Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam ngày 2 và 5-8-1964:

Trận đầu đọ sức với máy bay Mỹ

Thứ hai, 28/07/2014 08:21

(Cadn.com.vn) - Ngày 5-8-1964, nhằm gây sức ép với Hạ viện Mỹ đồng ý đưa quân đội vào để Mỹ hóa cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, Tổng thống Mỹ Johnson đã tạo cớ sự kiện Vịnh Bắc Bộ và ngang nhiên cho máy bay tiến hành chiến dịch "Mũi tên xuyên" bắn phá hầu hết các căn cứ Hải quân của ta. Lực lượng tàu chiến đấu của Hải quân Việt Nam chẳng những đã không bị tiêu diệt mà còn giáng cho không quân Mỹ những đòn nặng nề. Đại tá Ngô Đức Lô, nguyên Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, hiện ở tại 567-Ngô Quyền, Đà Nẵng đã kể lại chiến trận khu vực Cảng sông Gianh (Quảng Bình) mà ông có mặt, như một nhát cắt của lịch sử.

Nhập ngũ năm 1959 lúc 18 tuổi, chàng thanh niên Ngô Đức Lô quê  Lệ Thủy, Quảng Bình được biên chế vào Phòng bảo đảm hàng hải Quân chủng Hải quân với nhiệm vụ đo đạc vẽ bản đồ, khảo sát các cửa biển. Ngày 5-8-1964, như mọi ngày, chiếc tàu 50 tấn mà ông không còn  nhớ số hiệu, chở 22 CBCS của đơn vị ông đang khảo sát ở Vịnh Hòn La, Quảng Bình bỗng dưng một tiếng nổ sang lên. Trên đài chỉ huy, chiến sĩ tín hiệu bị thương, ngã xuống. Nhìn lên bầu trời, ba chiếc máy bay hiện đại của Mỹ đang xoẹt qua hung hãn với tầm cao khoảng 3 km. Quả rốc két khác xuyên bong tàu sắt. Chiến sĩ cơ điện tên Mười đang làm việc dưới gầm bị mảnh đạn làm rách bụng, máu chảy lênh láng.

Mọi người sơ cứu bằng cách bỏ thật nhiều bông vào rồi quấn chặt để cầm máu. Lúc đó tầm 11 giờ trưa. Đã được quán triệt âm mưu của Mỹ tạo cớ đánh phá miền Bắc nên dù lần đầu tiên nhìn thấy máy bay kẻ thù, đơn vị không hề lúng túng, bị động mà khẩn trương báo động chiến đấu. Hỏa lực của tàu lúc đó chỉ có súng 25mm, 12,7mm, trung liên nhưng những loạt đạn bắn cấp tập đã làm chúng vội vã rút quân. Nhanh chóng đưa tàu về bến để cứu chữa thương binh, đơn vị chuyển hướng ra ngoài cửa sông Gianh.

Đại tá Ngô Đức Lô, khi là Tư lệnh Vùng 3 với nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

 15 giờ ngày 5-8. Biên đội máy bay đông đến 6 chiếc của Mỹ lại bổ nhào bắn phá lần thứ hai. Đội trưởng đo sâu Hoàng Văn Quý quê vùng biển Lý Hòa bị rốc két phang cụt chân, sau đó đưa vào bờ thì hy sinh. Súng máy của tàu lại đáp trả dữ dội buộc chúng rút lui. Dù chiếm ưu thế hỏa lực và cơ động, lại làm chủ trên không, nhưng Mỹ đã vấp lực lượng hải quân Việt Nam, vũ khí chưa hiện đại nhưng có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, ý chí chiến đấu kiên cường và chúng phải chuốc lấy thất bại.

Sau này ông Lô được biết, có một chiếc máy bay bị bắn cháy từ đạn lửa của các tàu hải quân ở sông Gianh, có thể từ tàu của Phòng bảo đảm hàng hải thuộc Quân chủng. Ông cũng được thông báo rằng, toàn miền Bắc có 8 máy bay Mỹ bị các lực lượng của ta bắn rơi tại chỗ, nhiều chiếc khác bị thương, tên phi công Mỹ Anvarét bị bắt sống ngay trên Vịnh Hạ Long. Chiến dịch "Mũi tên xuyên" với những tham vọng to lớn đã bị bẻ gãy ngay từ trận đánh đầu tiên. Đội trưởng đo đạc địa hình Ngô Đức Lô được bổ sung vào tàu phóng lôi hai ống hoạt động ở vùng biển Hạ Long đến năm 1966 mới lên bờ về lại cương vị cũ ở Quân chủng.

Đại tá Ngô Đức Lô (thứ 5 từ phải qua) với cán bộ Vùng 3 (1988).

Vị thuyền trưởng của những con tàu lớn sôi nổi hẳn lên khi nhớ về một quãng đời binh nghiệp đầy ý nghĩa của mình. Đáp ứng yêu cầu tình hình mới khi Mỹ đã can thiệp sâu vào Việt Nam, ông cùng nhiều cán bộ hải quân được cử đi học chỉ huy tàu 6 năm ở Nga. Năm 1974 về nước, Ngô Đức Lô trong đội hình Trung đoàn 172, Sở Chỉ huy tiền phương tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt ở Đà Nẵng ngày 29-5-1975 và tiếp tục đi giải phóng đảo Thổ Chu.

Năm 1978, ông chỉ huy khung tàu 09 với 108 cán bộ, thủy thủ sang Nga 6 tháng để được huấn luyện kỹ thuật và tiếp nhận phương tiện của bạn. Hai con tàu 09, 11 do ông làm thuyền trưởng được đưa về sau đó thực sự là vốn quý của Hải quân Việt Nam. Sau này trên cương vị Phó Tư lệnh Vùng 3, ông lại tiếp tục được đi học 1 năm ở Học viện Hải quân ở thành phố Lêningrat về binh chủng hiệp thành và chỉ huy chiến đấu. Ông về hưu sau 10 năm làm Tư lệnh Vùng 3 (2000). Vừa có thực tiễn trong chiến đấu vừa được đào tạo bài bản, chuyên sâu ở trong nước và nước bạn, ông có nhiều đóng góp lớn cho ngành Hải quân, đặc biệt là xây dựng Vùng 3 vững mạnh, phát triển.

Dầu đã "giã từ vũ khí" và tuổi đã cao, nhưng Đại tá Ngô Đức Lô luôn theo dõi sự trưởng thành của một Quân chủng mà cuộc đời ông đã dành trọn tâm huyết, trách nhiệm. Hải quân Việt Nam đang mạnh lên, đó là niềm tự hào không chỉ của CBCS trong ngành mà là của cả dân tộc. Ông cho rằng, đánh thắng trận đầu ngày 5-8-1964 có ý nghĩa rất quan trọng, cho thấy, hải quân Việt Nam sẵn sàng đối phó với mọi thế lực chống phá, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ. Thế hệ trẻ hôm nay sẽ còn làm được những điều kỳ diệu hơn cả thế hệ ông lúc đó.

Hồng Vân