Tranh cãi bùng nổ sau vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Iraq
Ngoại trưởng Mike Pompeo khởi đầu năm 2020 khó khăn khi chỉ sau 1 ngày của năm mới, ông đã buộc phải hoãn chuyến đi tới Kyiv, Ukraine trong tuần này để giải quyết cuộc khủng hoảng mới ở Iraq sau vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ, buộc cơ sở này phải đình chỉ các hoạt động lãnh sự. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad cũng vẫn chưa hoạt động trở lại sau tuyên bố đình chỉ tất cả các hoạt động lãnh sự công khai.
Người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq vào ngày 1-1- 2020. Ảnh: AP |
Vì sao Ngoại trưởng Mỹ hoãn thăm Ukraine?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố, chuyến thăm bị hoãn lại “do yêu cầu Bộ trưởng phải có mặt ở Washington, DC để tiếp tục giám sát diễn biến ở Iraq và đảm bảo sự an toàn và an ninh của các công dân Mỹ ở Trung Đông”.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn và những người ủng hộ các lực lượng này chiếm giữ vòng ngoài tòa đại sứ Mỹ, phóng hỏa, ném đá và phá hoại các camera giám sát. Hàng trăm người biểu tình vây quanh Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad hôm 31-12-2019, sau vụ không kích đẫm máu của Washington vào 5 cứ điểm của lực lượng Kataeb Hezbollah - một nhóm dân quân thuộc lực lượng quân sự Hashd al-Shaabi của Iraq, còn gọi là Các lực lượng Động viên nhân dân Iraq (PMF) - ở Iraq và Syria, làm 25 tay súng của nhóm bán quân sự thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương nguy kịch. Cuộc tấn công và hậu quả của nó đã khiến Lầu Năm Góc điều hàng trăm binh sĩ đến Trung Đông và Ngoại trưởng Mike Pompeo hoãn chuyến đi Châu Âu và Trung Á.
Hiện những phiến quân được cho là do Iran hậu thuẫn rút khỏi khu vực Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Trong khi đó, người biểu tình ủng hộ Iran cũng chấm dứt cuộc biểu tình ngồi tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad của Iraq sau lời kêu gọi rút lui của PMF. Dòng người biểu tình lũ lượt rời khỏi Vùng Xanh được tăng cường an ninh, cũng là nơi có trụ sở Đại sứ quán Mỹ, dễ dàng như cách họ tới đây hôm 31-12. Nhiều xe tải cũng tới khu vực trên, mang đi lều trại và chướng ngại vật tạm thời được sử dụng trong cuộc biểu tình ngồi này.
Iran đứng sau?
Những động thái này đánh dấu kết thúc một cuộc khủng hoảng kéo dài 2 ngày được đánh dấu bằng vụ tấn công nhằm vào cơ quan ngoại giao lớn nhất của Mỹ và được củng cố nghiêm ngặt nhất trên thế giới - Vùng Xanh. Nhưng căng thẳng Mỹ-Iran vẫn ở mức cao và có thể bùng nổ bạo lực bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm 2-1, Tehran nhấn mạnh không sợ bất kỳ cuộc xung đột nào với Mỹ. Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran đưa tin: Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tướng Hossein Salami ngày 2-1 tuyên bố, Tehran không hướng tới một cuộc chiến tranh nhưng không e sợ bất kỳ cuộc xung đột nào. “Chúng tôi không đưa đất nước tới chiến tranh, nhưng chúng tôi không sợ bất kỳ cuộc chiến nào và chúng tôi yêu cầu Mỹ nói chuyện đúng sự thật về quốc gia Iran. Chúng tôi có sức mạnh để phá vỡ các cuộc chiến đó và không hề cảm thấy lo lắng”, ông khẳng định.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Iran đứng sau các cuộc biểu tình chống Mỹ ở Iraq và nói rằng, Tehran phải chịu trách nhiệm. Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz ngày 2-1 cũng chỉ trích vụ mà ông miêu tả là “vụ tấn công” của những người biểu tình Iraq vào Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad, cáo buộc Iran hỗ trợ các cuộc biểu tình này. Tehran kiên quyết bác bỏ những cáo buộc này. Bộ Ngoại giao Iran đã triệu một quan chức thuộc Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran, phái bộ đại diện cho các lợi ích của Mỹ ở Iran, để phản đối sự “hiếu chiến” của Washington tại nước láng giềng Iraq.
KHẢ ANH