Tràn lan nạn bẫy chim sẻ

Thứ năm, 03/05/2018 12:41

Với người nông dân, từ bao đời nay, hình ảnh những chú chim sẻ vô cùng quen thuộc. Thế nhưng gần đây, bóng dáng của những đàn sẻ bắt đầu thưa dần, loài chim nhỏ xíu này đã trở thành một trong những đặc sản, có khắp các nhà hàng, quán nhậu. Trước kia, chim sẻ nhiều vô kể, nhiều đến nỗi chúng vào tận mái nhà làm tổ, ban đêm ngủ kín cả một vườn cây. Từ ngày bị con người giăng rập, săn lùng khắp nơi, chim vơi dần đi. Trên những sân phơi, ruộng lúa... đàn chim sẻ chỉ còn vài con, thoáng thấy bóng người chúng vội bay vút.

Thợ bẫy chim sẻ hành nghề trước mắt người dân.

Sáng 27-4, thấy ông B. (trú H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) chạy xe máy BKS 76N1... "ung dung" bẫy chim sẻ ở đoạn đường liên thôn Bắc An - An Trạch (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng), chúng tôi lân la đến gần. Một bộ đồ nghề bẫy chim khá đơn giản, gồm 1 cây cần tự chế có 2 thanh ngang bằng nhôm được quấn lớp vải mỏng, bôi một lớp keo dính đặt áp sát vào cột điện đường làng. Tiếng chim phát ra từ loa máy nhỏ gọi đàn. Từng đàn chim sẻ bắt đầu quần đảo. Khi chúng tôi mường tượng đến cảnh những con chim sẻ sà xuống đậu dính keo ngược đầu kêu thảm thiết như đã từng chứng kiến trước đây thì bất chợt, một chiếc xe máy chạy ngang qua, âm thanh động cơ làm đàn chim hốt hoảng tung cánh. Song, cũng có vài con không được may mắn như đồng loại... Ông B. cho biết, nghề chính của ông là nghề đi bán võng dạo. Hằng ngày, rảo xe qua các vùng quê, ông đã nhiều lần chứng kiến việc bẫy chim bằng keo rất hiệu quả. Cùng chỗ thuê trọ với ông, có nhiều người mỗi ngày bẫy gần trăm con. Họ kiếm tiền dễ hơn ông nhiều. Đa phần chim sẽ bẫy được do chất keo làm chân, lông chim xơ cứng nên phải làm thịt bỏ cho các nhà hàng, quán nhậu với giá 6-7 ngàn đồng/con... Còn anh H. (trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) mới tờ mờ sáng đã phóng xe máy qua vùng giáp ranh Hòa Nhơn (H. Hòa Vang) căng mắt nhìn các vuông lưới giăng sát cánh đồng lúa vừa gặt. Trời nhá nhem nên màu xanh của vuông lưới cũng nhạt nhòa. Theo anh H., thời điểm này bẫy chim sẻ là "ngon" nhất. Sau một đêm trú ngụ, sáng ra là đàn chim lao vội xuống các cánh đồng nhặt những hạt lúa rơi vãi. Nghề này tuy vất vả nhưng vẫn cứ đi. Xong một ngày leo giàn giáo phụ hồ, chiều tối là xuống ruộng giăng bẫy để có đồng ra đồng vào giúp vợ nuôi con.

Chim sẻ dính bẫy keo bị tóm chặt.

Có thể nói, ở vùng nông thôn mà tiếng chim cứ thưa dần, lượng chim giảm sút nghiêm trọng. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái. Mùa màng bị xâm hại, năng suất thấp do sâu bệnh hoành hành. Người nông dân buộc phải sử dụng hóa chất độc hại để diệt trừ sâu dẫn đến sự ô nhiễm nguồn nước. Với quan niệm "chim trời, cá nước" ai cũng có thể đánh bắt tùy theo ý thích, có người bắt chim để phục vụ nhu cầu giải trí hoặc làm mồi nhậu, cũng có người xem đó là công việc mưu sinh. Cho dù với mục đích gì, chính việc làm thiếu ý thức săn bẫy chim một cách tràn lan như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ làm tuyệt chủng nhiều loài chim và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người... Được biết, từ năm 2016, UBND H. Hòa Vang đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương có kế hoạch tuyên truyền cho người dân ở vùng chim di cư về vai trò của các loài chim trời, không tham gia đánh bắt; kịp thời tin báo chính quyền ngăn chặn nếu phát hiện người khác săn bẫy trái phép. Phát huy vai trò của cả cộng đồng dân cư, đến thời điểm này, lực lượng chức năng các xã Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú cũng đã xử lý hơn 20 trường hợp. Tình trạng người dân săn bắt các loại chim trời, chim hoang dã đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, với địa bàn nông thôn rộng lớn như Hòa Vang, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công dân ở một số địa phương vẫn còn hạn chế, một bộ phận người dân trong quá trình phơi nông sản tận mắt nhìn thấy thợ bẫy chim sẻ đến hành nghề nhưng lại không có trách nhiệm tin báo hoặc đẩy đuổi... Vì thế, chim sẻ vẫn tiếp tục bị tận diệt và trở  thành mồi nhậu cho các quán đặc sản một cách không thương tiếc!

VY HẬU