Tổng thống Trump đến Châu Âu: Chuyến đi đầy tham vọng

Thứ sáu, 07/07/2017 13:30

(Cadn.com.vn) - Chuyến đi đến Châu Âu lần này của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá là “khá vất vả”. Ông chủ Nhà Trắng phải thể hiện mình tại cuộc họp gai góc - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - và làm dịu sự giận dữ từ các đồng minh truyền thống.

Ngày 6-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thủ đô Warsaw, bắt đầu chuyến thăm Ba Lan, nơi ông có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Andrzej Duda. Sau Warsaw, ông Trump sẽ đến Hamburg, Đức để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Giới quan sát nhận định, ông Trump đặt nhiều tham vọng trong chuyến công du Châu Âu lần này, nhất là khi lần đầu tiên phải đối mặt với lãnh đạo các quốc gia tại hội nghị G20, và còn đó là nỗ lực làm dịu sự giận dữ của các đồng minh truyền thống trong NATO. An ninh ở Hamburg được thắt chặt trong bối cảnh hơn 10.000 người xuống đường biểu tình và có những cảnh báo về các vụ đụng độ có thể xảy ra bạo lực. Cảnh sát đã tịch thu một số vũ khí tự chế.

Người biểu tình xuống đường phản đối hội nghị G20 ở Hamburg, Đức. Ảnh: Reuters

Khí đốt của Mỹ cho Châu Âu

“Cuộc đảo chính” kéo dài 4 ngày của Tổng thống Mỹ bắt đầu ở Warsaw, nơi ông có bài phát biểu quan trọng, đặt tầm nhìn trọng tâm của ông về quan hệ giữa Nhà Trắng với Châu Âu trước khi chuyển sang thành phố Hamburg dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền. Trên bàn hội nghị này, những dòng chảy địa chính trị - từ mối quan hệ lạnh giá hai bờ Đại Tây Dương đến những mối quan hệ ngày càng khó khăn với Trung Quốc - sẽ được bàn đến.

Nhiệm vụ đầu tiên trong chương trình nghị sự bận rộn của ông Trump sẽ là Hội nghị Thượng đỉnh Sáng kiến 3 Biển - một sáng kiến kết nối 12 quốc gia đến từ các biển Baltic, Adriatic và biển Đen. Hai quốc gia tài trợ chính cho hội nghị này là Ba Lan và Croatia đều muốn cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng khu vực, vừa để tăng cường sự kết nối vừa để giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga. Ông Trump sẽ đánh mạnh vào vấn đề này, nói rằng, nhập khẩu khí đốt của Mỹ có thể làm giảm sự phụ thuộc của họ vào Nga.

Thực tế, Ba Lan đang cố gắng trở nên ít phụ thuộc vào năng lượng hơn với Nga. Và tháng trước, lô hàng vận chuyển khí đốt hóa lỏng (LNG) đầu tiên của Mỹ đã đến quốc gia Châu Âu này. Ba Lan và 3 quốc gia vùng Baltic phản đối việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi của Nga đến Đức, gọi là “Nord Stream 2”.

Chờ thượng đỉnh Nga - Mỹ

Tuy nhiên, mọi chú ý đổ dồn vào cuộc gặp giữa ông Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, cuộc gặp mang tầm ý nghĩa địa chính trị quan trọng đối với ông chủ mới của Nhà Trắng.

Một số trợ lý thân cận của ông chủ Nhà Trắng đang bị điều tra với cáo buộc có mối quan hệ mật thiết với Nga, quốc gia vốn đang bị giới tình báo Mỹ cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống, đưa ông Trump lên nắm quyền hồi tháng 11-2016. Vụ bê bối tiếp tục ăn sâu khi các nhân viên chủ chốt của Nhà Trắng buộc phải thuê luật sư riêng và dành thời gian bác bỏ những cáo buộc mới. Cho đến nay, Tổng thống Trump mới chỉ miễn cưỡng chấp nhận cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ hoặc miễn cưỡng chỉ trích giới lãnh đạo Nga và cho rằng, các cáo buộc chống lại trợ lý của ông là “giả mạo”. Vì vậy, ngay cả những bức ảnh đơn giản cho thấy ông Putin và Trump bắt tay thân thiết đều tạo ra nguy cơ chính trị cho tổng thống Mỹ bởi đó có là “công cụ” để những người phản đối tấn công ông chủ Nhà Trắng. Đó là lý do vì sao khi ở Ba Lan, Tổng thống Trump đưa ra lời chỉ trích hiếm hoi về cách hành xử của Nga, miêu tả các hành động của Moscow đang gây bất ổn. 

Trong khi Warsaw có thể là phần ít rắc rối nhất trong chuyến đi, nhưng không phải là không khó khăn khi người Ba Lan vẫn luôn theo dõi sát sao để thấy được cam kết nhà lãnh đạo Mỹ đối với an ninh Châu Âu có đáng tin cậy hay không. Ba Lan, giống như nhiều quốc gia ở Đông và Trung Âu, nhìn nhận NATO và các hiệp định quốc phòng chung như là một rào cản lớn trong mối quan hệ với Nga. Tổng thống Trump đã tuyên bố ủng hộ cam kết một liên minh “một đối một”, nhưng cũng chỉ trích các đồng minh Châu Âu không chi đủ tiền cho liên minh này.

KHẢ ANH