Trại giam T10 và thung lũng tình yêu

Thứ tư, 10/06/2020 15:10

Sau khi phạm nhân đặc biệt nguy hiểm Triệu Quân Sự bỏ trốn, từ khóa trại giam T10 ở H. Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được truy cập khá nhiều. Nhưng điều bất ngờ, đây không phải là nơi khắc nghiệt như "chuồng cọp", mà là nơi lưu dấu nhiều cuộc tình.

Bà Lương Thị Mực kể câu chuyện về cuộc tình kỳ diệu của người con rể Nguyễn Hoàng Sa.

Từ phía bắc cầu Châu Ổ, H. Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), rẽ lên xã Bình Khương, cách đây chưa lâu, đây là chặng đường khổ ải. Khoảng 20km từ quốc lộ lên khu vực núi Đá Bàn, là nơi có trại tù T10 nhưng đi phải mất nhiều thời gian. Dù đoạn đường không dài, nhưng là con đường đầy khổ ải, hai bên đường là bụi cây và mía bạt ngàn, nền đường lầy lội vào mùa mưa, lởm chởm ổ gà, đá sắc và bụi mù mịt vào mùa nắng. Tuyến đường này hiện nay đã được bê-tông hóa, đi cắt ngang gầm cầu cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.

Trại giam T10 có 2 khu nhà, một khu vực dành cho các hoạt động hành chính, một khu dành cho trại tù. Bên cạnh trại giam là một mảng đồi thoai thoải trồng keo rất xanh tốt, phía trước trại là vườn rau tăng gia. Khu vực trại giam được giăng 3 lớp kẽm gai bùng nhùng vắt ngược. Đó là cách bố trí kẽm gai cuộn tròn và đổ ngược vào bên trong, nếu tù nhân vượt được lớp rào thì sẽ mắc kẹt ở lớp rào thứ 2. Phạm nhân nếu cố vượt khỏi mớ bùng nhùng đó sẽ dễ dàng bị lính trên vọng gác phát hiện và bắt giữ. Vậy nhưng Triệu Quân Sự vẫn 2 lần thoát thân, chứng tỏ y có kỹ thuật vượt rào rất giỏi.

Trại tù thường khắc nghiệt, là nơi đầy ớn lạnh, khổ ải, nhưng người dân sống ở 2 thôn Phước An và Trà Lăm, xã Bình Khương lại không có cảm nhận về điều này. Bởi đây là trại tù của quân đội, nên những hoạt động dân vận vẫn được đơn vị này tổ chức như: chiếu phim, hoạt động văn hóa văn nghệ, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể vào thăm, tặng quà cho cán bộ trại giam vào các dịp lễ, tết.

Hơn 20 năm trước, một tù nhân có tay nghề bốc thuốc Nam rất giỏi đã đứng ra khám chữa bệnh cho người dân trong vùng. Ông Hòa, một người dân ở tận xã Bình Hiệp (H. Bình Sơn) cho biết, lương y này cho thuốc uống rất hiệu quả, vì vậy những người dân sống cách trại giam T10 từ 40 - 50 km cũng lên trại tù để xin bắt mạch, hốt thuốc. Trại tù bỗng dưng trở thành phòng khám vì nhiều người đến xin thuốc. Khi vào trại thì thấy lương y này được phép hoạt động ở một khu vực nhất định, người dân được cấp thuốc, được hướng dẫn khá tận tình. Từ đó người dân ở các xã gọi lương y này là thầy thuốc T10.

Gần 1 tuần lễ sau vụ việc phạm nhân Triệu Quân Sự bỏ trốn khỏi nơi giam giữ, người dân ở 2 thôn Phước An và Trà Lâm vẫn kể lại câu chuyện nóng hổi. Đó là buổi chiều ngày 4-6, tiếng loa phát thanh vang lên khắp xóm thông báo "có phạm nhân vượt trại giam T10, mọi người dân phải chú ý". Bà Nguyễn Thị Phúc, nhà ở dưới khu vực ngã ba đường dẫn ra cầu Đá Bàn cùng nhiều người thấp thỏm rồi đóng sầm cửa lại. Mọi người lo lắng việc phạm nhân sẽ cướp xe, hoặc lén chui vào nhà lẩn trốn. Trong suốt mấy chục năm sống gần trại T10, việc thông báo phạm nhân bỏ trốn rất ít khi xảy ra. Nhưng lần này khiến nhiều người chú ý, bởi chính quyền thông báo, phạm nhân Triệu Quân Sự rất nguy hiểm vì đã bỏ trốn lần thứ 2, từng có tiền án giết người, cướp của.

Đường vào trại giam T10. 

Nhiều người sống ở khu vực ngã ba dẫn ra cầu Đá Bàn đến trại giam T10 cho biết, người dân sống ở đây ít khi phải sợ hãi phạm nhân giam giữ ở T10 như đợt vừa rồi. Bởi vì mấy chục năm qua, nhiều mái ấm đã mọc lên, kết quả kết hôn giữa chị em phụ nữ địa phương với những phạm nhân đã mãn hạn tù. Phần lớn các tù nhân này quê ở phía bắc như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang, Thái Nguyên... Bà con kể về các cuộc tình, đoạn kết là những chàng tù nhân xin "ở tù" suốt đời tại quê hương vợ, có người làm nghề nông, có người buôn bán, thợ rèn...

Cặp đôi có hậu nhất, đó là chị Đoàn Thị Chiến và anh Nguyễn Hoàng Sa. Bà Lương Thị Mực, mẹ vợ của người tù mấy chục năm về trước kể lại, thằng con rể vốn là tù nhân ở T10. Bà Mực cho biết, hàng ngày đi cắt cỏ gần trại T10, bà đã hỏi thăm quê quán, người tù nhân có khuôn mặt hiền khô. Chàng thanh niên này cho biết, quê ở H. Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), là lính vệ binh, do mang súng ngắn quên kéo khóa an toàn, gây tai nạn nên phải đi tù.

Bà Mực và người chồng của mình gặp nhau trước năm 1975 tại Sài Gòn. Ông qua đời mà bà chưa một lần về thăm quê, vì giai đoạn đất nước còn chiến tranh. Trước khi qua đời, ông căn dặn bà sau này tìm về quê  ở Duy Xuyên, Quảng Nam, nếu có điều kiện thì cho con gái làm dâu ở quê hương để hương khói cho ông bà nội. Khi mãn hạn tù, chàng Nguyễn Hoàng Sa xin kết hôn với con gái của bà Mực rồi đưa mẹ vợ về tìm lại quê cha chồng. Bà ngạc nhiên, vì nhà của người con rể nằm cách không xa nhà của cha mẹ chồng.  

Bà Mực nhớ lại chuyện cũ, một câu chuyện giữa người tù với người con gái lớn của mình. Bà nói vui "hồi đó con gái mới học tới lớp 7, vậy mà nó chờ miết cho học hết lớp 12, khi đủ tuổi rồi mới cưới, bợ về Quảng Nam".

LÊ VĂN CHƯƠNG

>> Dừng phương án bay flycam, duy trì các chốt chặn đường đào thoát của Triệu Quân Sự

>> Truy bắt phạm nhân vượt ngục đào thoát trên núi Hải Vân: Siết chặt vòng vây

>> Phạm nhân mang 4 tiền án, trốn trên đèo Hải Vân đã vượt ngục như thế nào?

>> Trực tiếp từ hiện trường vây bắt đối tượng trốn trại nguy hiểm trên núi Hải Vân

>> Truy tìm phạm nhân 2 lần vượt ngục