ đó là một trong những việc làm vì mọi người và đáng ngưỡng mộ nhất mà bạn có thể làm". "Tôi rất buồn vì ông ấy đã chọn bước sang một bên, nhưng tôi thực sự muốn cảm ơn ông ấy vì sự phụng sự. Có lẽ ông ấy đã đặt đất nước lên trên những mục tiêu cá nhân của mình. Và tôi thực sự hào hứng về bà Kamala, tôi hy vọng bà ấy sẽ làm thật tốt và chúng ta sẽ chứng kiến Đảng Dân chủ giành chiến thắng vào tháng 11", một người ủng hộ Đảng Dân chủ bày tỏ ý kiến.

Một số cử tri cũng tỏ ra khá hoang mang trước ứng viên tiềm năng thay thế ông Biden ra tranh cử, Phó Tổng thống Kamala Harris - người được đích thân Tổng thống Biden lên tiếng ủng hộ. "Điều khiến tôi lo lắng là tôi không biết đất nước này đã sẵn sàng bầu chọn một phụ nữ da màu hay chưa. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, nhanh chóng", bà Mary Biggs, một nhà giáo dục 58 tuổi, ở New York, nói. Jill Lake, một cử tri đảng Dân chủ sinh sống tại Maryland, thì cho rằng những gì mà các nhà lãnh đảng làm đến nay, đưa bà Kamala lên vị trí dẫn đầu đều có lý do và điều đó thể hiện sự đoàn kết của đảng trong bối cảnh rối ren như này.

Phản ứng của các lãnh đạo thế giới

Phản ứng trước quyết định bất ngờ của Tổng thống Biden, lãnh đạo nhiều nước đã bày tỏ sự tôn trọng cho quyết định của ông.

Từ châu Âu, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết ông tôn trọng quyết định của Tổng thống Biden, nhấn mạnh ông Biden đã trải qua một sự nghiệp chính trị đầy ý nghĩa. Trong tuyên bố cùng ngày, ông Starmer bày tỏ mong muốn tiếp tục phối hợp với nhà lãnh đạo Mỹ "trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống", đồng thời nhấn mạnh: "Theo tôi, …Tổng thống Biden đã đưa ra quyết định dựa trên những gì mà ông ấy tin tưởng sẽ phục vụ cho lợi ích cao nhất của nhân dân Mỹ".

Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết đang theo dõi các diễn biến sau khi Tổng thống Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua, đồng thời nhận định "rất nhiều thứ có thể thay đổi" trong giai đoạn hiện nay. Chia sẻ với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn còn 4 tháng ở phía trước. Đó là một chặng đường dài, trong đó, rất nhiều thứ có thể thay đổi. Chúng tôi cần chú ý, theo dõi những gì sẽ diễn ra và ảnh hưởng tới công việc của chúng tôi".

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn Tổng thống Biden vì "sự ủng hộ không ngừng nghỉ" trong cuộc chiến của đất nước ông. "Nhiều quyết định mạnh mẽ đã được đưa ra trong những năm gần đây và chúng sẽ được ghi nhớ như những bước đi táo bạo của Tổng thống Biden để đối phó với thời điểm đầy thử thách. Chúng tôi sẽ luôn biết ơn sự lãnh đạo của Tổng thống Biden", ông Zelensky chia sẻ trên mạng xã hội X.

Tại Trung Đông, Tổng thống Israel Isaac Herzog cảm ơn người đồng cấp Biden vì "tình bạn và sự ủng hộ kiên định đối với người dân Israel". Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng bày tỏ sự cảm ơn tới Tổng thống Biden đã đưa ra những quyết định khó khăn. "Nhờ đó Ba Lan, Mỹ và thế giới được an toàn hơn, và nền dân chủ mạnh mẽ hơn", Thủ tướng Tusk viết.

AN BÌNH