Trách nhiệm người đứng đầu và bản lĩnh người thầy

Thứ năm, 15/03/2018 11:00

Đã hơn 10 ngày trôi qua nhưng sự vụ một cô giáo ở trường tiểu học Bình Chánh (H. Bến Lức, Long An) bị phụ huynh (PH) gây sức ép, buộc phải quỳ 40 phút vì đã phạt tập thể học sinh (HS) quỳ, vẫn để lại nhiều sang chấn trong dư luận xã hội. Không ai đồng tình với hành động xúc phạm danh dự người thầy của vị PH nọ...

Câu chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ ở trường Bình Chánh vẫn chưa nguôi sang chấn trong dư luận xã hội.   Ảnh: VNN

1. Dù với mục đích răn đe, giáo dục nhằm giúp HS chăm ngoan hơn, thì việc cô giáo nọ phạt tập thể HS quỳ bởi lỗi thuộc về một vài HS trong lớp vẫn là sai, vượt quá chuẩn mực sư phạm, không phù hợp môi trường giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, đáng lý sau khi phản ánh sự việc với ban giám hiệu, PH Võ Hòa Thuận nên bình tĩnh chờ hướng xử lý từ nhà trường. Trong trường hợp nhà trường xử lý không thỏa đáng, PH này vẫn còn nhiều cách phản ánh sự việc lên các cấp cao hơn...

Bất an và chua xót trước cách hành xử không phải đạo từ phía PH, tác giả Mai Lê trên báo Người Lao động ngày 9-3 đã có lý khi quan ngại rằng: “Tôi đang lo chính phụ huynh dần đẩy người thầy rời xa nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh. Cứ hễ mắng trò, phạt trò là bị lên án, kỷ luật, bị đuổi đánh, quỳ gối, thử hỏi còn ai đủ sức nuôi dưỡng tâm huyết hết lòng uốn nắn nhân cách, tâm hồn học sinh? Khi người thầy cứ lên lớp dạy kiến thức cho hết bài, xong buổi ôm cặp ra về và tự nhủ “mặc kệ nó” thì chính lúc ấy, phụ huynh phải gánh lấy hậu quả nuông chiều con cái quá mức. Giáo dục không thể chỉ thực hiện nhiệm vụ dạy chữ! Giáo viên không thể “dạy người” khi mà quyền giáo dục học sinh cứ bị tước dần!”.

2. Là phóng viên phụ trách mảng giáo dục hơn 20 năm, tôi đã nghe và chứng kiến không biết bao chuyện buồn vui của ngành giáo dục thời mở cửa. Trước những tác động, ảnh hưởng mặt trái cơ chế thị trường, có không ít người thầy  đã, đang dần đánh mất vai trò, trách nhiệm, sự mô phạm của nghề giáo vốn được xã hội tôn vinh “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Dù không đánh đồng tất cả, nhưng việc ngành giáo dục đang dần đánh mất đi vị thế, để  PHHS và dư luận xã hội tham góp, “can thiệp” ngày càng sâu, trước hết nên “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, bởi một trong nhiều nguyên nhân xuất phát từ lỗ hổng của ngành dẫn đến hệ lụy trên, khiến ngành thiếu sức “đề kháng” trước sức ép của PH và dư luận... Vì lẽ đó, không ít thầy cô giáo tâm huyết với nghề thấy mệt mỏi, chọn giải pháp an phận, đến trường dạy đủ giờ, đủ tiết rồi về. Một khi người thầy thiếu đam mê, thiếu nhiệt huyết, thiếu dũng cảm, thiếu bản lĩnh nhận sai, sửa sai, tự chịu trách nhiệm dẫn đến việc làm cái gì cũng sợ... bị PH, xã hội xét nét, thì làm sao có thể truyền được “lửa” đến HS (?!). Phải chăng đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến nhiều HS có học lực giỏi không chọn ngành sư phạm để lập nghiệp và dấn thân?

Dẫu biết việc phân định ai sai, ai đúng giờ đã không còn quan trọng, bởi những gì dư luận bức xúc lên tiếng trong những ngày qua đã tác động không nhỏ đến tâm lý, nhận thức của cả hai bên. Dù cảm thông trước tình thế “chẳng thể đặng đừng”, nhưng hành động quỳ trước PH của cô giáo trường tiểu học Bình Chánh cho thấy sự thiếu bản lĩnh, không biết cách xử lý tình huống khi sự việc xảy ra. Đáng lý, sau khi nhận lỗi, sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm về hành vi của mình trước nhà trường, cô giáo ấy không việc gì phải quỳ. Không thể vì cái sai này lại kéo theo một cái sai khác lớn hơn... Với tư cách người đứng đầu nhà trường, đáng lý sau khi nhận trách nhiệm, hứa khắc phục hậu quả, Hiệu trưởng phải có cách xoa dịu tình hình, mời PH ra về, bởi nhà trường có kỷ luật, nội quy, không thể ai muốn vào làm gì cũng được. Lấy lý do có việc rồi rời khỏi phòng họp, để giáo viên một mình giải quyết xung đột với PH cho thấy sự thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh của người đứng đầu... Cũng cần góp ý về trách nhiệm của Trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường (chứng kiến nửa phần đầu sự việc) và Trưởng ban cha mẹ học sinh lớp khi không tìm cách can gián trước hành động sai trái của vị PH trên, khác gì dung túng trước cái sai, cái chưa đúng...

3. Trong bối cảnh giáo dục có quá nhiều chuyện đáng buồn, tôi chợt nhớ về thầy chủ nhiệm lớp 9 THCS đáng kính cách đây 30 năm. Hôm đó vào giờ toán của thầy, một bạn nam mắc lỗi và có hành vi thiếu tôn trọng thầy giáo. Thầy đã cho bạn ấy một bạt tai. Đến giờ chủ nhiệm, thầy nhắc lại chuyện này với lời giải thích khiến cả lớp và ngay cả bạn bị đánh tâm phục, khẩu phục. Thầy nói rằng (đại ý), việc thầy đánh bạn ấy, chiếu theo quy định của ngành là không đúng. Bạn ấy có quyền “kiện” thầy về điều này. Nhưng thầy cũng có lý do để bảo vệ cho hành động của mình. Là HS, khi đến trường phải chấp hành nội quy trường lớp, biết kính trọng, lễ phép với thầy cô giáo, người lớn tuổi bởi “tiên học lễ, hậu học văn”. Việc bạn ấy không chấp hành nội quy, có thái độ thiếu tôn trọng thầy giáo là vi phạm chuẩn mực cần phải có của HS. Thầy nêu ra một số trường hợp sai phạm khác trong lớp nhưng không đến mức bị phạt nặng để chứng minh phải quá đáng thế nào, thầy mới có hành động như thế. Vì lẽ đó, cái tát của thầy không đơn thuần là cái tát của người thầy mà là cái tát của một người cha, người anh trước sai trái của con, em mình...

Trong suốt một năm chủ nhiệm, thầy để lại trong chúng tôi bao tình cảm trân trọng, đáng kính về một người thầy đầy tinh thần trách nhiệm, yêu nghề, yêu trò. Tôi học được bài học đáng quý từ thầy đó là: Dù là người lớn, thầy cô, khi có lỗi phải biết nhận lỗi và sửa sai. Việc nhận lỗi, sửa sai, tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình không làm cho người thầy nói riêng, người lớn nói chung mất đi uy tín, trái lại càng tôn vinh bản lĩnh, giá trị của người thầy, người lớn trước trẻ nhỏ. Và rằng, không thể vì lỗi một người hay vài người mà ảnh hưởng cả một tập thể!

4. Cách đây không lâu, một lần đi học về, cháu tôi buồn rầu bày tỏ sự thất vọng vì nhà trường trước sức ép của một bài viết chưa đúng trên mạng, đã không bảo vệ cho công trình do HS thực hiện trong ngày hội của trường. Cháu bày tỏ quan điểm, bức xúc về tác giả bài viết đó bao nhiêu thì cũng buồn không ít trước việc nhà trường không đủ bản lĩnh để bảo vệ, đấu tranh đến cùng cho HS nếu thấy công trình đó không có gì là sai.

Xưa nay, ai cũng nói thầy cô, người lớn phải là tấm gương cho trẻ nhỏ noi theo. Điều đó đúng nhưng chưa đủ! Trẻ nhỏ, HS cũng là tấm gương để người lớn, thầy cô soi vào mà điều chỉnh hành vi cũng như những khiếm khuyết, chưa đúng của mình trong cách giáo dục, ứng xử với con trẻ, HS. Chuyện cô giáo bị ép quỳ ở H. Bến Lức không chỉ là “giọt nước tràn ly”, không chỉ là “cái tát” nhức buốt với ngành giáo dục, mà còn với cả xã hội khi những giá trị chuẩn mực về mặt đạo đức, kỷ cương, ứng xử, hành xử giữa con người với con người đang có chiều hướng bị đảo lộn khi soi rọi vào truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta!

KHÁNH YÊN