Trang bị kiến thức  phòng cháy chữa cháy cho trẻ em, việc cần làm ngay

Thứ ba, 31/10/2023 10:15
Đối với trẻ em, bất kỳ tai nạn nào cũng sẽ là nghiêm trọng, nhưng tai nạn thương tích (TNTT) liên quan đến cháy nổ, đuối nước được xem là nghiêm trọng nhất, nếu xảy ra sẽ để lại hậu quả rất khó lường. Vì vậy, việc trang bị kiến thức an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC), kỹ năng cứu nạn, cứu hộ (CNCH) cho trẻ em được xem là cần thiết và là việc cần làm ngay.
Các em HS được thực hành chữa cháy bằng bình bọt tại chương trình trải nghiệm “Em là chiến sĩ PCCC”.
Các em HS trải nghiệm kiến thức sơ cứu nạn nhân bị đuối nước tại chương trình trải nghiệm “Em là chiến sĩ PCCC”.

Cháy nổ luôn là mối hiểm họa khôn lường, thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, tính mạng cũng như thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân, trong đó trẻ em được xác định là nhóm người có ảnh hưởng nặng nề nhất. Số liệu thống kê, trong năm 2022 cả nước đã xảy ra hơn 1.700 vụ cháy, nổ và làm tử vong hơn 100 người, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2022 đã xảy ra 18 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 5 tỷ đồng. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc chúng ta không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác bởi nguy cơ cháy nổ nói riêng và các TNTT có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Xác định được tầm quan trọng của việc cần phải trang bị các kỹ năng về PCCC cho trẻ em, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh Lâm Đồng đã thường xuyên phối hợp với Hội Đồng đội TP Đà Lạt tổ chức các chương trình trải nghiệm, điển hình như chương trình trải nghiệm “Em là chiến sĩ PCCC” lần thứ I năm 2023. Chương trình là mô hình giáo dục tổng hợp dành cho Ban chỉ huy các Liên Đội trên địa bàn TP Đà Lạt, thông qua trải nghiệm thực tế trong môi trường của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH. Không chỉ có vậy, công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức PCCC còn được Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương ở Lâm Đồng đẩy mạnh tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư. Thượng úy Trần Trung Hiếu – Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH cho rằng: “Ở độ tuổi từ mầm non đến cấp 2 đa phần các em chưa có nhận thức rõ ràng, chưa biết được nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ cũng như các hoạt động có thể dẫn đến các tai nạn đuối nước thương tâm. Cũng ở lứa tuổi này, các em chưa có kỹ năng xử lý, nếu có trường hợp khẩn cấp xảy ra thì các em không xử lý được. Đây là vấn đề người dân và các bậc phụ huynh rất quan tâm”.

Các em HS được thực hành chữa cháy bằng bình bọt tại chương trình trải nghiệm “Em là chiến sĩ PCCC”.

Tại chương trình trải nghiệm “Em là chiến sĩ PCCC”, các em học sinh (HS) đã được hướng dẫn về một số biện pháp đảm bảo an toàn PCCC tại gia đình và trường học, cách xử lý sự cố cháy, nổ, kỹ năng thoát nạn trong điều kiện cháy, kỹ năng sơ cấp cứu người bị đuối nước… Từ đó giúp các em hình thành các kỹ năng thực hành cần thiết, phản ứng nhanh nhạy trước các tình huống tai nạn có thể gặp phải trong cuộc sống. Được tham gia chương trình, em Mai Phước Quốc Khánh – HS trường Tiểu học Hùng Vương, TP Đà Lạt hồ hởi chia sẻ: “Thông qua chương trình em được biết về các tác dụng của xe chữa cháy, bình chữa cháy, được biết và thực hiện các thao tác cứu người khi bị đuối nước và khi bị hóc các dị vật, rất là bổ ích”. Chị Đặng Phạm Mai Thảo – Bí thư Liên chi Đoàn trường Tiểu học Hùng Vương & Tiểu học Đa Lợi, TP Đà Lạt đã có nhận xét: “Buổi trải nghiệm đã trang bị cho các em HS những kiến thức, kỹ năng để CNCH, kỹ năng tự bảo vệ bản thân như khi có cháy xảy ra. Đây là chương trình hết sức thiết thực, cần thiết cho các em, giúp các em nắm vững các kiến thức để có thể xử lý được tình huống cháy, TNTT, để có thể bảo vệ bản thân và bảo vệ người thân trong gia đình mình”.

Theo dự báo, tại Tây nguyên, mùa khô năm 2023 nhiều khả năng sẽ đến sớm, nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra trên diện rộng và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, đuối nước tăng cao. Chính vì thế, việc đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC cho người dân, nhất là trẻ em là việc cần làm ngay. Thượng tá Nguyễn Tiến Hồng – Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm giáo dục thanh thiếu nhi của tỉnh và đơn vị trường học đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức PCCC, kỹ năng CNCH, đặc biệt là trong lứa tuổi HS từ 8 đến 12 tuổi và lứa THPT với mong muốn giúp cho các em có kiến thức ban đầu về công tác PCCC, CNCH. Việc này không những trang bị kiến thức để các em tự bảo vệ bản thân mà các em sẽ là các tuyên truyền viên, tích cực tuyên truyền việc chấp hành pháp luật về PCCC cho các thành viên trong gia đình, tại khu dân cư”.

Có thể khẳng định, việc trang bị kiến thức an toàn về PCCC, phòng chống các TNTT, đuối nước cho trẻ em là việc làm cần thiết. Đây không chỉ là việc trang bị kiến thức đơn thuần mà còn là trang bị kỹ năng mềm để các em thích nghi với mọi điều kiện của đời sống. Đây được xem là nhiệm vụ thường xuyên của không chỉ lực lượng Công an mà của tất cả các cấp, ngành để hướng tới một xã hội an toàn.

Đức Huy