Trả giá đắt vì không học vẫn muốn có bằng cấp
Ngày 13-6, TAND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa xét xử vụ án: “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” đối với bị cáo Th.M (33 tuổi, trú Quảng Trị). Trong vụ án này, nữ bị cáo đặt mua chứng chỉ ngoại ngữ giả để bổ sung hồ sơ xin việc, mong sớm thoát cảnh thất nghiệp nhiều năm.
Bị cáo là Th.M tốt nghiệp ngành điều dưỡng hệ Cao đẳng nhưng công việc không ổn định và thất nghiệp một thời gian dài. Nhất là sau khi lập gia đình, sinh con, M. bận bịu với con cái nên càng không có điều kiện để xin việc. Mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai người chồng đang làm công trình ở xa. Trong hoàn cảnh đó, M. không đợi để xin việc đúng ngành mình đã học mà rẽ lối xin làm mảng du lịch và nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng xin cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Nhưng theo quy định, M. còn thiếu chứng chỉ ngoại ngữ.
Nóng lòng bổ sung đủ hồ sơ nhằm sớm được cấp thẻ hành nghề, tìm được việc nên M. lên mạng xã hội tìm thông tin và đặt mua một chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh bậc 5. Khoảng tháng 2-2023, M. liên hệ đặt mua chứng chỉ tiếng Anh bậc 5 mang tên mình với giá 2 triệu đồng. Vài ngày sau, M. được giao tận nhà tờ chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh giả có nội dung do Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng cấp ngày 26-8-2022. Sau đó, M. mang đi công chứng rồi đến nộp cho cơ quan chức năng. Sau khi tiếp nhận, bộ phận chuyên môn tiến hành xác minh thì Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng trả lời không tìm thấy thông tin chứng chỉ ngoại ngữ của M. lưu tại trường.
Sự việc bị bại lộ, hành vi của M. bị điều tra, khởi tố về tội: “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Dính lao lý, M. mới nhận thức rõ được hành vi phạm tội và hậu quả khôn lường. Trước hết, là xâm phạm quyền quản lý trật tự của Nhà nước, nhìn xa hơn, đó là hành vi ích kỷ. Đặc biệt, M. còn lo lắng, sợ đối diện với án tù khi gia cảnh quá khó khăn, neo người. Tuy nhiên, khép lại phiên tòa, HĐXX xét thấy bị cáo đã rất hối hận, ăn năn, phạm tội lần đầu, cũng như hoàn cảnh gia đình, tuyên phạt tiền 30 triệu đồng đối với M. Đây là bài học cho M., cũng là chung cho nhiều người khác khi cuộc sống có những việc cần kíp, yêu cầu có bằng cấp lại nghĩ ngay đến việc mua bằng giả thay vì nghiêm túc học hành.
Tương tự, V.D (1992, trú Quảng Trị) cũng mua Giấy phép lái xe giả và sử dụng trót lọt nhiều năm nhưng rồi vẫn bại lộ bởi lý do không ngờ tới. Và rồi V.D cũng phải hầu tòa về tội: “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Theo hồ sơ vụ án, khi V.D (1992) điều khiển xe máy trên QL9 (đoạn qua TP Đông Hà, Quảng Trị), do chủ quan nên xảy ra TNGT làm 1 người đi bộ tử vong. Quá trình giải quyết vụ TNGT, D. nộp cho cơ quan Công an 1 Giấy phép lái xe hạng A1, được cấp vào năm 2012 để xác định bản thân đủ điều kiện điều khiển xe mô-tô tham gia giao thông. Tuy nhiên, qua điều tra, cơ quan Công xác định được đây là bằng giả. Lúc đó, D. mới thừa nhận mua vào năm 2012 khi ra Hà Nội học nghề.
Cụ thể, thời điểm đó, D. muốn có giấy phép lái xe hạng A1 để sử dụng nên đến trường lái quận Hà Đông (Hà Nội) để hỏi trình sự thủ tục học thi. Nhưng khi đang ngồi ở quán nước gần trường thì có một người đàn ông không rõ lai lịch đến hỏi D. về việc mua giấy phép lái xe cho nhanh. D. đồng ý và khoảng 1 tháng sau, D. được người đàn ông này giao giấy phép lái xe hạng A1, có giá trị không thời hạn. Từ đó, D. sử dụng mỗi khi tham gia giao thông. Đến khi xảy ra hậu quả do TNGT và dính lao lý, D. mới thấm thía về hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả.
BẢO HÀ