"Trần Quý Cáp - Chí sĩ làng tân học" - Bản trường ca về một thủ lĩnh phong trào Duy Tân

Thứ hai, 26/08/2024 13:00

"Trần Quý Cáp - Chí sĩ làng tân học" là trường ca của Nhà báo, Nhà thơ, Đại tá Lê Anh Dũng viết về một nhân vật lịch sử mà nhiều con đường, nhiều ngôi trường trong cả nước mang tên. Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 8-2024.

Nhà thơ, Đại tá Lê Anh Dũng
Bìa sách "Trần Quý Cáp - Chí sĩ làng tân học".

Chưa bàn về mặt nội dung, có thể nói tác giả Lê Anh Dũng là một trong những tác giả viết nhiều trường ca nhất. "Trần Quý Cáp - Chí sĩ làng tân học" là tập trường ca thứ 10 kể từ tập trường ca đầu tiên "Thưa mẹ, phía trăng lên" (NXB Quân Đội Nhân Dân - 2003) viết về Mẹ Thứ - Mẹ Việt Nam anh hùng quê ở Xóm Rừng, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã trở thành tượng đài của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng chịu nhiều đau thương, mất mát và hy sinh nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Sinh thời, nhà thơ Thu Bồn, tác giả của trường ca "Chim Chrao" nổi tiếng, đã từng đọc bản thảo và có lời nhận xét về tập trường ca đầu tiên của Lê Anh Dũng: "Mày đã giúp tao trả nợ cho chính quê hương Điện Thắng của mình...". Nhận xét đó như là một lời động viên, khích lệ nhà thơ Lê Anh Dũng gắn bó với thể loại thơ mang tên "trường ca" mà không phải người làm thơ nào cũng dám mon men đến gần và thử sức. Hơn 20 năm với 10 tập trường ca đã nói lên sức bền với ngòi bút thủy chung với thể loại trường ca của tác giả Lê Anh Dũng.

Tập sách "Trần Quý Cáp - Chí sĩ làng tân học" dày gần 80 trang, chia thành 8 chương, gồm: Lời đề từ (Chương 1) - Xứ làng "có một không hai" (Chương 2), Người lĩnh xướng vì dân (Chương 3) - Khát vọng duy tân (Chương 4) - Cảo thơm lần giở (Chương 5) - Hóa trăng sao (Chương 6) - Dân thương, dân lập đền thờ (Chương 7) -Nghìn thu sáng mãi (Chương 8).

Trong chương 1 - "Lời đề từ", tác giả Lê Anh Dũng mượn câu ca dao quen thuộc làm lời dẫn nhập: "Ru em nằm ngủ trên nôi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Bất Nhị mua trầu Hội An"… Lần theo lời ru, tác giả tìm về những nẻo làng quê hay đi khắp các ngóc ngách của phố phường từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Khánh Hòa tìm kiếm hậu duệ của Nhà chí sĩ Trần Quý Cáp để tìm kiếm và xác thực các tư liệu về lịch sử.

Nhân vật lịch sử Trần Quý Cáp sinh năm 1870 tại làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mất năm 1908 tại Khánh Hòa. Tuy xuất hiện trong một giai đoạn lịch sử rất ngắn ngủi, rời thế gian ở tuổi 38 đang độ sung sức cống hiến cho đời, nhưng chàng trai Trần Quý Cáp đã để lại tư tưởng, dấu ấn sâu sắc trong lòng dân tộc và lưu danh thiên cổ. Ông cùng với các bạn đồng môn và danh sĩ đương thời như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang (Quảng Nam), Trương Gia Nô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi (Bình Thuận)… dấy lên phong trào Duy Tân nhằm mục đích thức tỉnh thân phận nô lệ của người dân An Nam và canh tân đất nước thoát khỏi xích xiềng nô lệ của thực dân Pháp. Vì vậy, ông bị khép tội mưu phản chế độ và bị án chém tại Khánh Hòa.

Chương 2 - "Xứ làng có một không hai" mô tả sự bộc lộ tài năng rất sớm của cậu học trò Trần Nghị, mà về sau vang danh với tên gọi khác là Trần Quý Cáp: "Chuyện rằng vào tuổi tròn trăng/ Quý Cáp đã dịch Hán văn cho làng/ Bài Hịch đánh Tây âm vang/ Thức tỉnh Nho sĩ theo gương anh hùng".

Các chương 3, 4, 5 và 6 mô tả tư tưởng canh tân đất nước và cuộc đời hoạt động gian nan xuôi ngược của chí sĩ Trần Quý Cáp bên cạnh những nhà canh tân cùng thời là các chí sĩ tên tuổi như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã đánh giá Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp là ba nhân vật kiệt xuất nhất của Phong trào Duy Tân dấy lên trong một giai đoạn lịch sử vừa bi thương, vừa quật cường của người dân nước Việt. Riêng cuộc đời của chí sĩ Trần Quý Cáp đã: "Sống kiên trung bất khuất/ Chết cũng vì nước dân"…

Nhà thơ, Đại tá Lê Anh Dũng

Nhà thơ, Nhà báo, Đại tá Lê Anh Dũng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm Kỷ Hợi tại Đa Hòa, Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam, hiện sống và viết tại Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Các tác phẩm đã xuất bản gồm 10 tập trường ca, 9 tập thơ và 1 tập bút ký. Ngoài ra, còn viết in chung và chủ biên nhiều tập ký sự, tuyển thơ và lịch sử...

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc các nước nói chung và của người Việt Nam nói riêng, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"; "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"… luôn luôn được đề cao. Những ai đã một lòng một dạ vì dân vì nước hy sinh đều trở thành các tượng đài trong lòng dân tộc và lưu danh hậu thế. Tại đâu đó, ẩn dưới bóng mát của gốc đa hay những lũy tre làng… người dân hiến đất, góp tiền xây dựng các đền thờ hương khói sớm tối như là một sự tri ân. Những người chết trong lòng dân là những người anh hùng sống mãi… "Trời xanh mây trắng nắng vàng /Tấm gương nghĩa liệt mênh mang nước nhà/ Bất Nhị quê Ông không xa/ Đã xây lăng mộ nguy nga giữa làng/ Con cháu Đà Nẵng, Nha Trang/Dòng họ, dân chúng Điện Bàn khói hương…" (Chương 7 - Dân thương, dân lập đền thờ)

Trường ca "Trần Quý Cáp - Chí sĩ làng tân học" kết thúc với chương 8 - "Nghìn thu sáng mãi" như là hồi chuông vang vọng. Âm vang từ thân thế và sự nghiệp của một trong những lãnh đạo xuất sắc Phong trào Duy Tân sẽ còn ngân rung mãi với sông núi, cỏ cây và lòng dân: "Mấy trăm năm vẫn nối truyền/ Canh tân đất nước mãn nguyền từ Ông/ Trời cao biển rộng mênh mông/ Ông là nguyên khí hanh thông nước nhà".

Thêm một trường ca về chí sĩ Trần Quý Cáp như thêm một đóa hoa thơm mà hậu thế dành cho một nhân vật lịch sử. Xếp sách lại, lòng người đọc mở ra với cảm xúc dạt dào về niềm tin của sự đổi mới để có một xã hội công bằng, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc hơn. Đó cũng chính là ước vọng mà chí sĩ Trần Quý Cáp không ngại dấn thân và hy sinh.

Mai Hữu Phước