Trao truyền di sản miền Kinh Bắc

Thứ tư, 07/02/2024 15:18
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một lối hát giao duyên dân dã, thể hiện mối quan hệ gắn bó tình nghĩa giữa những “liền anh”, “liền chị”. Hình thức diễn xướng dân gian mang sắc thái riêng, độc đáo, tiêu biểu này đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009.
Các liền anh, liền chị Quan họ đắm mình trong câu hát dân ca trong ngày hội Xuân.
Các nghệ nhân - liền anh, liền chị Quan họ Làng Diềm hát Quan họ cổ tại Nhà chứa.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của đất nước, việc bảo tồn và phát huy Dân ca Quan họ ngày càng trở nên có ý nghĩa và thiết thực hơn.

Vẻ đẹp Kinh Bắc

Du khách về Bắc Ninh, mỗi độ Giêng Hai, hẳn sẽ không quên hình ảnh những liền anh áo the, khăn xếp, liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón quai thao thướt tha với ánh mắt lúng liếng trao gửi tình tứ cùng những câu hát làm rung động trái tim bao người: “Khách đến chơi nhà là khách đến chơi nhà, đốt than, quạt nước pha trà mời người xơi”...

Bao đời nay, những làn điệu dân ca Quan họ đã ôm ấp, chở che, nuôi dưỡng tâm hồn người dân nơi đây. Họ lớn lên trong câu hát, rồi giãi bày tâm sự cũng trong câu ca Quan họ, Quan họ góp phần tạo nên cốt cách, văn hóa người Kinh Bắc.

Người Quan họ uống chén rượu mừng xuân, mừng hội, vui bầu, vui bạn... rồi ca xướng cho tan canh mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày, rồi các làn điệu chia tay giã bạn đầy quyến luyến trong câu hát “Người ơi người ở đừng về. Giã bạn rồi mà Quan họ vẫn còn ngậm ngùi tiếc nhớ “Người về tôi vẫn ngậm ngùi, để thương, để nhớ cho tôi thế này... Người về tôi chẳng dám nài, áo trong người mặc, áo ngoài người để làm tin”... Và để rồi kết thúc bằng những lời hứa hẹn tha thiết “Đến hẹn lại lên”... trong mùa hội tới.

Vùng Kinh Bắc có 49 làng quan họ gốc - duy trì được lối chơi văn hóa Quan họ truyền thống, trong đó Bắc Ninh có 44 làng và Bắc Giang 5 làng, với các bài hát cổ mộc mạc, dân dã mang nét đẹp riêng vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa. Sau hơn 10 năm kể từ ngày được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sức sống của Quan họ đã lan tỏa mãnh liệt.

Các nghệ nhân - liền anh, liền chị quan họ Làng Diềm với trang phục truyền thống đến Nhà chứa Quan họ duy nhất của làng để hát Quan họ - một sinh hoạt thường kỳ của câu lạc bộ Quan họ làng Diềm.

Lan tỏa tình yêu di sản

Sinh ra và lớn lên ở làng Diềm - cái nôi của Quan họ cổ, hai chị em Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Sang (69 tuổi) và Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Nguyễn Thị Thềm (64 tuổi) là con gái của liền chị có tiếng ở xứ Kinh Bắc xưa nên ngay từ trong bụng mẹ, 2 chị em đã được mẹ ru những làn điệu dân ca Quan họ mượt mà thấm đẫm tình người. Hai chị em Sang, Thềm thường theo mẹ đến nhà chứa Quan họ (nơi tập trung các liền anh, liền chị trong làng) để học hát. Lên 6-7 tuổi, 2 chị em đã hát thành thạo các bài Quan họ cổ với những luyến láy, nhả chữ rất khó.

NNƯT Nguyễn Thi Sang cho hay, từ những năm 1990, nhiều em nhỏ trong làng Diềm bắt đầu tìm đến nhà nghệ nhân Sang và Thềm để học hát Quan họ. Vào dịp nghỉ hè, các em học sinh trong và ngoài làng yêu thích Quan họ lại đến nhà 2 nghệ nhân để học ca. Cứ như thế, nghệ nhân Sang và Thềm trở thành người truyền dạy làn điệu Quan họ, trong đó có những bài hát cổ cho thế hệ sau.

Các nghệ nhân chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn Quan họ.

“Mới đầu, chỉ là các em nhỏ, người dân trong làng yêu Quan họ tìm đến học. Sau đó, tiếng lành đồn xa, những người yêu Quan họ ở trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh cũng về nhà chúng tôi học hát. Chúng tôi không chỉ dạy hát mà còn chỉ bảo cách ăn mặc, chào hỏi, ứng xử cho đúng với cách chơi quan họ cổ của ông cha. Chúng tôi dạy bằng cái tâm, không lấy một đồng nào”, NNƯT Nguyễn Thị Sang chia sẻ.

Không chỉ nỗ lực truyền dạy, lan tỏa tình yêu Quan họ đến thế hệ kế cận, với mong muốn gìn giữ những kỉ vật, tư liệu quý về nghề chơi Quan họ truyền thống, hai chị em nghệ nhân đã thành lập “Thư viện Quan họ Sang Thềm”. Không đơn thuần chỉ có sách, báo, tài liệu, tranh ảnh mà ở đây giống như một bảo tàng thu nhỏ với nhiều hiện vật, quần áo, giày dép, nón khăn và các đồ dùng liên quan của liền anh, liền chị thuở xưa. Đặc biệt, có những bộ áo dài truyền thống ngũ thân, cài khuy bằng vải lụa sồi, có áo tứ thân thắt hai vạt trước bằng vải diềm bâu, vải thâm đất mà tuổi đời đã gần 70 năm; có đôi dép lá đa mỏng nhẹ của liền chị; có sợi dây đeo xà tích được đan bện tỉ mỉ, cầu kỳ; có nguyên cả bộ xà tích quả đào bằng bạc pha kẽm mà năm xưa các liền chị dùng đựng kim chỉ, kèm ống đựng vôi với con dao hình lá trúc, chìa vôi...

Liền anh, liền chị Quan họ trong ngày hội Lim 2023.

“Thư viện Quan họ Sang Thềm” cũng có rất nhiều vật dụng khác phục vụ cho nghi thức đón tiếp, thết đãi Quan họ bạn như: Mâm gỗ, bộ bát cổ, cơi đựng trầu, cối giã trầu, ấm đựng nước, nồi đồng chuyên dùng để liền anh liền chị nấu cơm, đèn măng xông để thắp trong những canh hát thâu đêm suốt sáng thời xa xưa chưa có điện...

Theo NNND Nguyễn Thị Thềm, Quan họ không chỉ là hát. Quan họ là một không gian văn hóa. Những trang phục, bình vôi, cơi trầu... chính là những yếu tố không thể thiếu để hình thành không gian văn hóa Quan họ.

NNND Nguyễn Thị Thềm chia sẻ: “Để sưu tầm được một bộ trang phục Quan họ cổ, chúng tôi phải khó khăn lắm mới thuyết phục được. Lần đó, chúng tôi đến nhà một bậc lão niên trong làng ngỏ lời xin cụ bộ Quan họ xưa. Cụ cứ ngần ngừ mãi nói là bộ quần áo đó đã theo cụ cả tuổi thanh xuân cho đến tận bây giờ. Nó là minh chứng cả quãng đời sôi nổi, yêu Quan họ của cụ. Thế nên cụ muốn khi qua đời sẽ mang theo bộ quần áo đó cùng mình sang thế giới bên kia. Nhưng khi biết được ý nghĩa việc làm của 2 chị em tôi, cụ mới đồng ý để lại bộ quần áo Quan họ”.

Các liền anh, liền chị Quan họ đắm mình trong câu hát dân ca trong ngày hội Xuân.

Tâm nguyện lớn nhất của cặp nghệ nhân gạo cội làng Diềm là gìn giữ kỷ vật, tài liệu để giúp thế hệ mai sau có cơ hội tìm hiểu về nghề chơi Quan họ truyền thống của cha ông.

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo này, những nghệ nhân ở các làng Quan họ gốc, dù tuổi cao nhưng vẫn ngày đêm say mê, trao truyền cho thế hệ trẻ như các nghệ nhân: Nguyễn Thị Bàn (Làng Diềm); Nguyễn Hữu Thoa (thị trấn Lim); Nguyễn Thị Kim Quýnh (TP Bắc Ninh); Nguyễn Văn Quỳnh (Tiên Du)... Những nghệ nhân như “báu vật sống” dù mắt mờ, chân chậm nhưng vẫn ca thuộc hàng trăm làn điệu Quan họ cổ, “biết đủ lối, thuộc đủ câu” và hơn cả, với tình yêu và sự gắn bó với di sản như máu thịt, họ sẵn sàng trao truyền để di sản lan tỏa trong đời sống. Bởi thế, Quan họ không chỉ là một di sản mà là một di sản đã, đang và sẽ được lan tỏa mạnh mẽ.

AN AN